Ngay từ khi được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới ở lĩnh vực thiết kế, Hà Nội đã xác định trọng tâm xây dựng Thành phố sáng tạo là tạo ra những sản phẩm văn hóa mới có giá trị trên nền tảng văn hóa truyền thống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thành phố đã bước đầu có những hình mẫu trong sáng tạo di sản, đưa di sản thích ứng với thời đại; nhưng cũng còn không ít hạn chế cần khắc phục trong tiến trình xây dựng Thành phố sáng tạo mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội.
Bài 4: Mở đường đến "Kinh đô sáng tạo"
(Tiếp theo và hết) (*)
Các em nhỏ trải nghiệm quy trình làm gốm tại Làng gốm Bát Tràng.
Sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới có giá trị trên nền tảng văn hóa truyền thống tạo nên một Hà Nội - Thành phố sáng tạo có bản sắc riêng. Ðây là vấn đề quan trọng mang tính quyết định giúp thể hiện được "sức mạnh mềm", sự lan tỏa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Từ việc được ghi danh là Thành phố sáng tạo, Hà Nội đặt ra tầm nhìn trở thành Kinh đô sáng tạo của Ðông Nam Á. Nhưng để hiện thực hóa tầm nhìn này, thành phố phải tháo gỡ những "điểm nghẽn", để mở đường đến Kinh đô sáng tạo.
Bằng việc triển khai Chương trình 04 của Thành ủy về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (ở nhiệm kỳ 2020 - 2025 là Chương trình 06) trong nhiều năm qua, văn hóa Hà Nội đã được giữ gìn và bồi đắp thông qua những sáng tạo của nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế và của cộng đồng. Ðường lối phát triển ấy phù hợp với sự phát triển của thế giới khi UNESCO xây dựng Mạng lưới các Thành phố sáng tạo từ năm 2004, lấy văn hóa làm động lực để phát triển đô thị bền vững. Thành phố xác định Thành phố sáng tạo là khởi đầu cho việc sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới trên nền tảng văn hóa truyền thống. Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trong phát huy những nguồn lực chính trong xây dựng Thành phố sáng tạo gồm: Di tích, di sản, làng nghề và không gian sáng tạo. Song, vẫn còn nhiều vướng mắc phải tháo gỡ. Số lượng di tích, di sản được phát huy, khai thác còn hạn hẹp và đang khó khăn trong nhân rộng. Khối làng nghề chỉ nổi lên một vài điển hình, còn lại đều gặp khó khăn nhất định.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: "Khi Hà Nội bắt đầu triển khai xây dựng Thành phố sáng tạo, chúng tôi cũng rất băn khoăn. Nhưng chúng tôi mạnh dạn thử nghiệm các hoạt động và được đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao. Tuy nhiên, để tiếp tục có những bước đi đột phá thì lại vướng mắc. Chúng tôi là những người làm công tác quản lý chuyên môn. Muốn mở rộng các hoạt động thì cần có đối tác. Ðiều này đòi hỏi có những hợp tác công - tư, khi các doanh nghiệp năng động hơn trong xây dựng các sản phẩm, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, tiếp cận khách hàng. Nhưng hiện nay, việc hợp tác công - tư lại "tắc" vì Luật Quản lý tài sản công". Theo Luật Quản lý tài sản công, muốn hợp tác công tư, Trung tâm phải định giá tài sản Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ðiều này là không thể vì không đơn vị nào có khả năng định giá hàng chục hạng mục của di tích này. Ðây là vấn đề chung của nhiều đơn vị quản lý di tích trên địa bàn. Thiếu một cơ chế hợp tác công - tư là thiếu cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa".
Ðối với di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã triển khai nhiều dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng như: Nghệ thuật hát Dô (huyện Quốc Oai), hát trống quân (ở các huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên), nghề rèn ở Ða Sĩ (Hà Ðông), tiếng lóng ở Ða Chất (Phú Xuyên)..., một số loại hình di sản đã được khai thác để phát triển du lịch văn hóa. Tuy nhiên, số lượng di sản phi vật thể được quan tâm, bảo tồn, khai thác còn hạn chế. Kinh phí để bảo tồn, phát huy một số loại hình diễn xướng dân gian gặp rất nhiều khó khăn. GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, để phát huy giá trị của diễn xướng dân gian ở Thủ đô, rất cần sự vào cuộc dài hơi của cơ quan chính quyền. Bên cạnh việc lan tỏa trong hệ thống trường học, bảo tàng, nhà văn hóa, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nghệ nhân, thì để thúc đẩy sáng tạo, TP Hà Nội nên đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa; cần đẩy mạnh xã hội hóa việc lưu giữ và phát huy vốn diễn xướng dân gian cổ truyền. Một số chuyên gia văn hóa cũng đề nghị thành phố cần ưu đãi, khuyến khích cho đầu tư vào xây dựng các sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa phi vật thể.
Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, cùng với đó, các cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội", chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... đang tạo thêm động lực cho sáng tạo của làng nghề. Song, nghệ nhân Ðỗ Trọng Ðoàn - đại diện Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: "Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nghệ nhân chỉ có sự tâm huyết và kinh nghiệm cổ truyền thôi chưa đủ. Cần phải áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm. Ðể có được điều này, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp". Thiết kế là linh hồn sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ cần có mẫu mới liên tục để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhưng các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh làng nghề hiện không có nguồn hỗ trợ cho thúc đẩy thiết kế sáng tạo, lại yếu về công nghệ, cho nên gặp khó khăn trong thiết kế.
Trong dịp này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội đã công bố kết quả chấm chọn cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo. 25 phương án thiết kế không gian sáng tạo xuất sắc nhất đã được công bố để độc giả có thể bình chọn. Trong số này có bảy phương án thuộc hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống. Những giải pháp được quan tâm như: "Thổi hồn sáng tạo làng tre Việt" - kiến tạo làng mây tre đan Phú Vinh thành cộng đồng cùng sáng tạo dựa trên khai thác văn hóa nghề mây tre đan truyền thống, văn hóa nghề nông và di sản làng truyền thống; "Mô hình du lịch từ cây lúa" với các giải pháp sáng tạo để khai thác vẻ đẹp di sản làng cổ Ðường Lâm... Không gian sáng tạo là mô hình mới, nhưng từ thực tế và những gợi ý từ cuộc thi, đây có thể là những hướng đi hợp lý khi thành phố tìm những giải pháp gắn kết giữa truyền thống và những sáng tạo hiện đại.
Đã có thời gian, chúng ta lo lắng về bảo tồn những giá trị truyền thống trước sự "xâm lấn" của yếu tố hiện đại. Nhưng Thủ đô dần dần đã tìm được sự thích ứng. Song song với bảo tồn, những di sản được sáng tạo để tiếp nối mạch chảy, phù hợp với sự hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, trở thành nguồn lực văn hóa truyền thống để xây dựng Thành phố sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố đã tạo được nền tảng vững chắc để hướng tới tầm nhìn Kinh đô sáng tạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Song, khi Thành ủy xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững, chủ trương này được cụ thể hóa bằng những giải pháp, có thể tin tưởng rằng, Hà Nội đã và đang định vị là một Thành phố sáng tạo, để kiến tạo tương lai từ bản sắc của Thủ đô di sản, thành phố nghìn năm tuổi.
(*) Xem từ số ra ngày 28/7/2021.
Giang Nam - Quỳnh Anh