Khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của du lịch nông nghiệp Việt Nam là việc làm lâu dài, căn cơ và tinh tế. Trong đó việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm phù hợp, khả thi, hấp dẫn là nhiệm vụ hàng đầu mà các doanh nghiệp du lịch đang hướng đến.
Tác giả trong một chuyến đi khảo sát du lịch
Theo đó, để xây dựng được các sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, có hồn, các chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp lữ hành nên phối hợp với các nhà cung cấp loại hình du lịch nông nghiệp như trang trại, nông trường, nhà nghỉ nông thôn hay các cơ sở nông nghiệp cá thể cũng như nông nghiệp công nghệ cao, chăm chút đến việc xây dựng kịch bản, đạo diễn, “thổi hồn” vào các công đoạn tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp để tạo sức hút với du khách.
Để độc đáo, có hồn thì sản phẩm du lịch nông nghiệp nên phát huy sức mạnh nội lực cộng đồng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình du lịch bền vững chứ không thể chỉ khai thác các “nguyên liệu” sẵn có và theo hướng tận diệt.
Hơn nữa, mỗi địa phương cần xây dựng cho mình sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh trùng lắp, sao chép và cũng cần phải liên kết các điểm đến để cùng phát triển, có chiều sâu.
Các sản phẩm phải thật sự đem lại cho du khách những trải nghiệm du lịch mới, chân thực, thú vị, gắn bó sâu sắc với đời sống, văn hoá, di sản và lịch sử của điểm đến.
Nhu cầu của du khách tại điểm đến không chỉ dừng lại ở những hoạt động tham quan nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn là những trải nghiệm văn hóa, lối sống của các vùng miền khác nhau.
Trải nghiệm dịch vụ du lịch tại Cồn Chim, Trà Vinh.
Chẳng hạn miền Tây có nhiều thế mạnh về du lịch nông nghiệp và điều quan trọng là làm sao để các tour miệt vườn của đồng bằng sông Cửu Long có được sản phẩm khác biệt giữa 13 tỉnh thành hay du khách sẽ không còn cảm thấy nhàm chán với đàn ca tài tử, vào vườn hái trái, thưởng thức mật ong, đi đò chèo mà tỉnh nào cũng có?
Do thị trường khách quốc tế tạm thời bị đóng cửa, ngành du lịch đang tập trung khai thác thị trường khách nội địa thì cũng cần phải tìm hiểu thị hiếu của người Việt Nam. Làm sao trong hành trình trải nghiệm, khách Việt đi tour nông thôn phải có được những khoảnh khắc trải nghiệm độc đáo, các bức ảnh check in sống ảo tuyệt đẹp.
Họ phải được trải nghiệm thật nhưng dịch vụ phải tiện nghi, đầy đủ, có thể không sang trọng nhưng phải có gu!
Khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp cũng là khuyến khích nông nghiệp sạch và môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia du lịch nông nghiệp, nhấn mạnh: “Du lịch nông nghiệp sẽ thúc đẩy việc bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần vào việc bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên”.
Thế thì tại sao các nhà cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp lại không khai thác việc tăng doanh thu bằng cách nhân rộng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá cho các sản vật mà người ta thường gọi là đặc sản nông nghiệp để du khách có thể mua dùng hay làm quà tặng như gạo Điện Biên, hạt tiêu, điều Phú Quốc, trà Thái Nguyên, Mộc Châu, cà phê Buôn Mê Thuột, sen Đồng Tháp, dừa Bến Tre, tinh dầu tràm Long An… một cách thật đa dạng và chuyên nghiệp.
Riêng việc xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, chúng ta cũng cần chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tại các vùng nông thôn như giữ hồn chợ quê, cho đặc sản địa phương, xây dựng các bảo tàng liên quan tới nông nghiệp, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống như gốm, lụa, mộc… bồi dưỡng đào tạo các lớp nghệ nhân tại các làng nghề.
Quảng Nam có nhiều lợi thế để làm du lịch farmstay từ đồng bằng đến miền núi và vùng biển. Ảnh: Nhân Tâm
Hội An hiện nay đang đi đầu về các mô hình du lịch nông nghiệp. Các sản phẩm mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đèn lồng, túi xách, giày da phố Hội… đang phát triển, dần khẳng định được thương hiệu.
Có nên nhân rộng cách làm của ông Lê Quốc Tuấn của làng gốm Thanh Hà khi đã cùng bà con trong làng mang cả tình yêu của “đất và lửa”, thổi hồn vào các sản phẩm quê nhà. Các loại mặt nạ, phù điêu, tượng, hộp đèn trang trí… các công trình dân dụng hay nghỉ dưỡng du lịch, các mẫu quà lưu niệm được rất nhiều du khách ưa chuộng khi đến thăm làng nghề.
Muốn mỗi sản phẩm du lịch cần có các nét riêng, nhà thiết kế sản phẩm phải phối hợp với từng nhà cung ứng dịch vụ và các công ty du lịch địa phương, cùng xây dựng ra kịch bản, góp phần đạo diễn và thổi hồn vào từng công đoạn của sản phẩm.
Chẳng hạn như, miền Đông Nam bộ vẫn còn khá nhiều nghề sản xuất thủ công in đậm dấu ấn lưu dân khai hoang mở đất lập nên làng xã như nấu rượu, làm bánh tráng, làm muối, làm bún, làm gốm, làm lu … là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch.
Miền Tây Nam bộ nhờ thiên nhiên ưu đãi tạo nên những đặc điểm văn hóa miệt vườn vô cùng độc đáo với việc khai thác thiên nhiên sông nước và đời sống dân dã.
Nhưng để có thể tạo sự khác biệt, cần xây dựng các tour du khách sống cùng dân trong các homestay để cảm nhận được cuộc sống dân dã nơi miền sông nước. Du khách cùng nông dân tự tay hái và thưởng thức đủ loại hoa thơm, trái ngọt.
Cùng nghe và cùng hát vọng cổ, cải lương với các nghệ sĩ dân gian đờn ca tài tử. Cùng đi chợ và cùng nấu ăn với điểm nhấn là các loại chợ quê, chợ “cóc”, chợ nổi, chợ xã, chợ huyện, chợ tỉnh … đầy ắp những sản vật địa phương để du khách thấy hết được sự náo nhiệt của đời sống nơi miền sông nước.
Muốn xây dựng và phát triển được các tour du lịch kết hợp với nông nghiệp tiến tới phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp, các doanh nghiệp lữ hành… chính những chủ thể của tour du lịch nông nghiệp là “các bác nông dân”, “trang trại viên” phải chủ động phối hợp, liên kết hoạt động nghiên cứu thị trường.
Phải cùng nhau phối hợp, tìm khách hàng mục tiêu để xây dựng sản phẩm phù hợp, cùng quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn.
Phan Yến Ly