Hạ tầng luôn được coi là xương sống của ngành du lịch. Với tầm nhìn chiến lược đó, những năm qua, huyện Vân Đồn đã và đang tích cực tập trung kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư, nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị và cơ sở vật chất du lịch biển.
Nút giao cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với đường nối sân bay đến Khu phức hợp giải trí cao cấp. Ảnh: Đỗ Phương
Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú, huyện Vân Đồn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển. Còn nhớ, từ năm 2016 trở về trước, hạ tầng du lịch của huyện gặp rất nhiều hạn chế. Hệ thống giao thông đường bộ yếu kém, duy nhất tuyến tỉnh lộ 334 được đầu tư xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, ít được quan tâm đầu tư nâng cấp. Hệ thống giao thông chủ yếu là các tuyến đường xã, đường thôn được đầu tư nhỏ lẻ, manh mún không đồng bộ. Các cảng biển cũ, xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu đón các tàu khách cỡ lớn.
Đi cùng với đó, hệ thống khách sạn ít, nhỏ lẻ, chất lượng cơ sở lưu trú còn thấp (chỉ khoảng 130 cơ sở lưu trú vào năm 2016) chủ yếu là khách sạn 3 sao trở xuống. Hệ thống nhà hàng ăn uống kém phát triển mang tính tự phát, chưa đảm bảo các yếu tố không gian, cảnh quan, VSATTP. Các tổ chức, cá nhân còn nặng về tâm lý đầu tư kinh doanh theo mùa. Hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT tại một số xã đảo chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên địa bàn huyện cũng không có các khu vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp.
Những tồn tại hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành du lịch biển trên địa bàn huyện. Theo thống kê của huyện, lượng khách đến Vân Đồn năm 2016 chỉ đạt 900.000 người, thời gian lưu trú ngắn, du khách chưa thưởng thức được các sản phẩm du lịch của huyện.
Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Để có giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển, ngày 31/5/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vân Đồn đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HU về phát triển dịch vụ, du lịch huyện Vân Đồn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có mục tiêu về phát triển hạ tầng du lịch.
Với chủ trương đó, 5 năm gần đây, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch biển của huyện đang từng bước được đầu tư, hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch được hoàn thiện và thường xuyên nâng cấp. Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư đã phát huy hiệu quả như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường trục chính nối các khu chức năng Vân Đồn; đường trung tâm khu đô thị Cái Rồng (giai đoạn 1); chỉnh trang tỉnh lộ 334... Mặt khác, huyện còn tích cực đầu tư xây dựng các dự án cấp nước sạch (hồ Lòng Dinh, hồ Khe Mai), các công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã Quan Lạn, Thắng Lợi, Vạn Yên. Hạ tầng cấp điện ra các xã đảo cũng được tỉnh và huyện quan tâm đầu tư hoàn thiện.
Bên cạnh đó, huyện còn tích cực thu hút các nhà đầu tư thực hiện những dự án phát triển hạ tầng du lịch biển từ nguồn vốn ngoài ngân sách, như: Khu du lịch Hòn Rồng; khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (phân khu 1); khu du lịch sinh thái Bãi Dài (xã Hạ Long); trang trại kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại thôn 6, xã Hạ Long…
Ông Nguyễn Sinh Lượng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Đồn, cho biết: Hiện nay, huyện đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cấp điện, nước, hệ thống thoát nước thải đồng bộ với các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, thu gom xử lý chất thải rắn, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan du lịch... Tăng cường đầu tư phát triển dịch vụ giao thông vận tải đường bộ, đường biển, công bố các tuyến giao thông đường thủy ra một số xã đảo có tiềm năng du lịch.
Có thể nói, từ sự đồng bộ và ngày càng hiện đại của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sự đổi mới trong tư duy, Vân Đồn đã và đang trở thành “nam châm” thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư để phát triển du lịch biển.
Lan Anh