Bình Định: Xây dựng điểm đến an toàn, đặc trưng, thân thiện, hấp dẫn

Cập nhật: 04/08/2021
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Dũng, với Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, hoạt động du lịch sẽ được tạo điều kiện thuận lợi, đưa Bình Định trở thành một điểm đến an toàn, có nét đặc trưng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn.

Để đạt mục tiêu trở thành điểm đến an toàn, đặc trưng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn, cần những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

- Trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch trong người dân, DN, cộng đồng. Xây dựng kế hoạch đảm bảo môi trường du lịch 3 tốt, 3 không; triển khai sâu rộng chương trình “Mỗi người dân Bình Định là một đại sứ du lịch”. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và bền vững, tạo thương hiệu cạnh tranh lâu dài.

Chúng ta phải đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm theo thị trường khách du lịch. Triển khai chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch tỉnh theo tiêu chí: “An toàn, văn minh, thân thiện và hấp dẫn”; phát triển thương hiệu “Quy Nhơn - Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020”. Phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch trên thiết bị di động. Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao; nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị DN và kỹ năng nghề du lịch. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, tích cực triển khai có hiệu quả các đề án phát triển du lịch đã được phê duyệt giai đoạn 2020 - 2025.

Chương trình hành động xác định ưu tiên phát triển thị trường khách du lịch nội địa, từng bước phát triển có chọn lọc thị trường khách du lịch quốc tế. Theo ông, cần làm gì để đảm bảo tính cân bằng, bền vững giữa hai thị trường?

- Tỉnh sẽ cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng đa dạng hóa, chú trọng phát triển thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao. Tập trung thu hút khách du lịch thị trường TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã có đường bay trực tiếp đến Bình Định; thị trường các tỉnh Tây Nguyên có khoảng cách địa lý gần và khác biệt về địa lý; từng bước mở rộng thị trường các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long... Đồng thời, đẩy mạnh thu hút khách quốc tế ở các thị trường gần, có mức tăng trưởng nhanh như thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Nga và Đông Âu; tiếp tục thu hút du khách từ một số thị trường xa, khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như Tây Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương, trong đó chú trọng vào các nước đã được miễn visa, quy mô thị trường lớn.

Khai trương đường bay từ Quy Nhơn đi Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Lạt (tháng 4.2021). Ảnh: Hoài Thu

Bình Định tiếp tục tham gia các đợt xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế; gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, đầu tư...

Ngành Du lịch Bình Định có những kế sách nào để vượt “bão” Covid-19, thưa ông?

- Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động du lịch. Để từng bước phục hồi hoạt động du lịch, ngành Du lịch xác định việc đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ khách du lịch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo sự tin tưởng, yên tâm cho du khách.

Đồng thời, hướng dẫn các DN lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch về phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức cho các cơ sở lưu trú đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trong tình hình mới; khuyến khích du khách, DN thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn. Tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với việc phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với nhiều nội dung đồng bộ. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch vận động các DN tham gia cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng, giá hợp lý kèm theo những ưu đãi.

Thứ nữa, xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin bằng các chuyến bay trọn gói đến Bình Định; tăng cường quảng bá, đẩy mạnh công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết giữa các địa phương, các ngành, các DN du lịch…

Xin cảm ơn ông!

Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng: Phát triển thương hiệu “Thành phố Du lịch sạch ASEAN”

Xác định dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, TP Quy Nhơn sẽ tập trung thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; đầu tư, nâng cấp các tuyến đường ven biển, ven đầm Thị Nại, đường dẫn đến các khu, điểm du lịch; quy hoạch, xây dựng mới các điểm đậu đỗ xe công cộng, cầu tàu, bến thuyền... phục vụ du lịch kết hợp dân sinh. Phát triển các khu nghỉ dưỡng ven biển dọc tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội - Cát Tiến thuộc bán đảo Phương Mai - Núi Bà trên địa bàn thành phố, tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, khu du lịch sinh thái ven đầm Thị Nại và các cơ sở lưu trú theo mô hình du lịch cộng đồng các làng chài ven biển ở Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng…

Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biển, đảo; du lịch cộng đồng, làng nghề; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch khoa học; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao, trải nghiệm; các sản phẩm ẩm thực và đặc sản của địa phương như: Chả cá, chả ram tôm đất, nước mắm và các loại hải sản khô phục vụ du khách... Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố, nhất là ở các điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Khô, Cù Lao Xanh, Hải Minh...

Đặc biệt là đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch TP Quy Nhơn, xác định phát triển thương hiệu du lịch Quy Nhơn “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” là điểm nhấn trong phát triển thương hiệu du lịch chung của Bình Định. Phát triển ứng dụng du lịch thông minh trong hoạt động du lịch và hỗ trợ quảng bá phát triển du lịch; tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác du lịch với các địa phương trong và ngoài nước, nhất là các đơn vị, địa phương kết nghĩa với thành phố.

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Bình Định Lê Xuân Nguyên: Đào tạo thực hành, thực tế để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch
 
Thời gian qua, Khoa Kinh tế - Du lịch (Trường CĐ Bình Định) đã đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực du lịch cho địa phương. Một số nghề đào tạo du lịch tại trường đã được Bộ LĐ- TB&XH phê duyệt ngành, nghề đào tạo trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây là cơ hội lớn để Trường đầu tư và phát triển nhóm ngành du lịch theo xu hướng hội nhập, người học có khả năng tham gia vào dòng lưu chuyển lao động trong khu vực và trên thế giới.

Để xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao, Trường tiếp tục đào tạo đồng thời các trình độ và đào tạo theo nhu cầu DN, tập trung vào các nghề: Hướng dẫn du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Chế biến món ăn.

Trường cũng xác định đào tạo thực hành, thực tế là nhiệm vụ then chốt để nâng cao chất lượng nhân lực. Mặt khác, tiếp tục nâng cao tay nghề giảng viên; hoàn thiện, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hài hòa, linh hoạt để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Cơ sở vật chất, phòng thực hành phục vụ đào tạo sẽ được hoàn thiện hơn. Dự kiến tháng 3.2022, Nhà thực hành nghiệp vụ du lịch sẽ đi vào hoạt động; các trang thiết bị, công cụ thực hành cũng từng bước bổ sung, làm mới, đồng bộ.

Trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyển sinh các nghề thuộc nhóm ngành du lịch; phối hợp với Sở Du lịch, các địa phương bồi dưỡng nghề du lịch cho lực lượng lao động tại địa phương, nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng, đội ngũ lái tàu xe phục vụ khách du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên đổi thẻ theo định kỳ...

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Huỳnh Đức Bảo: Quan tâm cho các điểm đến “mới nổi”
 
Vĩnh Thạnh có tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử; huyện đang từng bước khắc phục các khó khăn, phát huy tiềm năng sẵn có để tạo dựng nên sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn. Với sự hỗ trợ, đồng hành của Sở Du lịch và các sở, ngành có liên quan, huyện đang triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch với trọng tâm, trọng điểm là phát triển du lịch sinh thái tại xã Vĩnh Sơn.

Hiện tại, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Vĩnh Sơn đã hoàn thành hạ tầng tuyến đường chính. Địa phương đang triển khai tuyến đường hoa với các loại hoa phù hợp với thổ nhưỡng, trong đó có 1.000 cây hoa anh đào là quà tặng của Nhật Bản. Khi hoàn thành, đây sẽ là điểm du lịch thu hút du khách nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu văn hóa bản địa.

Bên cạnh Vĩnh Sơn, huyện cũng dành sự quan tâm cho các điểm đến mới nổi như suối Tà Má (xã Vĩnh Hiệp).

Về lâu dài, huyện sẽ kêu gọi đầu tư nguồn lực để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch cho Vĩnh Thạnh; phát triển du lịch sinh thái gắn với việc cải tạo, bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh, gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Đồng thời, nâng cao ý thức người dân địa phương về du lịch, thông qua du lịch góp phần thay đổi đời sống nhân dân, đưa huyện miền núi phát triển.

An Phương (Ghi)

Nguyễn Muội (Thực hiện)

Nguồn: Báo Bình Định