Đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với Ủy ban nhân dân Hà Nội về phương án bảo tồn phía đông khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức đã khiến các nhà khoa học và người dân ở đây rất vui mừng và bước đầu có hy vọng về một di sản có giá trị hiếm thấy được giữ gìn.
PGS. TS Bùi Văn Liên làm thủ tục động thổ, khởi công dự án khai quật hồitháng 5-2020.
Sau nhiều kiến nghị của các nhà khoa học, người dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan báo chí truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định khai quật một số phần của khu vực di chỉ Vườn Chuối để nghiên cứu, trong đó có khai quật mở rộng về phía Đông để có những đánh giá rõ hơn quy mô cũng như giá trị của di chỉ khảo cổ này. Từ những kết quả khai quật mở rộng này, cách đây hơn một tháng, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc họp để nghe Đoàn khai quật khảo cổ, Viện Khảo cổ học báo cáo, đồng thời đề xuất những phương án bảo vệ, bảo tồn với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học.
Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội và Cục Di sản văn hóa đề xuất hai phương án bảo tồn. Theo đó, phương án 1 sẽ thực hiện nghiên cứu bảo tồn diện tích khu vực phía Đông khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2), đưa khu vực này vào danh mục di tích của thành phố. Từ đó xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích; đồng thời thực hiện phương án khai quật di dời các di tích, di vật ở khu vực phía tây khu di chỉ trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3 và 5 của thành phố. Phương án này không làm ảnh hưởng đến xây dựng tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố.
Phương án 2 sẽ thực hiện nghiên cứu bảo tồn toàn bộ diện tích khu vực phía tây khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2) giống như ở khu vực phía Đông, nhằm bảo tồn toàn bộ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (diện tích khoảng 12.000m2). Đưa toàn bộ khu vực di chỉ vào danh mục di tích của thành phố, đồng thời xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, xếp hạng, tiếp tục khai quật khảo cổ, xây dựng các công trình văn hóa phụ trợ... Tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố đoạn qua khu vực di chỉ, nghiên cứu làm cầu vượt.
Phát hiện di cốt thời Đông Sơn trong hố khai quật H1 ở di chỉ Vườn Chuối. (Ảnh:Ngô Vương Anh)
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất nghiên cứu, bảo tồn khu di chỉ theo Phương án 1 với lý do, phương án này bảo đảm sự hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, vừa phục vụ mục đích bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di tích, vừa phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.
Nửa phía Đông khu di chỉ mang những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu cho toàn bộ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Hiện, ở khu vực này vẫn còn lưu giữ nhiều di tích, di vật có giá trị, phục vụ việc nghiên cứu và phát huy giá trị di tích.
Việc thực hiện khai quật di dời đối với nửa phía Tây khu di chỉ bảo đảm tối đa việc thu thập những di tích, di vật hiện tồn tại khu vực này và không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố. Phương án 2 bảo đảm việc bảo tồn toàn bộ diện tích của khu di chỉ (khoảng 12.000 m2) nhưng hạn chế trong việc xây dựng tuyến đường vành đai 3, 5. Đề xuất này được đưa ra trên cơ sở có sự thống nhất của các nhà khoa học, nhà khảo cổ học.
Trong năm 2020-2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã giao Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học và các cơ quan liên quan tiến hành khai quật khảo cổ tại nửa phía Đông khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối với tổng diện tích khai quật là 150 m2. Đợt khai quật đã làm phát lộ nhiều di tích, di vật có niên đại trải dài và liên tục từ giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn; với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, là nguồn sử liệu quý báu góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các giai đoạn văn hóa thời kỳ Hùng Vương và trước cũng như sau đó ở Hà Nội nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung.
Tuyết Loan