Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn thế giới gắn với sự phát triển của mọi ngành nghề, lĩnh vực thì sự liên kết chặt chẽ giữa công nghệ với các giải pháp mang đến hướng đi mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc.
Những bước đi ban đầu của hầu hết các dự án ứng dụng công nghệ số gắn với bảo tồn di sản văn hóa, hoạt động bảo tàng của Việt Nam đã góp phần gắn nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
Thưởng ngoạn di sản, bảo tàng trên công nghệ số
Những người muốn khám phá di sản Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể thưởng ngoạn khu di tích được coi là trường đại học đầu tiên của khu vực Đông Nam Á xây dựng tại kinh thành Thăng Long xưa, nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam trên nền trình chiếu 3D.
Kinh thành Huế được số hóa để phục vụ công chúng trên nền tảng số.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (trung tâm) cho biết, kế hoạch số hóa di tích đã được trung tâm triển khai bài bản từ nhiều năm nay. Nhất là trong tình hình dịch Covid-19 buộc các di tích, bảo tàng phải đóng cửa, hình thức tham quan trực tuyến qua công nghệ số đã phát huy tác dụng. Mặt khác, trung tâm cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa di sản cụ thể với từng hạng mục. Đầu năm 2021, trung tâm đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR code (mã vạch hai chiều) trên 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích.
Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật đó. Với hệ thống 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, trung tâm đang tiến hành chỉnh lý các thông số, thông tin chuẩn xác để ngoài phần giới thiệu bằng tiếng Việt còn thực hiện với 8 ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp... Đến nay, trung tâm đã thực hiện được 35 bia tiến sĩ, mục tiêu đến năm 2022 số hóa và cài mã QR code toàn bộ hệ thống 82 bia. Công nghệ này không những góp phần lan tỏa giá trị di sản mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại trong tương lai.
Du khách thưởng ngoạn Văn Miếu-Quốc Tử Giám trên nền tảng 3D.
Những ngày này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đang tổ chức triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Vị tướng huyền thoại”. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không có cơ hội đến xem trực tiếp triển lãm, công chúng có thể truy cập địa chỉ website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn để trải nghiệm, tham quan những hình ảnh tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng những nội dung giới thiệu về hình ảnh, hiện vật, sự kiện lịch sử đang lưu giữ tại trung tâm, như: Hình ảnh Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18-12-1974 / 8-1-1975); tư liệu bức điện mật số 1574, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Bí thư Quân ủy Trung ương lệnh cho các đơn vị “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”; bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận, luôn kịp thời đưa ra những chỉ đạo phù hợp cho các hướng tấn công...
Thời gian qua, nhiều khu di tích, bảo tàng khác đã triển khai triển lãm trực tuyến, trình chiếu 3D... để đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu thông tin, thưởng lãm của công chúng và du khách. Fanpage Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ tháng 4-2021 liên tục cập nhật, giới thiệu về những bảo vật quốc gia, những tác phẩm hội họa tiêu biểu của các danh họa nổi tiếng Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, dù tạm thời đóng cửa nhưng du khách khắp nơi vẫn mua vé trực tuyến qua ứng dụng iMuseum VFA để bước vào không gian trải nghiệm đầy cuốn hút của các báu vật mỹ thuật Việt.
Bảo tàng Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) số hóa các sắc phong được vua ban qua có niên đại từ đời Lê, gần nhất là đời Nguyễn. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Italy, Ấn Độ, Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành việc số hóa hơn 1.000 hiện vật cổ, góp phần khôi phục các nhóm tháp trong vùng lõi di sản Mỹ Sơn. Mới đây phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức trong quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đã trở thành di sản đầu tiên của Việt Nam cùng 28 di sản nổi tiếng thế giới được đưa vào bộ sưu tập của Google Arts and Culture, giới thiệu trên toàn thế giới trong phần thư viện di sản mở (Open Heritage)...
Viện nghiên cứu Kinh Thành số hóa 3D hình tượng rồng thời Lý trình chiếu phục vụ khách tham quan tại tầng hầm tòa nhà Quốc hội. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)
Khắc phục bất cập để phát huy giá trị di sản
PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, khoảng 8.000 lễ hội. Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức, không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, khi triển khai cụ thể, số hóa di sản đã và sẽ gặp nhiều khó khăn. Khó khăn hàng đầu là máy móc và nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số. Vấn đề tiếp theo là tài chính. Trên thực tế, khó có thể tính toán hết chi phí cho các dự án số hóa di sản văn hóa và việc duy trì chúng. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin đi nhanh hơn rất nhiều so với quá trình số hóa di sản văn hóa.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và Thông tin tư liệu, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đề cập đến một số rào cản của quá trình số hóa di sản như: Vấn đề về bản quyền sau khi di sản được số hóa và sử dụng rộng rãi; tính chính xác trong quá trình số hóa di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể. Ví dụ, có thể số hóa được phần nào không gian Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên với phim, ảnh số, bản ghi âm... nhưng rất khó số hóa kỹ năng chỉnh chiêng hay tài năng của nghệ nhân trong việc sử dụng cồng, chiêng trong các lễ hội. Nhưng nếu thấy thách thức mà không tiếp tục làm sẽ đối mặt với nguy cơ mất đi vĩnh viễn các cứ liệu lịch sử của di sản. Do đó, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp quản lý và các tổ chức, cá nhân cẩn trọng, khoa học trong công cuộc thực hiện số hóa di sản.
Trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ phê duyệt, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được coi trọng, với mục tiêu cụ thể: “Thực hiện số hóa di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. |
Hà Vương