Đến với huyện Mèo Vạc, giữa mênh mông núi đá tai mèo, chắc hẳn nhiều người không khỏi trầm trồ trước màu xanh bạt ngàn của rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán. Đây là khu vực có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện; cũng do vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển khu vực này luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc dành sự quan tâm đặc biệt.
Ban quản lý Dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Mèo Vạc kiểm tra hiện trạng rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán.
Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán có tổng diện tích tự nhiên trên 5,4 nghìn ha, thuộc địa phận hành chính 6 xã, thị trấn của huyện, gồm các xã: Lũng Chinh, Tả Lủng, Nậm Ban, Tát Ngà, Sủng Máng và thị trấn Mèo Vạc. Đây là nơi sinh sống và trú ngụ của hàng trăm loài động, thực vật, trong đó có hơn 50 loài thực vật và trên 20 loài động vật quý hiếm, nằm trong danh sách Đỏ của Việt Nam, như: Lan kim tuyến, Bách vàng, Thông đỏ, Khỉ vàng, Cầy bạc má, Cu ly… Đặc biệt, Khu bảo tồn còn đảm nhiệm vai trò duy trì nguồn nước cho toàn bộ thị trấn Mèo Vạc. Theo lãnh đạo UBND thị trấn Mèo Vạc: Vào mùa khô hàng năm, các hộ trên địa bàn thị trấn thường phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt kéo dài. Tuy nhiên, nhờ có nguồn nước từ Khu bảo tồn đã giảm đáng kể sự thiếu nước sinh hoạt của người dân…
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán còn cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, diện rừng thuộc Khu bảo tồn được giao kinh phí thực hiện từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí chi trả tiền công khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư trên 830 triệu đồng, số còn lại chi cho công tác bảo vệ rừng của Ban quản lý Dự án bảo vệ và phát triển rừng. Đây là nguồn kinh phí quan trọng tạo nguồn sinh kế bền vững cho các hộ tham gia bảo vệ rừng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều hộ đã có điều kiện để phát triển kinh tế, mua sắm các trang thiết bị trong gia đình hoặc đóng góp vào các hoạt động chung của thôn như làm đường bê tông, tu sửa nhà văn hóa, sửa chữa các điểm trường…
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn Chí Sán, tháng 3.2015, UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán. Mục tiêu nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị tự nhiên; bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm đang bị đe dọa; đồng thời tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn cho lưu vực sông Nho Quế và sông Nhiệm; tạo điều kiện thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đệm; thu hút người dân tham gia bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng. Bên cạnh đó còn nhằm phát triển du lịch sinh thái và sinh thái cảnh quan khu vực Mèo Vạc, Đồng Văn cũng như các điểm du lịch khác trong tương lai.
Thực hiện Quyết định trên, UBND huyện Mèo Vạc đã phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện quy hoạch rừng; thực hiện hiệu quả chính sách đầu tư phát triển vùng đệm đặc dụng, gắn với lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng cháy chữa cháy rừng và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự xâm hại rừng. Nhờ đó, trong 7 tháng đầu năm 2021, Khu bảo tồn luôn được bảo vệ an toàn, không phát hiện trường hợp nào phá hoại, xâm hại rừng.
Tuy nhiên, theo Đề án được phê duyệt thì sau khi Khu bảo tồn được xác lập, UBND tỉnh sẽ ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa được thành lập, do đó, công tác quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn đang đối diện không ít khó khăn. Trước thực tế này, thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn nhằm phát huy tối đa những giá trị mà Khu bảo tồn đem lại./.
Bài, ảnh: Trần Kế