Ở ven thượng nguồn sông Chảy, xã Bản Mế (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) là nơi định cư của nhiều dân tộc, trong đó chủ yếu là người Nùng. Điều khiến tôi ấn tượng nhất sau nhiều năm trở lại vùng đất này là khi vào thôn Bản Mế ngắm những ngôi nhà đất cổ, cảm nhận không gian văn hóa độc đáo, màu xanh mướt của đồng ruộng và những cánh rừng già.
Quang cảnh thôn Bản Mế nhìn từ xa.
Con đường nhỏ từ bên kia cầu Bản Mế men theo chân núi đưa chúng tôi đến với bản người Nùng nằm trọn trong thung lũng nhìn ra cánh đồng lúa đang lên xanh và được bao quanh bởi những cánh rừng. Từ nhiều đời trước, tổ tiên người Nùng đã đến đây định cư và hình thành nên bản làng quần cư trong thung lũng này. Cả thôn hiện có trên 100 hộ dân. Điều đặc biệt ở Bản Mế đó là hầu hết những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, tường được làm bằng đất dày tới 50cm, bên trong là khung gỗ chia làm 2 tầng. Tầng 1 là không gian dành cho gia đình, tầng 2 là nơi cất trữ lúa, ngô, củi…
Già làng Lùng Dảo Chín, 66 tuổi, người có uy tín ở Bản Mế chỉ vào ngôi nhà truyền thống bảo: Ngôi nhà này đã 40 năm tuổi rồi và là nhà đất rộng, cổ nhất ở thôn, giờ đây vẫn giữ gần như nguyên bản. Để trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp, những người thợ khéo tay đã kỳ công chạm trổ hệ thống hoa văn hình hoa lá trên lan can phía trước nhà. Ngoài ra, ngôi nhà vẫn giữ được mái ngói âm dương làm bằng đất nung nhìn như những lớp vảy cá xếp lên nhau vừa cổ kính, vừa thanh thoát. Ở vùng đất mùa đông luôn có sương mù, giá lạnh, những ngôi nhà tường đất lợp mái ngói âm dương chống lại sương gió, đem lại sự ấm áp về mùa đông. Còn giữa mùa hè oi bức, dù nhiệt độ ngoài trời lên gần 40 độ C thì chỉ cần bước vào nhà đất là cảm giác như có điều hòa nhiệt độ.
Đến Bản Mế, điều làm chúng tôi ấn tượng nữa là màu xanh bát ngát của đồng lúa, của rừng cây, đặc biệt là khu rừng cổ thụ phía trước thôn giống như mâm xôi màu xanh khổng lồ. Đến gần, ai cũng trầm trồ khi thấy những cây cổ thụ mấy người ôm đang vươn lên xanh tốt như bức tường thành bảo vệ làng bản. Trong khu rừng, còn những cây nhung có đường kính gốc lên tới 20cm đang buông từng chùm quả hình ngôi sao 5 cánh đỏ thắm như hàng trăm chiếc đèn ông sao tuyệt đẹp. Theo già làng Lùng Dảo Chín, đó là khu rừng cấm của thôn đã hàng trăm năm tuổi. Hằng năm, từ ngày 30 tháng Giêng, người dân trong làng đều góp tiền mua con lợn to và các lễ vật dâng cúng thần rừng, cầu thần phù hộ cho mùa màng bội thu, ngô lúa được mùa, cuộc sống ấm no.
Rừng cấm Bản Mế rất linh thiêng, người Nùng trong làng quan niệm, người nào vi phạm vào rừng cấm sẽ bị thần linh trừng phạt nên không người nào dám chặt cây, lấy củi, kể cả những cành cây khô rụng xuống cũng không ai dám lấy. Cũng từ tín ngưỡng thờ thần rừng và bảo vệ rừng, không chỉ rừng cấm mà các khu rừng khác xung quanh thôn Bản Mế đều xanh tốt, giống như lá phổi xanh điều hòa khí hậu, làm cho không khí luôn trong lành, những dòng suối đầy ăm ắp nước cung cấp cho cánh đồng lúa thêmtươi tốt. Cánh đồng Bản Mế trở thành vựa ngô, lúa lớn nhất, nhì trên vùngthượng nguồn sông Chảy.
Hoàng hôn buông xuống, tôi đứng ngắm thôn Bản Mế từ lưng núi xa xa. Mặt trời lặn dần nhưng những tia nắng vẫn ánh lên màu vàng phía chân trời, khói lam chiều bay lên từ những ngôi nhà mái ngói âm dương làm cho khung cảnh nơi đây bình yên đến lạ. Tiếng mõ trâu lốc cốc về bản, dáng những bà, những chị người Nùng địu củi, địu rau rừng về nhà khuất dần sau cánh rừng cổ thụ. Dù năm tháng trôi đi nhưng nhịp sống nơi đây từ bao đời nay vẫn yên bình như thế.
Tuấn Ngọc