Làng dân tộc Cơ Tu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) với nhà Gươl, nhà sàn, cây nêu, khung dệt vải…cùng với đồng bào dân tộc Cơ Tu đang sinh sống tại đây cùng tổng hòa tạo nên không gian văn hóa Cơ Tu đậm đà bản sắc giữa “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.
Khu làng dân tộc Cơ Tu thuộc Khu các làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, được quy hoạch xây dựng trên diện tích 3.877m2, diện tích công trình xây dựng 165m2, diện tích sàn 330m2, bao gồm: 2 nhà sàn tổng diện tích xây dựng 112m2 và 1 nhà rông diện tích xây dựng 53m2.
Từ năm 2015 đến nay tại không gian làng dân tộc Cơ Tu, đồng bào Cơ Tu sinh sống tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên về với Thủ đô để giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước, những nét đặc sắc trong nền văn hóa đa dạng, phong phú, làm nên bản sắc của dân tộc mình.
Các hoạt động có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, giúp bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu trong thời kỳ đất nước hội nhập với các nền văn hóa thế giới, đồng thời cùng góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu gắn bó, tinh thần đoàn kết dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam.
Không gian làng dân tộc Cơ Tu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có vị trí đẹp, cảnh quan thiên nhiên trong lành, một điểm đến giúp du khách có những trải nghiệm hấp dẫn
Tại không gian làng, đồng bào Cơ Tu đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa của dân tộc mình thông qua các lễ hội, phong tục tập quán, dân ca dân vũ, nghề thủ công truyền thống...
Với mỗi người Cơ Tu, nhà Gươl là ngôi nhà của cả cộng đồng, do mọi người cùng nhau xây dựng lên. Biểu tượng văn hóa này là chốn linh thiêng, nơi có sự hiện diện của các thần linh và tổ tiên, ông bà người Cơ Tu.
Không gian nhà Gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng. Trong ảnh: Nghệ nhân Palăng Bưng cất cao âm thanh hoang sơ trong không gian văn hoá Cơ Tu giữa lòng Hà Nội.
Trong các hoạt động giới thiệu tại ngôi nhà của dân tộc mình tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Lễ mừng nhà Gươi mới là một hoạt động văn hóa phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu.
Các thanh niên người Cơ Tu biểu diễn vũ điệu tung tung da dá trong lễ mừng nhà Gươi mới, một đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.
Nam giới giỏi điêu khắc trang trí ở nhà mồ, nhà công cộng, với những hình đầu trâu, chim, rắn, thú rừng, gà...cũng như trong việc vẽ hoa văn trang trí trên cây cột buộc con trâu tế
Trong các lễ hội của người Cơ Tu, các lễ hội lâu đời và quan trọng nhất là lễ dựng cây nêu, cột tế thần và nghi lễ hiến sinh. Người Cơ-tu làm cột lễ vào các dịp lễ hội quan trọng như Lễ Kết nghĩa, Lễ Ăn mừng lúa mới, Lễ cúng đất…
Nghề dệt thổ cẩm giới thiệu với công chúng trong không gian văn hóa Cơ Tu
Với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng có của dân tộc Cơ Tu đã cùng góp phần tạo một tổng thể văn hóa thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
N Dương