Hướng đến sản phẩm OCOP từ Lavender Đà Lạt

Cập nhật: 12/08/2021
Sau nhiều năm hoàn chỉnh hệ thống lò đốt nhiệt bằng than củi, Trang trại Pibo Lavender ở làng hoa Vạn Thành đã chiết xuất thành công tinh dầu hoa Lavender và nước tinh chất (thường gọi là dung dịch hydrosol) làm nguyên liệu sản xuất các dòng sản phẩm hương liệu hướng đến xếp hạng OCOP của thành phố Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Thu hoạch nguyên liệu cây, hoa Lavender đưa vào chiết xuất hàng năm từ tháng 4 đến tháng 8 tại Trang trại Pibo Lavender ở làng hoa Vạn Thành Đà Lạt

Đầu tháng 8/2021, Trang trại Pibo Lavender, số 89, Vạn Thành, Đà Lạt bước sang năm thứ 4 chiết xuất tinh dầu qua hệ thống lò đốt nhiên liệu than củi để “bóc tách” với nước tinh chất hydrosol trong chiếc nồi lớn có chiều cao đến 1,8 m, đường kính gần 2,5 m. Đến đây vào cuối giờ buổi sáng, phóng viên được chủ vườn Nguyễn Văn Sáng hướng dẫn trải nghiệm quy trình từ chăm sóc, thu hoạch đến đun lửa sôi chiếc nồi lớn chiết xuất tinh dầu Lavender trong khuôn viên diện tích 12.000 m2 khu vực trang trại. “Hôm nay nấu 500 kg cây, cành, hoa Lavender thu hoạch trên 3 luống có chiều dài 200 m, chiều rộng khoảng 1,2 m, đã trồng và chăm sóc trong 6 tháng vừa qua. Đây là một trong những giống hoa Lavender có nguồn gốc từ nước Pháp, được trang trại nhân giống, trồng thương phẩm theo quy trình riêng biệt để chiết xuất hàm lượng tinh dầu đạt kết quả cao nhất…”, chủ vườn Nguyễn Văn Sáng khái quát. Theo đó, nguyên liệu 500 kg cây, hoa Lavender được thu hoạch từ chiều hôm trước và sáng sớm hôm nay để khô ráo nước rồi xay nhỏ trước khi đưa vào nấu với chiếc nồi có dung tích chứa 300 lít nước lạnh. Thời gian nấu bằng nguyên liệu củi đốt khoảng 150 phút chiết xuất ước tính khoảng 500 ml tinh dầu và 30 lít hydrosol (nước tinh chất). Quan sát hệ thống chiết xuất nhỏ giọt qua đường ống dẫn lượng tinh dầu Lavender có màu vàng đậm nổi lên trên dung dịch tinh chất hydrosol, trang trại tiếp tục chiết rót ra từng “đơn vị” khác nhau sử dụng làm hương liệu thảo dược, sản xuất các loại mỹ phẩm, dung dịch chăm sóc da, dầu gội đầu, xà phòng, mặt nạ dưỡng da… và chế biến các sản phẩm sát khuẩn khác… Với tác dụng hữu ích như vậy, nên 2 dòng sản phẩm tinh dầu và nước tinh chất này chiết xuất đến đâu đều được Trang trại Pibo Lavender đưa vào chế biến và tiêu thụ nhanh hết đến đó.

Anh Đậu Công Dũng, chủ nhân Trang trại Pibo Lavender cho biết thêm, trên tổng diện tích Lavender 12.000 m2 ở làng hoa Vạn Thành của mình đã bắt đầu chiết xuất tinh dầu và nước tinh chất từ 4 năm trước với chiếc nồi nhỏ nấu dưới 10 kg nguyên liệu mỗi lần. Sau đó hàng năm bổ sung hệ thống chiết tách, lắng lọc, trang trại dần dần nâng công suất mỗi lần chiết xuất nguyên liệu lên 300 kg, 500 kg và tối đa đến 2 tấn. Tương ứng với lượng tinh dầu thu được lần lượt khoảng 300 ml, 500 ml và 2 lít. Tỷ lệ chiết xuất thu được 30 lít nước tinh chất Lavender (dung dịch hydrosol) bên cạnh 1 lít tinh dầu. Trung bình mỗi năm vào tháng 4 đến tháng 8, trang trại chiết xuất 2 lần, mỗi lần thu được 1lít tinh dầu và 30 lít nước tinh chất (dung dịch hydrosol), được thị trường đón nhận nhiệt tình. Bên cạnh đó, hàng ngày trang trại còn thu hoạch bán ra từ 2.000 - 3.000 cành hoa Lavender đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của khách hàng phần lớn trong và ngoài thành phố Đà Lạt. Riêng sản phẩm tinh dầu và dung dịch hydrosol chiết xuất còn phân phối các cửa hàng của trang trại ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Đặc biệt, từ nguyên liệu tinh dầu và dung dịch hydrosol của Trang trại Pibo Lavender ở làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt, Công ty Cổ phần Thavon Đà Lạt đã chế biến các dòng mỹ phẩm thương hiệu Miss Đà Lạt đạt tiêu chuẩn CGMP- ASEAN, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: Nước hoa Lavender mùi hương thanh khiết, giúp thư giãn; xà phòng Lavender giúp da tươi sáng, khỏe mạnh; mặt nạ hoa oải hương kháng viêm, se khít lỗ chân lông, dịu mát da, ngăn ngừa các tác nhân gây mụn; tinh dầu hoa oải hương xông thơm phòng, hương dịu nhẹ… “Công ty Cổ phần ThaVon chúng tôi đánh giá cao về chất lượng nguyên liệu chiết xuất tinh dầu và dung dịch nước tinh chất Lavender của Trang trại Pibo Lavender Vạn Thành, Đà Lạt. Bởi vậy đây là một phần nguyên liệu cung ứng thường xuyên cho nhu cầu sản xuất mỹ phẩm các loại đạt tiêu chuẩn thực hành tốt khu vực Asean của thương hiệu Miss Đà Lạt…”, Giám đốc Thavon Đà Lạt, ông Trần Hữu Dũng chia sẻ. 

Với thành công về chiết xuất tinh dầu và dung dịch hydrosol, chủ nhân Trang trại Pibo Lavender Đậu Công Dũng đang đặt ra mục tiêu xây dựng trở thành điểm du lịch canh nông trong thời gian sớm nhất kết hợp với phát triển nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, trong đó hoàn chỉnh quy trình chế biến các dòng sản phẩm từ hoa Lavender hướng đến đạt tiêu chuẩn xếp hạng OCOP cấp thành phố Đà Lạt, cấp tỉnh Lâm Đồng và tiến tới hiện thực hóa mong muốn “gắn sao” OCOP cấp Trung ương…

Văn Việt

Nguồn: Báo Lâm Đồng