Để phát triển Campuchia trở thành một điểm đến du lịch thực sự, Chính phủ hoàng gia Campuchia đã dành nhiều quan tâm tới việc xây dựng các khuôn khổ chiến lược và chính sách cho phát triển du lịch. Tuy vậy, nhiệm vụ này không hề dễ dàng và ngành Du lịch Campuchia vẫn cần một chặng đường dài để đạt tới mục tiêu phát triển bền vững.
Campuchia có hệ thống kiến trúc đền chùa độc đáo. Ảnh: Internet
Đôi nét về hệ thống pháp lý tại Campuchia
Tại Campuchia, hệ thống luật pháp đã trải qua thời gian dài phát triển, từ những luật thành văn thời Angkor với nhiều giai đoạn khác nhau, hệ thống luật pháp do người Pháp xây dựng giai đoạn từ 1863 - 1953 và kéo dài tới năm 1975. Dưới chế độ Khmer đỏ từ năm 1975 - 1979, hệ thống luật pháp của Campuchia bị quên lãng. Từ năm 1991 - 1993, với sự tham dự hỗ trợ của Nhóm công tác Liên Hợp quốc, một số luật đã được soạn thảo và ban hành. Việc biên soạn luật của Campuchia trên cơ sở tham khảo các luật của nước ngoài làm cho hệ thống pháp luật của Campuchia gắn bó hơn với hệ thống thông luật (common law). Hệ thống luật hiện tại hòa trộn giữa hệ thống luật dân sự (civil law) và hệ thống thông luật (common law).
Hệ thống pháp lý tại Campuchia được chia thành 2 nguồn. Nguồn chính bao gồm những luật được xây dựng bởi các cơ quan có thẩm quyền và được đưa vào sử dụng thông qua các Nghị định Hoàng gia (Royal Decree). Luật quốc tế cũng được tham khảo là nguồn của luật quốc gia. Các nguồn thứ cấp ít chính thức hơn, chẳng hạn như truyền thống phong tục, nguyên tắc và quyết định. Trong các vụ án dân sự, nếu không có quy định bằng văn bản, thẩm phán có thể tính đến tập quán, lương tâm và công bằng.
Tất cả các luật đều được xây dựng bởi các cơ quan nhà nước, tuân thủ nghiêm ngặt hiến pháp. Có thể phân cấp các quy định pháp luật của Campuchia bao gồm: Nghị định của Hoàng gia được sử dụng để đề cử các quan chức cấp cao, thẩm phán và nhà ngoại giao, sự thành lập và hoạt động của các tổ chức công mới; Tiểu nghị định được sử dụng để làm rõ các luật đã được thông qua, xác định vai trò và chức năng của các tổ chức chính phủ hoặc các quan chức công quyền; Tuyên bố (Prakas trong thuật ngữ tiếng Campuchia) được sử dụng chính xác trong các điều khoản lập pháp và phải tuân theo nghị định phụ để đưa ra tuyên bố đó; Quyết định luôn do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng ban hành và được sử dụng tạm thời (trên thực tế, có một số loại quyết định, chẳng hạn như quyết định của Hội đồng Hiến pháp, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ trưởng); Thông tư được sử dụng để xác định bổ sung công việc và nhiệm vụ của mỗi cơ quan nhà nước, được ký bởi Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng liên quan.
Quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cho ngành Du lịch
Tất cả các luật và quy định trong lĩnh vực du lịch trước tiên được xây dựng dựa trên xu hướng du lịch thế giới do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố. Thống kê du lịch thế giới (World Tourism Barometer), các số liệu, tài liệu nghiên cứu được sử dụng và phân tích bởi bộ phận chuyên gia của Bộ Du lịch, được báo cáo và thảo luận trước khi đi đến quyết định pháp lý hoặc chiến lược. Cùng với đó, Bộ Du lịch Campuchia cũng sử dụng tài liệu của một số tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực du lịch như Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Hiệp hội Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương (PATA)…
Ở cấp khu vực, Bộ Du lịch phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN để điều chỉnh kế hoạch khung chiến lược và pháp lý của mình với các quốc gia thành viên khác nhằm đạt được tầm nhìn ASEAN là một cộng đồng.
Ở cấp quốc gia, Bộ Du lịch xây dựng luật, quy định và các văn bản chiến lược thông qua quá trình thảo luận với các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân. Bất kỳ sáng kiến xây dựng luật và quy định nào cũng có thể được đưa ra bởi khu vực tư nhân hoặc bởi các bộ phận có trách nhiệm trong Bộ Du lịch. Bộ Du lịch có bộ phận pháp lý riêng, chịu trách nhiệm xây dựng luật. Sau khi hoàn thành dự thảo, Bộ Du lịch sẽ trình luật để được Chính phủ phê duyệt thông qua phân cấp như đã đề cập ở trên.
Chùa Vàng chùa Bạc là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Campuchia. Ảnh: Internet
Ảnh hưởng mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong Luật Du lịch
Bộ Du lịch được thành lập theo quyết định của Chính phủ vào năm 1996 nhưng phải mất một thập kỷ để soạn thảo Luật Du lịch đến khi được thông qua vào năm 2009.
Du lịch là lĩnh vực liên kết và chia sẻ trách nhiệm, bởi vậy việc tham vấn với các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân, được coi là cần thiết trong quá trình xây dựng pháp lý của ngành. Luật Du lịch (2009) đã nêu, “Bộ Du lịch sẽ tham vấn với khu vực tư nhân trong việc ban hành Prakas và tiểu nghị định, bao gồm (i) thành lập Ban Xúc tiến Du lịch Campuchia, (ii) Xác định Tiêu chí cho Giấy phép Du lịch, và (iii) Thiết lập tiêu chuẩn và các yêu cầu để đảm bảo chất lượng”.
Bộ Du lịch nhận thức đúng tầm quan trọng của việc tham vấn với khu vực tư nhân về các quyết định quản lý trong tương lai. Cách làm này giúp có được các cơ chế quản lý phù hợp thông qua việc gỡ bỏ “bẫy” quy định. Doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ hơn nhiều về hoạt động kinh doanh của chính họ. Vì vậy, điều quan trọng là Chính phủ cần tham khảo ý kiến của họ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi quy định nào có thể tạo ra các tác động bất lợi.
Thành quả của Luật và các quy định trong lĩnh vực du lịch
Cùng với Luật Du lịch năm 2009, các văn bản pháp lý và chiến lược tiếp theo đã được xây dựng và thông qua với quyết định của Chính phủ. Năm 2012, Chính phủ đã thông qua Kế hoạch Chiến lược Quốc gia 2012 – 2020 cho ngành Du lịch, được coi là khuôn khổ chiến lược chung nhằm xác định tầm nhìn, chủ trương, mục tiêu và các kế hoạch hành động quan trọng trong việc quản lý và phát triển Ngành. Theo đó, mục tiêu chính của Ngành là khuyến khích phát triển du lịch văn hóa và thiên nhiên theo hướng bền vững, có trách nhiệm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. Một số điểm chiến lược chính đã được nêu ra và nhấn mạnh trong kế hoạch, như: Xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch; Mở rộng tiếp thị và quảng bá du lịch; Cải thiện việc đi lại, tạo thuận lợi cho du lịch và kết nối khu vực và quốc tế; Nâng cấp hệ thống cứu hộ du lịch; Tăng cường cơ chế quản lý và điều tiết của ngành; Phát triển nguồn nhân lực.
Sau cuộc bầu cử toàn quốc năm 2013, Bộ đã áp dụng các biện pháp cải cách nhằm đưa ngành Du lịch trở thành một ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với bối cảnh cải cách của Chính phủ theo Chiến lược Tứ giác phát triển quốc gia giai đoạn 3 (National Rectangular Strategy Phase 3). Cùng với Chiến lược phát triển du lịch 2012 – 2020, Bộ Du lịch đã đưa ra Kế hoạch Cải cách Du lịch 2015 - 2018 bằng cách tập trung vào các góc độ ưu tiên như tăng cường ngành Du lịch, “Một dịch vụ, một tiêu chuẩn”; cải thiện xúc tiến du lịch và phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn và sáng tạo thông qua Chiến lược Tiếp thị Du lịch Campuchia 2016 - 2020; Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch “Một nhân viên, một kỹ năng”; khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch (du lịch điện tử)…
Bên cạnh đó, Bộ lấy phong trào cuộc thi “Thành phố sạch, Khu nghỉ dưỡng sạch, Dịch vụ tốt, Khách sạn tốt nhất” làm nòng cốt để khuyến khích và tăng cường thực hiện có hiệu quả kế hoạch chiến lược phát triển du lịch, cũng như kế hoạch cải cách du lịch, phát động Cuộc thi Thành phố sạch năm 2011 và Kinh doanh sinh thái trong lĩnh vực du lịch năm 2015.
Chính sách du lịch sinh thái quốc gia (2019 - 2030)
Vào tháng 11/2018, Chính phủ Hoàng gia Campuchia thông qua Chính sách Du lịch Sinh thái quốc gia cho giai đoạn 2019 - 2030. Chính sách này đưa ra các biện pháp chiến lược quan trọng nhằm biến các khu du lịch sinh thái thành một điểm đến du lịch hấp dẫn và có lợi cho người dân địa phương, giải quyết một số vấn đề chính giữa nhà nước, tư nhân và người dân địa phương, đặc biệt là việc giới thiệu mô hình hợp tác 4Ps (4Ps: hợp tác công - tư - người dân - đối tác), từ tất cả các bộ và cơ quan liên quan, bao gồm cơ sở hạ tầng hỗ trợ (các con đường hỗ trợ), phát triển dịch vụ du lịch, đào tạo chuyên môn, tạo việc làm cho người dân địa phương, nghiên cứu thị trường cho cộng đồng và đặc biệt là mô hình tìm kiếm vốn (tài chính) để cộng đồng địa phương đầu tư và phát triển dịch vụ phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, các văn bản Chính sách Du lịch Sinh thái quốc gia đóng vai trò như một lộ trình chính để đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế và phúc lợi. Đồng thời, tài liệu này cũng xác định các cơ chế, thể chế chịu trách nhiệm cũng như các bên liên quan, xác định các cơ chế đối thoại cũng như cơ chế phối hợp để trao đổi quan điểm về các thách thức trong quá trình phát triển. Các cơ chế phối hợp đóng một vai trò quan trọng trong việc hợp pháp hóa hoặc công nhận các cộng đồng hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp này, khi mà việc hình thành cộng đồng du lịch sinh thái vẫn chưa rõ ràng.
Văn bản, chính sách cũng nêu bật các yếu tố chính trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, bảo vệ và giữ gìn môi trường cũng như văn hóa truyền thống của người dân địa phương, phân chia lợi ích, công bằng và minh bạch, cũng như cơ chế đảm bảo sự tham gia tích cực của người dân địa phương dựa trên phương pháp tiếp cận 4P, trên cơ sở chính sách cùng có lợi trong phát triển du lịch sinh thái.
Lễ hội Chaul Chnam Thmey - Lễ hội té nước mừng năm mới của Campuchia. Ảnh: Internet
Sự cần thiết của một khuôn khổ pháp lý cho du lịch văn hóa
Trong chính sách của Chính phủ Campuchia, du lịch văn hóa là xương sống phát triển du lịch của đất nước. Xét về khía cạnh này, Du lịch và Văn hóa gắn bó mật thiết, bổ sung cho nhau, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức hấp dẫn và sức cạnh tranh cho du lịch cũng như cho đất nước Campuchia. Thực tế cho thấy, ngành Văn hóa đã đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu để phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của một vùng, của Campuchia trong thị trường du lịch ngày càng cạnh tranh gay gắt. Mặt khác, ngành Du lịch cũng đã phát triển các nguồn thu nhập và các nguồn lực có thể hỗ trợ và tăng cường bảo tồn, phát triển văn hóa trong kỷ nguyên đổi mới, toàn cầu hóa…
Quan hệ đối tác giữa Du lịch và Văn hóa là vô cùng quan trọng, đòi hỏi thiết lập một nền tảng chung và các cơ chế hợp tác rõ ràng để đảm bảo lợi ích chung của cả hai lĩnh vực. Việc đưa ra các chính sách và quy định mới nhằm thúc đẩy thiết lập quan hệ đối tác giữa nhà nước, tư nhân và các bên liên quan là điều cần thiết nhằm sử dụng văn hóa để tiếp cận cộng đồng, không chỉ như một điểm đến du lịch mà còn là một nơi đáng sống và làm việc. Chìa khóa để phát triển du lịch và văn hóa bền vững là đảm bảo việc bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, quan tâm đến người dân bản địa, nâng cao nhận thức về văn hóa và những tác động của nó đối với kinh tế - xã hội địa phương.
Theo đó, Bộ Du lịch Campuchia đã và đang phối hợp với các bên liên quan để giảm thiểu tác động tiêu cực và hành vi không phù hợp của khách du lịch đối với người dân địa phương. Việc Cơ quan APSARA ban hành bộ quy tắc ứng xử Angkor vào thực tế đã chứng minh sự thành công của chính sách mà Chính phủ ban hành trong việc quản lý hành vi của khách du lịch. Đồng thời, Bộ Du lịch cũng phối hợp với UNESCO để tiến hành nghiên cứu quy định và chuẩn bị cho việc bảo tồn, phát triển các di sản thế giới như Angkor Wat, Preah Vihear và Sambo Preikuk, cũng như bất kỳ hoạt động phát triển du lịch văn hóa bền vững nào.
Nhìn chung, Campuchia đã xây dựng thành công nhiều quy định để đảm bảo lĩnh vực du lịch sẽ tạo ra và phân phối lợi ích công bằng cho tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, việc phân tích, nghiên cứu và tham khảo ý kiến để có thêm các quy định, quy chế cần thiết là nhiệm vụ phải làm nếu Campuchia xác định du lịch là trụ cột chính của nền kinh tến.
Chea Bora
Thứ trưởng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)