Sa Pa (Lào Cai): Người Mông ý thức bảo vệ tài nguyên khoáng sản đá đặc biệt

Cập nhật: 09/08/2021
Với người Mông ở Sa Pa những hòn đá tại bãi đá cổ này không phải là vật vô tri vô giác mà nó là những văn hoá, những kiến thức mà ông cha đã để lại cho con cháu đời sau do vậy cần được gìn giữ và bảo vệ.

Bãi đá cổ trong đời sống tâm linh của người Mông

Không như bãi đá bình thường, bãi đá cổ tại Sa Pa - Lào Cai được người Mông nơi đây coi như báu vật và bảo vệ giữ gìn. Bởi trên các tảng đá là vô vàn hình chạm khắc khác nhau. Những nét chạm khắc trên đá không quá cầu kỳ, chỉ là những vạch ngang dọc khác nhau đầy đủ kích thước. Nhưng người Mông ở đây tin rằng đó là những thứ mà ông cha từ các đời trước muốn truyền lại cho con cháu. Đặc biệt tại bãi đá cổ nơi đây còn có một câu chuyện được người dân truyền tai nhau rằng, nơi đây có một câu chuyện về tình yêu trai gái gắn với những phiến đá này.

Với những đồng bào sinh sống tại đây, từ xa xưa vẫn truyền lại những câu chuyện mang tính thần thoại về lời nguyền được khắc trên các bãi đá. Đó như là một tục lệ phải thờ cúng đất đai, tế thần núi vào các dịp lễ trong năm. Và nếu không nghe theo, làm trái lời nguyền đó sẽ bị trừng phạt.

Với người Mông sống tại Bản Pho (Mường Hoa - Sa Pa) những viên đá cổ là báu vật của ông cha để lại cần được bảo vệ và giữ gìn.

Trò chuyện với chúng tôi, trưởng thôn Bản Pho (bãi đá cổ hiện đang nằm trên địa bàn của Bản Pho) Giàng A Dũng tâm sự: Với người Bản Pho các hòn đá cổ nơi đây là một báu vật, do vậy nó được người dân nơi đây gìn giữ bảo vệ. Bãi đá cổ này có hơn 200 hòn lớn nhỏ, trong đó có 1 hòn mẹ và 1 hòn bố, truyền thuyết kể rằng trong một đêm tối khi gia đình người Mông này đang di chuyển tìm đến một nơi ở mới để định cư thì trên đường đi 2 vợ chồng họ gặp một người phụ nữ mang thai.

Trưởng thôn Bản Pho Giàng A Dũng dọn dẹp rác xung quanh hòn đá cha.

Theo phong tục tập quán của người Mông khi di chuyển gặp phụ nữ có thai thì phải dừng lại không được đi tiếp do vậy người mẹ đã dừng lại còn người bố thì đi trước nên hai người lạc nhau. Trong đêm tối 2 vợ chồng đi tìm nhau và hoá đá. Viên đá đang nằm tại Bản Pho là viên đá bố còn viên đá nằm tại đền cô là đá mẹ, các viên đá nằm rải rác là đá con. Và từ đó người Mông thờ cúng các viên đá rồi bảo vệ và gìn giữ cho đến ngày này.

Đồng bào Mông cùng chính quyền chung tay bảo vệ bãi đá cổ

Được mệnh danh là một trong 4 điểm du lịch không thể không đến của du khách khi đến với du lịch Sa Pa, hiện tại Bãi đá Cổ Sa Pa đã được công nhận là điểm di tích lịch sử quốc gia và thu hút mỗi năm nhiều nghìn lượt người đến tham quan khám phá.

Nằm trên diện tích khoảng 5 ha với hơn 200 hòn đá lớn nhỏ, bãi đá cổ là một khoáng sản đặc biệt mang lại cả giá trị tâm linh lẫn giá trị vật chất cho người dân, người Mông và chính quyền địa phương nơi đây.

Bãi đá cổ -  một khoáng sản được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chị Chảo A Mẩy, một người dân tại Bản Pho, xã Mường Hoa tâm sự: Nhà tôi có 2,3 mảnh ruộng nằm trong bãi đã cổ. Hàng năm mỗi khi đến vụ trồng cấy là gia đình tôi lại ra ruộng để cày cuốc, những chỗ đất có đá cổ nằm lên thì gia đình tôi cào cuốc xung quanh rất nhẹ nhàng sợ làm hư các viên đá. Chúng tôi cũng bảo vệ không bao giờ trèo lên đá vì sợ làm mờ các hoa văn mà ông cha để lại.

Anh Giàng A Dũng trưởng thôn Bản Pho cho biết, tháng nào Bản Pho họp thôn cũng nhắc nhở người dân không được xâm phạm tới các hòn đá, không được san lấp, phá vỡ những hòn đá để làm nhà. Cả bản đồng lòng cùng chung tay bảo vệ giữ gìn các hòn đá cổ, người dân chúng tôi tin rằng những hòn đá này tượng trưng cho thần núi, thần đất nếu phá huỷ nó sẽ bị các thần quở trách nên không ai trong bản dám động vào.

Bãi đá cổ Sa Pa nằm trên địa phận 2 xã: Tả Van và Mường Hoa, với diện tích khoảng 5 km2, được nhà Đông Dương học người Pháp gốc Nga là Victor Goloubev phát hiện từ năm 1923. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã đến đây tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Đến tháng 10-1994, bãi chạm khắc đá cổ Sa Pa được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia và khoáng sản đá đặc biệt cần gìn giữ và bảo tồn


Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về bảo tồn và gìn giữ bãi đá cổ, ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch thị xã Sa Pa cho biết: Năm 1994 bãi đá cổ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, do đó thời gian vừa qua tỉnh Lào Cai đã đầu tư nhà trưng bày và hàng rào xung quanh các viên đá. Bãi đá cổ không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn là một điểm đến được nhiều du khách quan tâm. Do đó trong thời gian tới, thị xã Sa pa sẽ đưa bãi đá cổ vào sản phẩm giữ gìn và bảo tồn đặc biệt. Thị xã sẽ sửa chữa lại các hàng rào bảo vệ bị hỏng quanh các hòn đá, tăng cường thêm nhân công trong việc trông coi các viên đá. Tạo cảnh quan kết hợp với các ruộng bậc thang trong bãi đã cổ để thu hút du khách tới thăm quan trải nghiệm. Đặc biệt sẽ mời các chuyên gia đến để tìm hướng bảo tồn không để những viên đá cổ và các hoa văn trên đá bị phai mòn.

Bích Hợp

Nguồn: Báo Tài Nguyên và môi trường