Nhờ du lịch cộng đồng được sự quan tâm đầu tư của các cấp, chính quyền nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mà người dân ở các làng thuộc xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã biết yêu văn hóa dân tộc mình. Phương thức phát triển “di sản nuôi di sản” đã tạo được sinh kế cho dân làng, quảng bá được văn hóa Tây Nguyên đến bạn bè gần xa.
Anh Đinh A Ngưi (ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) là một trong những người tiên phong làm homestay ở địa phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những dấu chân tiên phong
Làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng - nơi anh Đinh A Ngưi sinh ra và lớn lên là vùng đất giàu bản sắc văn hóa của người Bahnar. Tuy nhiên, theo thời gian, các nét văn hóa dần mai một. Đau đáu trước điều này, anh A Ngưi quyết tâm theo học ngành văn hóa và trở về địa phương theo đuổi tình yêu văn hóa của người làng bằng cách xây dựng mô hình nhà du lịch cộng đồng - homestay.
“Khi học xong, mình về làm trong lĩnh vực văn hóa ở huyện Kbang, ngoài ra, mình nhận thêm công việc dẫn tour cho các đoàn du lịch. Điều này không chỉ giúp mình được tiếp cận nhu cầu của mọi người trong các chuyến du lịch mà còn mở rộng các mối quan hệ để xúc tiến mô hình homestay. Đến năm 2019, từ nguồn vốn ít ỏi và vay mượn từ ngân hàng, mình bắt đầu tiến hành làm homestay. Thời điểm đó, trong gia đình ai cũng ngăn cản vì mọi người không tin mình làm được. Nhưng với niềm đam mê và khát khao mang văn hóa người bản địa giới thiệu cho mọi người biết đến đã thôi thúc mình quyết tâm làm” - anh A Ngưi chia sẻ.
Làng Kgiang có 140 hộ, 100% là người đồng bào Bahnar sinh sống. Hiện làng vẫn giữ được rất nhiều văn hóa của người Bahnar như đan lát, tạc tượng, đánh chiêng, múa xoang,... Tận dụng những điều này, anh Đinh A Ngưi đã giúp người dân bằng cách tập hợp, kêu gọi các đội chiêng, nghệ nhân để phục vụ khách du lịch. Tính riêng cuối năm 2019, lượng khách lưu trú theo mô hình homestay đã lên đến gần 2.000 lượt khách trong và ngoài nước.
Nằm bên dòng sông Đăk Bla, Kon K’tu là làng xa nhất của xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), nơi đây vẫn giữ được những nét kiến trúc, văn hóa mang đậm chất nguyên sơ, mộc mạc của người Bahnar. Nếu như các làng khác vắng bóng người vì bận chuyện nương rẫy thì hầu hết người làng Kon K’tu đều có người ở nhà để phục vụ du khách. Theo số liệu thống kê, mỗi năm (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), làng Kon K’tu đón từ 700-900 lượt khách du lịch, trong đó, có khoảng 300 lượt khách nước ngoài.
Chúng tôi ghé thăm homestay của gia đình chị Y Bom và anh Alex (người Pháp). Tận dụng khuôn viên nhà, chị Y Bom cùng chồng xây dựng mô hình homestay với 3 phòng cá nhân, 1 phòng tập thể và 1 nhà chòi. Tại nhà chòi, chị Y Bom dùng để phục vụ các bữa ăn và cà phê sáng. Trong khuôn viên, chị trang trí chuông gió, đồ thổ cẩm để thu hút sự tò mò của du khách.
Chị Y Bom cho biết: “Khách ghé thăm nhà mình đông nhất là vào các dịp lễ, tết. Từ ngày làng được đầu tư, phát triển du lịch thì đời sống của người dân ổn định hơn trước rất nhiều. Hiện nay, làng có 6 nhà kinh doanh homestay. Còn các hộ dân trong làng sẽ cùng hỗ trợ nhau để biểu diễn văn hóa, ẩm thực và phục vụ trải nghiệm cho du khách nếu khách có nhu cầu.
Rời làng Kon K’tu, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), nơi đây cách trung tâm thành phố hơn 60km. Đón chúng tôi ở làng Kon Pring là bà Y Lim - người được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Hiện nay, bà Y Lim là chủ homestay hút khách ở làng Kon Pring.
Nghệ nhân Ưu tú Y Lim cho biết: “Vì yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời với vai trò là trưởng đoàn nghệ nhân của làng, đội trưởng đội chiêng nữ nên tôi mong muốn quảng bá văn hóa đồng bào mình đi xa hơn nữa chứ không chỉ ở địa phương. Khi được Nhà nước hỗ trợ làm du lịch, tôi vui lắm. Vì tôi nắm được lợi thế, tiềm năng của vùng này nên tôi biết làm gì để phát triển du lịch. Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, làng Kon Pring thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan”.
Dân làng cùng hưởng lợi từ homestay
Từ ngày có anh Đinh A Ngưi (làng Kgiang) làm homestay mà cả làng được nhờ. Người dân làng ngoài việc lo chuyện đồng áng, về nhà lại biết trồng thêm vườn rau, nuôi thêm con gà, con heo. Khi rảnh rỗi, họ lại tụ về nhà rông để tập luyện cồng chiêng phục vụ du khách ghé thăm nhà A Ngưi.
Trao đổi với chúng tôi, già làng Đinh Plich phấn khởi: “Mới đầu, người làng không tin A Ngưi làm được nhưng sau này thấy khách đến đông nên ai cũng hào hứng, chỉ cần A Ngưi gọi là có mặt. Nhờ A Ngưi mà dân làng có thể phục dựng nhiều nét văn hóa quảng bá đến khách du lịch, lại có thêm thu nhập lo cho gia đình”.
Đội cồng chiêng ở làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Thùy Dung
Cũng giống làng Kgiang, tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) và làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), từ khi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển mô hình homestay mà đời sống dân làng đã có nhiều thay đổi.
Anh A Kâm (một chủ homestay ở làng Kon K’tu) cho biết: “Nhà mình học theo một vài người đi trước mở homestay vào năm 2019 để cùng phục vụ khách du lịch. Ở làng này, mỗi nhà đều nuôi heo, nuôi gà, ủ rượu cần, chuẩn bị ống lam để làm cơm khi có khách ghé thăm. Đồng thời, luôn có một đội cồng chiêng sẵn sàng phục vụ du khách. Nhờ vậy, mọi người cũng có thêm thu nhập vào trang trải cuộc sống. Đặc biệt, ở nơi đây, dân làng không tranh khách du lịch, họ luôn hỗ trợ nhau khi cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà lượng khách ghé thăm giảm nhiều so với ngày trước”.
Ở làng Kon K’tu, bà Y Xanh là một trong những người kiếm thu nhập khá từ mô hình homestay. Không may mắn như bao người, bà bị liệt 2 chân nên không thể ra đồng làm lúa, vì vậy, đã 23 năm trôi qua, bà gắn liền với khung dệt để làm ra sản phẩm kiếm thêm thu nhập. Từ ngày có homestay, bà được tiếp xúc với nhiều người và đã bán được nhiều sản phẩm. Đồng thời, khi khách ghé thăm muốn được trải nghiệm dệt thổ cẩm, bà luôn tận tình hướng dẫn và giới thiệu.
Cứ như thế, từ sự mạnh dạn của những người đau đáu với văn hóa, muốn đưa văn hóa thoát ra mái nhà sàn, nhà rông đã giúp dân làng bắt đầu biết kiếm tiền từ chính di sản của họ. Từ những người lam lũ, quanh năm nương rẫy, họ đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có để du lịch cộng đồng, góp phần thay đổi cuộc sống ngày càng ấm no hơn.
Thùy Dung