Hà Nội là địa phương thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả cao với 1.050 sản phẩm đã được UBND thành phố công nhận. Thế nhưng, trong 6 nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, lĩnh vực “dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng” vẫn chưa có sản phẩm nào đạt. Xây dựng sản phẩm OCOP cho du lịch là một trong những mục tiêu Hà Nội hướng tới trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 và những năm tiếp theo.
Bà Ngô Kiều Oanh (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với du khách về những trải nghiệm tại Trang trại Đồng quê Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì), ảnh chụp giữa tháng 4-2021.
Tiềm năng, lợi thế của Hà Nội
Trang trại Đồng quê xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) trước khi có dịch Covid-19 thu hút khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chủ trang trại cho biết đã đầu tư 8 tỷ đồng để xây dựng mô hình trang trại mang đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ. Trên diện tích 2ha, trang trại có nhiều hoạt động như: Trải nghiệm cách nuôi ong lấy mật; hái và sao chè khô; nuôi đà điểu, dê, thỏ; trồng và hái các loại rau rừng; cấy lúa, úp nơm, bắt cá… Vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đón khách tham quan, mỗi năm, trang trại đón hàng chục nghìn lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 11 trang trại hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái, như: Trang trại Đồng quê Ba Vì; Nông trại Dê Trắng (huyện Ba Vì); Trang trại Học đường Vạn An (huyện Thanh Trì); Trang trại Hoa cây cảnh Thăng Long (huyện Phúc Thọ)... Thành phố cũng có 4 hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp với giáo dục trải nghiệm là: Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn); Hợp tác xã Rau Đường Lâm (Sơn Tây); Hợp tác xã Trải nghiệm xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa); Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Trong tổng số 1.350 làng có nghề ở Hà Nội, thời điểm hiện tại đã có 17 làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); điêu khắc, mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín); làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh)…
Với bề dày lịch sử, văn hóa và nhiều di sản, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ngoại thành Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trên thực tế, đã có nhiều khu du lịch trở thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, như: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức); làng cổ Đường Lâm, đền Và (thị xã Sơn Tây); khu đền Hạ, đền Trung, đền Thượng (huyện Ba Vì); đền thờ Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín); đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)… Đây là lợi thế rất lớn để Hà Nội phát triển du lịch cũng như kinh tế nông thôn và Chương trình OCOP.
Tạo động lực hỗ trợ phát triển
Chương trình OCOP của Hà Nội được thực hiện với 6 nhóm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải - may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Nhưng từ khi triển khai đến nay vẫn thiếu vắng nhóm sản phẩm về dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới Hà Nội, năm 2021 có 547 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP của Hà Nội. Trong đó, có 8 sản phẩm đăng ký thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng là các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ khái niệm sản phẩm OCOP về du lịch; các tiêu chí để đánh giá cụ thể đối với sản phẩm này. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần 2 năm nay, hoạt động du lịch giảm sút nghiêm trọng, nhiều đơn vị gặp khó khăn nên chưa mặn mà với việc nâng cấp và tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. “Hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhưng chúng tôi còn lúng túng trong việc chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP theo đúng quy trình”, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) cho biết.
Việc các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng để chuẩn hóa và phát triển. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội. Khi sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ những điểm có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống; xây dựng cơ chế và thực hiện chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn, làng nghề. Cụ thể, Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch... Qua đó tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển, trở thành sản phẩm OCOP của thành phố.
Nguyễn Mai