Trước khó khăn do đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam cần tận dụng tốt hơn lợi thế sẵn có, áp dụng cách tiếp cận mới để thu hút du khách từ Trung Đông.
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón gần 18 triệu lượt khách, trong đó 4,8 triệu người đến từ Trung Đông. Đây là con số không nhỏ trong thị trường du lịch.
Điểm đến lý tưởng
Với quan hệ ngoại giao ngày một rộng mở, người dân Trung Đông dần biết đến Việt Nam không chỉ qua lịch sử hào hùng, mà còn với tư cách một địa điểm du lịch vui vẻ và năng động.
Báo chí Saudi Arabia hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã có nhiều bài viết khen ngợi đất nước và con người Việt Nam, từ đó khơi gợi rất nhiều hứng thú cho người dân về mảnh đất nghìn năm văn hiến này.
Vịnh Hạ Long hùng vĩ với hàng nghìn đảo đá phơi mình giữa làn nước. (Nguồn: Thu Phạm)
Với người Trung Đông, du lịch Việt Nam đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Một số hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines hay các hãng hàng không nước ngoài như Qatar Airways, Emirates đã mở nhiều đường bay thẳng từ thủ đô các nước Trung Đông đến Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Những người từ Trung Đông đến Việt Nam đa phần là khách du lịch Halal với hai nhóm chính: một bộ phận muốn đi nghỉ dưỡng, số khác lại muốn tìm kiếm trải nghiệm mới.
Dù họ tìm kiếm một nơi để thả mình trong làn nước xanh ngọc, khám phá hang động kỳ vĩ hay thưởng thức đặc sản trứ danh, Việt Nam vẫn luôn là địa điểm lý tưởng.
Nhiều du khách Trung Đông không khỏi choáng ngợp trước cảnh sắc Việt Nam tuyệt đẹp với núi non trùng điệp, cánh đồng lúa trải dài vô tận hay hàng nghìn đảo đá phơi mình giữa làn nước, ẩn giấu trong lòng núi hang động kỳ vĩ của Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Đây Đà Nẵng năng động, kia Nha Trang biển xanh cát trắng, về miền Tây mùa nước nổi với cánh đồng nước trắng xóa, điểm xuyết màu vàng hoa điên điển hay tôm cá tung tăng bơi lội đều là trải nghiệm khó quên với các du khách Trung Đông.
Dù khách du lịch Trung Đông tìm kiếm một nơi để thả mình trong làn nước xanh ngọc, khám phá hang động kỳ vĩ hay thưởng thức đặc sản trứ danh, Việt Nam vẫn luôn là địa điểm lý tưởng.
Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến văn hóa Việt Nam, nét quyến rũ nhiều du khách thập phương. 54 dân tộc anh em là 54 bản sắc văn hóa riêng biệt, với hàng nghìn phong tục tập quán lâu mà không cũ.
Du khách say mê trước nghệ thuật sân khấu Việt Nam qua những màn biểu diễn múa rối nước, chèo, tuồng hay cải lương hay thích thú trước giai điệu của quan họ Bắc Ninh, vĩ dặm, nhã nhạc cung đình, hát lượn của người Tày hay hát Sli của người Nùng,…
Với đa số du khách từ Trung Đông, du lịch Halal rất được coi trọng, nhất là các dịch vụ thiết yếu đảm bảo yếu tố tôn giáo như là yêu cầu về thực phẩm hay phòng cầu nguyện…
Việt Nam bước đầu đã có kinh nghiệm dẫn đón và phục vụ khách du lịch Halal và cơ bản đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu này.
Về đồ ăn, Việt Nam có thực phẩm Halal - thực phẩm chuyên dành cho những người theo đạo Hồi thông qua quy trình chế biến đặc biệt cùng với một số điều kiện và tiêu chuẩn nhất định.
Những thực phẩm có chứng nhận Halal như sản phẩm sữa TH hay Vinamilk, cà phê Trung Nguyên… chắc chắn khiến du khách Trung Đông hài lòng. Nhiều nhà hàng đã triển khai phục vụ du khách ở khu ăn uống riêng biệt với đồ ăn được chế biến theo chuẩn Halal.
Về nghỉ dưỡng, Việt Nam có hệ thống khách sạn và nhà nghỉ đa dạng từ 3 đến 5 sao, dịch vụ chu đáo, thân thiện và mến khách. Hệ thống phòng vệ sinh trong khách sạn hoặc công cộng luôn có nước sạch và dọn rửa thường xuyên.
Các dịch vụ chăm sóc thân thể như spa, massage, gym… luôn sẵn sàng phục vụ, giúp du khách thư giãn, tận hưởng chuyến đi chơi.
Về nhu cầu tâm linh, Việt Nam có các Thánh đường Islam (Masjid) và Phòng cầu nguyện ở sân bay và một số khách sạn cao cấp. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng với du khách theo đạo đi du lịch trong một số ngày lễ lớn của Hồi giáo.
Một điểm đến của du khách Halal và những giáo dân theo đạo Hồi ở Hà Nội là Thánh đường Hồi giáo Al Noor tại 12 Hàng Lược.
Tuy nhỏ, song thánh đường với cái tên mang ý nghĩa “soi sáng” này đã có tuổi đời hơn 100 năm, được xây dựng theo phong cách Hồi giáo điển hình, với mái vòm, cửa cong và tháp nhọn. Đây là nơi sinh hoạt tôn giáo chính thức của những giáo dân theo đạo Hồi tại Hà Nội.
Một nhà hàng ở Đà Nẵng với các món ăn phục vụ theo chuẩn Halal. (Nguồn: Etfoodvoyage)
Nhận thức để thay đổi
Việt Nam từng là địa điểm lý tưởng để đi du lịch trong suy nghĩ của người bản địa và du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đã đến lúc ngành du lịch phải có cái nhìn khác về phương hướng phát triển sau này.
Du lịch Việt Nam cần mang tới nhiều hơn những trải nghiệm mới, hướng du khách từ chi tiêu cho nghỉ dưỡng sang các dịch vụ khác như thám hiểm và khám phá.
Thay vì xây dựng resort hạng sang và bán vé tham quan, các công ty du lịch có thể hướng tới thiết kế tour du lịch độc đáo cho xu thế du lịch trải nghiệm của du khách.
Du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đáp ứng các nhu cầu khác nhau từ các du khách nước ngoài, đặc biệt là với người Trung Đông.
Để thiết kế những chuyến đi du lịch cho khách Trung Đông, đáp ứng các nhu cầu của khách Halal, Việt Nam cần nâng cao nhận thức về khai thác du lịch từ nhóm khách Trung Đông, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khách Halal.
Du khách luôn mong muốn tìm hiểu và biết thêm về đời sống sinh hoạt của người bản xứ. Họ muốn có “tiếng nói chung” với người Việt Nam về lối sống khỏe, sống xanh, có trách nhiệm với xã hội.
Vì vậy, bảo vệ môi trường sẽ là một yếu tố chủ chốt để ngành du lịch Việt Nam hướng tới và phát triển những tour du lịch “xanh”.
Thu Phạm