Trà Vinh có 65km bờ biển, một số vùng đất mới bồi, có hàng trăm gò, động cát và mạng lưới sông ngòi chằng chịt, nhiều vườn cây ăn trái với đủ chủng loại cùng bản sắc văn hóa lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh.
Đa dạng các điểm du lịch cộng đồng
Trà Vinh hiện đang phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu tại cồn Chim và cồn Hô. Cồn Chim thuộc ấp cù lao cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành), có diện tích tự nhiên 60ha. Đây là điểm du lịch cộng đồng mới và khác biệt. Người dân trên cồn làm du lịch theo xu hướng hoàn toàn “thuận thiên”. Họ rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường khi nói “không” với rác thải nhựa; không dùng các hình thức khai thác tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của nguồn thủy sản và không dùng thuốc trừ sâu, chất hóa học trong quá trình trồng lúa, rau, cây ăn quả. Đến với cồn Chim, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống dân dã, được thưởng thức các món ăn địa phương... Điểm “cộng” cho nơi đây là nguồn thực phẩm tươi, sạch do chính người nông dân nuôi trồng, chế biến.
Điểm du lịch cộng đồng cù lao Cồn Chim
Tại cồn Hô (xã Mỹ Đức, huyện Càng Long) - nơi chỉ có 21 hộ dân sinh sống, diện tích 22ha - được xem là điểm du lịch hấp dẫn của Trà Vinh. Nơi đây có vườn cây xanh mướt và những người dân thật thà, chất phác, hào sảng đặc trưng miền Tây sông nước. Đến với cồn Hô, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi trải nghiệm đặc biệt: du lịch không điện về đêm. Tại đây, ban ngày du khách sẽ có những trải nghiệm làm nông dân cùng bà con, về đêm sẽ cùng người dân ăn tối trong ánh đèn dầu, thăm cồn Hô vào buổi tối bằng đèn măng-sông.
Sông Hậu mang đến phù sa trù phú cho nhiều vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, trong đó hình thành những cồn đất với vườn cây trĩu quả. Hệ thống cồn tại Trà Vinh được định hướng phát triển du lịch sinh thái. Một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn là cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè), với diện tích khoảng 929ha. Nơi đây nổi tiếng với nhiều vườn trái cây đặc sản: chôm chôm, măng cụt, nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng… Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm đạp xe hay đi bộ xuyên qua những vườn trái cây nối tiếp, dạo quanh đường làng, tắm sông, chèo ghe… Đặc biệt, mùa nước nổi còn có thể đi săn cá bông lau...
Nói đến du lịch sinh thái Trà Vinh, ao Bà Om (khóm 3, phường 8, TP. Trà Vinh) cũng là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Ao Bà Om, còn gọi ao Vuông, là quần thể ao hồ và cây cổ thụ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Tại đây, có hồ nước trong xanh dài khoảng 500m; rộng khoảng 300m. Xung quanh ao là các gò cát mấp mô, hàng trăm cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi như sao, dầu... có bộ rễ lớn trồi lên mặt đất, tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Bên cạnh ao là Bảo tàng văn hóa trưng bày những hiện vật đặc trưng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Đối diện bảo tàng là chùa Âng, ngôi chùa cổ kính, độc đáo và đẹp nhất trong hơn 140 ngôi chùa Khmer tại Trà Vinh. Quần thể chùa Âng và ao Bà Om được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994. Du khách đến đây không chỉ tận hưởng không gian mát mẻ, cổ kính mà còn khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer xưa và nay.
Gắn với sự hình thành và phát triển của vùng đất Trà Vinh, Khu du lịch sinh thái Rừng Đước (xã Long Khánh, huyện Duyên Hải) cũng là một điểm đến khó bỏ qua. Khu du lịch sinh thái Rừng Đước có diện tích gần 700ha, là một phần trong hệ thống rừng ngập mặn ven biển Nam Bộ được bảo tồn. Hệ thống rừng nguyên sinh tại đây đa dạng về sinh học với nhiều loại cây vùng ngập mặn, như mắm, chà là gai, vẹt... mà nhiều nhất là cây đước. Bên cạnh đó còn có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Khám phá Rừng Đước, du khách thường có hai lựa chọn: đi bộ xuyên qua đường mòn hoặc đi ghe len lỏi trong các cánh rừng. Với diện tích lớn và còn giữ nguyên nét tự nhiên, du khách đến đây tận hưởng không khí trong lành, choáng ngợp vì thiên nhiên kỳ vĩ, lắng nghe những câu chuyện dân gian của người dân địa phương.
Phát triển du lịch xanh bền vững
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh Dương Hoàng Sum, hiện nay, Trà Vinh đang tập trung phát triển dòng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái miệt vườn, trong đó yếu tố văn hóa Khmer được khai thác đậm nét. Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng xây dựng các điểm, tuyến du lịch đến các hộ dân để gia tăng trải nghiệm cho du khách; đồng thời hỗ trợ người dân kinh phí để tu sửa các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách... Chúng tôi nhận thức được rằng, chỉ có kết hợp văn hóa bản địa với các mô hình du lịch cộng đồng thì mới tạo nên một nền kinh tế du lịch xanh bền vững.
Với tiềm năng du lịch phong phú cùng những chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Trà Vinh sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành du lịch Trà Vinh phấn đấu, đến năm 2025, đón hơn 2,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 85.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.600 tỷ đồng; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thành phố; hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia…
Đến năm 2030, phấn đấu đón hơn 3,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 156.000 lượt, tổng thu từ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng; đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm đặc điểm đặc trưng của Trà Vinh.
Thanh Hiền