Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) lớn nhất miền Tây Bắc, luôn thu hút đông du khách tìm đến bởi gìn giữ được những nét văn hóa độc đáo.
Rực rỡ khu bán thổ cẩm. Ảnh: DULICHSO.VN
Nhộn nhịp và nhiều tiếng cười. Bao lần trở lại chợ phiên Bắc Hà, tôi vẫn giữ được cảm giác hân hoan. Cứ sà vào các quầy hàng giản dị nhưng đẹp mắt, với nhiều chủ hàng nói chuyện ngộ nghĩnh, thể nào chả chụp được những bộ ảnh đẹp, gặt được những trận cười sảng khoái. Mỗi du khách đến đây đều cảm nhận được “con người thật lắm” ở vùng cao nguyên này.
Chợ Bắc Hà chưa bị ảnh hưởng của lối sống hiện đại, đồng bào dân tộc nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt với các phong tục tập quán truyền thống đặc sắc của người H’Mông, Dao, Tày, Nùng… Sản phẩm được bày bán đa dạng, từ nông sản, thổ cẩm, quà lưu niệm đến cả đồ rèn đúc, khu bán gia súc, gia cầm, khu ẩm thực. Đặc biệt, ở nơi đây, trâu, ngựa được coi là “đầu cơ nghiệp” của người dân nên có một khu vực khá rộng để người dân mua bán, trao đổi. Ông Giàng A Chính, một lão nông từ xã Bản Liền cho hay: “Chúng tôi có bản còn xa, xe máy khó đi, nên trâu phải cày trên ruộng bậc thang, ngựa phải thồ hàng. Con trâu, con ngựa có giá lắm”.
Một trong những nơi làm ấm bụng khách là khu ẩm thực, khách vừa ăn uống mà vẫn có thể nhìn ngắm đồ, ngắm người và chụp ảnh. Ngoài mùi thơm lừng của thắng cố, đồ ăn, khu ẩm thực còn dậy hương bởi rượu ngô Bản Phố (ủ bằng men cây hồng mi) từ lâu đã nức tiếng khắp vùng. Người Bắc Hà có câu ca: “Khi vào nhớ dốc Trung Đô/Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”. Ông Sùng Seo Sống là người H’Mông nấu rượu có tiếng ở xã Bản Phố. Gia đình đã giữ nghề của tổ tiên, đến con ông là năm đời nấu rượu, luôn nấu bằng cái tâm để bảo đảm thương hiệu. “Nhiều khách đi qua chỗ bán rượu, được mời một vòng mà say.
Từ nhiều năm qua, khách lên Bắc Hà không thể không thưởng thức không gian của khu chợ. Nói như người dưới xuôi, đến chợ, nhìn đâu cũng thấy sự ngộ nghĩnh”, ông Sống chia sẻ.
Trong chợ, khu vực rực rỡ, nhiều mầu sắc nhất là những gian hàng thổ cẩm. Đây là những sản phẩm thủ công, đẹp mắt do chính tay đồng bào dân tộc nơi đây làm ra. Bà Lý Thị Dùng tâm sự: Người dân Bắc Hà yêu thổ cẩm và các cô gái, các chị dệt thổ cẩm rất khéo tay. Gia đình tôi, từ mẹ, tôi và các con gái đều dệt thổ cẩm giỏi.
Ở chợ Bắc Hà hiếm có chuyện mặc cả nên khách không lo việc bị mua đắt. Cũng bởi, người dân họp chợ vô cùng thuần phác, đến chợ ngoài mua bán còn là để vui với chợ, vui với khách đi chợ. Các cơ quan chức năng huyện Bắc Hà đã xây dựng nhiều chương trình bảo tồn văn hóa, coi phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Các cơ sở lưu trú cũng được đầu tư xây dựng nhiều, tiện lợi hơn để đón khách. Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Mỗi năm, ở Bắc Hà có hàng chục lễ hội truyền thống đặc sắc cùng với hệ thống di tích, cảnh sắc, con người và đặc biệt là không gian chợ truyền thống. Tất cả tạo nên những thế mạnh của huyện nhà trong quá trình phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa
Thái Huy