“Ai qua cầu Ngói chợ Lương/Ghé thăm mỹ nghệ Hải Minh làng nghề”! Đây là câu ca dao của người Quần Anh xưa (xã Hải Anh nay) thể hiện niềm tự hào về những “đặc sản” của vùng đất Hải Hậu. Có dịp về Hải Anh, thăm cầu Ngói chợ Lương (còn có tên gọi khác là cầu Ngói Hải Anh), sẽ hiểu tại sao cây cầu lại trở thành niềm cảm hứng để bao thi nhân mặc khách viết nên những vần thơ trác tuyệt(!).
Tìm hiểu lịch sử cây cầu, quan sát những nét khắc, chạm trổ trang trí, phần mái uốn cong mềm mại quanh năm rêu phủ…, du khách có cảm giác được đắm chìm trong một vẻ đẹp vừa mộc mạc nhưng cũng không kém phần nên thơ, lãng mạn.
Cầu Ngói chợ Lương (Hải Hậu). Ảnh: Chu Thế Vĩnh
"Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách/ Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thu thư tiên”. Nghĩa là: “Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi/ Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên” là những câu đối thơ nói về “sự hấp dẫn” của cây cầu khi thu hút được nhiều văn nhân, sĩ tử ghé thăm. Nằm trên dòng Trung Giang quanh năm nước xanh trong vắt, cầu Ngói chợ Lương có cùng niên đại xây dựng với chùa Lương (năm Hồng Thuận Tam niên, 1511). Trước đây Quần Anh có “nội thập giáp, ngoại tứ thôn”, được chia làm 10 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu chỉ dựng cầu bằng đá, kiến trúc đơn giản. Nhưng đến giáp Thập, do ở gần chùa, gần chợ và là chốn đô hội của tổng Quần Anh nên người dân đã họp làng, dựng cầu ngói thể hiện sự khác biệt với 9 cây cầu đá ở 9 giáp còn lại. “Kỳ công” từ khâu xây cất nên cầu Ngói chợ Lương cũng chính là công trình cầu có kiến trúc đặc sắc nhất của trấn Sơn Nam Hạ đã được nhắc đến trong câu ca: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Cùng với Chùa Lương, Đình Phong Lạc, cầu Ngói chợ Lương đã từng được Vua Lê tặng 4 chữ: “Mỹ tục khả phong”. Cầu được thiết kế theo kiểu kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Thuở “sơ khởi”, cầu Ngói được lợp bằng lá bổi. Sau nhiều đợt trùng tu, cầu được lợp ngói. Cầu Ngói chợ Lương trải qua 2 đợt trùng tu lớn nhất vào các năm 1922 và 2011. Tuy trùng tu nhiều lần nhưng cầu vẫn giữ được phong cách kiến trúc ban đầu. Cầu Ngói chợ Lương dựng trên 18 cột đá vuông mỗi cạnh 35cm xếp thành 6 hàng để gánh 6 vì và đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Trên các cột đá cắm sâu xuống lòng sông là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm và nâng sàn cầu, nhà cầu. Sàn cầu được thiết kế làm 2 phần rõ rệt. Phần sàn của lòng cầu rộng 2m, gồm 66 thanh gỗ lim ghép lại nằm trên hàng dầm uốn cong, đồng thời có nhiều thanh gỗ ngắn hơn vuốt tròn cạnh tạo thành nhiều gờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt chân. Hai bên lòng cầu là 2 dãy hành lang uốn cong theo thành cầu. Phía trong hành lang được ghép ván. Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ và 162 con song dáng lá đề. Để tạo thành 9 gian nhà cầu, người thợ xưa thiết kế 10 vì xà cột và hệ thống xà dầm nâng. Các vì kèo, 36 xà dọc, thượng lương, xà ngang, xà máng trên, máng dưới, hệ thống hoành rui đều được gia công tỉ mỉ khiến bộ khung cầu vừa cong, vừa uốn lượn, khít xà ăn mộng. Mái ngói nam cũng được những người thợ tài hoa xưa thiết kế, lợp vô cùng khéo léo theo kiểu nửa lợp, nửa xây. Do đó, mái không bị xô, bị hở, uốn lượn vô cùng mềm mại, tinh tế, tựa dáng rồng bay… Hai bên đầu cầu, người xưa còn thiết kế 4 con nghê đang đứng chầu, canh giữ cầu mang ý tứ sâu xa: “Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”. Một trong những điểm độc đáo, đặc sắc nhất của cầu Ngói chợ Lương có lẽ nằm ở phần thiết kế cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng mềm, bên trong có đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”, tức cầu xã Quần Phương.
Gắn bó với cây cầu Ngói chợ Lương từ thuở tóc còn để chỏm, bà Lê Thị Nghĩa cho biết “Nhà ở gần cầu, từ khi mới chập chững biết đi tôi đã được bố mẹ cho ra cầu chơi. Lớn lên một chút, ngày ngày tôi cùng chúng bạn đi học rồi lại tranh thủ rẽ qua cầu ngồi chơi, hóng mát. Cũng chính cây cầu này đã “xe duyên” cho tôi với ông nhà. Rồi cũng từ chân cầu, tôi tiễn chồng ra trận và đón ông về khi không còn lành lặn. Nói chung, buồn vui cả đời tôi đều có sự “chứng kiến” của cây cầu. Vì thế, trong tâm thức của tôi, cây cầu giống như “một người thân thầm lặng”. Cũng theo bà Nghĩa, từ khi bà biết cây cầu, về cơ bản cầu không có thay đổi. Sau những lần trùng tu, bà còn thấy cầu đẹp và chắc chắn hơn, khách thập phương cũng đến với cây cầu nhiều hơn. “Mùa nào trong năm, cây cầu cũng gợi những vẻ đẹp riêng biệt. Những ngày chính hạ, cầu rực trong sắc đỏ của hoa phượng. Vào mùa thu, cây cầu dường như “mơ màng” hơn soi bóng hiền hòa xuống dòng nước xanh biếc. Mùa xuân, dưới những đợt mưa phùn dài dặc, cây cầu lại toát lên vẻ u tịch, cổ kính, nguyên sơ”… bà Nghĩa cho biết. Có lẽ đây không chỉ là cảm nhận của riêng bà Nghĩa mà còn là của nhiều du khách thập phương có dịp đến thăm cầu Ngói chợ Lương. Chúng tôi gặp một nhóm bạn trẻ từ thành phố Nam Định mang theo máy ảnh, flycam, trang phục… để chụp ảnh. Nguyễn Hoàng Nam, 30 tuổi cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi, chụp nhiều cảnh đẹp của các vùng quê khác nhau. Nhưng đúng là không hổ danh “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Đây quả là một trong những cây cầu ngói đẹp nhất miền Bắc. Cây cầu này đẹp trong một tổng thể vô cùng hài hòa, cân đối, vừa mềm mại lại vừa uy nghi. Đến đây, tôi có rất nhiều góc để chụp ảnh đẹp”.
Được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia từ năm 1990, cầu Ngói chợ Lương đã trở thành biểu tượng văn hóa không chỉ riêng của xã Hải Anh, huyện Hải Hậu mà còn là niềm tự hào của vùng Trấn Sơn Nam hạ xưa cho đến nay. Vào một ngày hè oi nồng, đến thăm cây cầu, được đi lại trong lòng cầu, ngồi lên lan can để mặc cho hơi nước, gió bốc lên từ sông “đùa giỡn” khắp mặt, tôi có cảm giác khoan khoái, dễ chịu hẳn. Từ một cây cầu được thiết kế nhằm phục vụ việc đi lại, qua bàn tay tài hoa khéo léo của cha ông thành biểu tượng văn hóa, cầu Ngói chợ Lương có vẻ đẹp đặc biệt, không lẫn với bất kỳ cây cầu ngói nào khác, xứng đáng là niềm tự hào của người dân Hải Hậu./.
Hoa Xuân