Đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi là nơi có thể nhìn thấy rõ nét nhất tư duy hướng biển của người Việt. Ở đây, các thế hệ cư dân có cuộc sống tín ngưỡng mang đặc trưng vùng biển, đảo. Tuy nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đảo này hiện vẫn chưa được khai thác triệt để cho du lịch.
Một loại rong biển ăn được trở thành đặc sản của Lý Sơn. Ảnh: TTH
Lý Sơn hiện là huyện đảo tập hợp 2 hòn đảo có người ở rất lâu đời là cù lao Ré và cù lao Bờ Bãi, thường được người dân ở đây gọi là đảo Lớn, đảo Bé. Đầu thế kỷ 17, Hải đội Hoàng Sa đã được Triều đình nhà Nguyễn thành lập tại đây, lấy các trai tráng của hòn đảo ra khơi khai thác hải sản và bảo vệ vùng biển. Chính vì vậy, Lý Sơn vĩnh viễn đóng dấu trong trang sử thiêng liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, các vết tích khảo cổ cho thấy, Lý Sơn đã từng là một vùng dân cư đông đúc giữa biển. Văn hóa Sa Huỳnh, một cái nôi văn hóa cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam ảnh hưởng lên vùng Đông Nam Á có mặt rất sớm ở Lý Sơn. Một trong những thành tựu đặc sắc của nền văn hóa này chính là hình thành nghề đánh cá và đi biển. Có thể thấy, chiều sâu văn hóa là điều tồn tại rất lâu trong cộng đồng dân cư có tín ngưỡng riêng, rất mãnh liệt như Lý Sơn. Tinh thần chinh phục đại dương, ý chí và lòng dũng cảm của người Lý Sơn đến nay khó có cư dân nơi nào sánh kịp. Khả năng chịu sóng gió, kỹ năng thành thạo về nghề đi biển luôn có trong con người sinh ra ở vùng đảo Lý Sơn và được tôi luyện bằng nắng gió đại dương.
Trên đảo, còn nhiều cơ sở thờ tự, tín ngưỡng cho thấy người Lý Sơn coi trọng việc thờ Mẫu theo tín ngưỡng cổ, lâu đời. Hiện, chiếc giếng nhân dân thường gọi là giếng chàm vẫn còn trên đảo và nước ngọt từ giếng nước này vẫn sử dụng được. Mặc dù hòn đảo cách đất liền 15 hải lý, nhưng cộng đồng dân cư trên đảo đông đúc, đời sống nông nghiệp ổn định, những trở ngại về chăm sóc y tế, tiện nghi sinh hoạt, điện, nước ngọt đều được người dân khắc phục, truyền từ đời này sang đời khác với ý chí bền bỉ, sức chịu đựng kiên cường.
Lý Sơn, hòn đảo được hình thành từ nham thạch núi lửa nên thường được ví như “lửa trong lòng nước”. Người dân Lý Sơn được tôi luyện ý chí và họ rất coi trọng tín ngưỡng. Những ngôi mộ không hài cốt của người đi biển mất tích được thầy pháp tạo hình bằng đất sét núi lửa và gọi hồn nhập mộ cúng tế rất đầy đủ. Trên cả hòn đảo, hệ thống đình làng An Vĩnh, An Hải, An Bình (các làng xã trước đây của Lý Sơn) vẫn còn nguyên vẹn. Cuộc sống đặc biệt hòa hợp với biển, hướng ra biển, an lạc giữa chơi vơi biển khơi của người Lý Sơn rất đáng khâm phục.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với một ngư dân đã thôi nghề biển được vài năm nay. Ông Nguyễn Phát mở nhà hàng để chuyển sang làm du lịch. Nhà hàng của ông chỉ bán đồ hải sản tươi sống mà ông dùng cả đời mình để hiểu rõ cách đánh bắt, cách chế biến thành món ăn ngon nhất. “Giá trị ẩm thực của hải sản đại dương là ở chỗ ăn tươi sống, với trăm ngàn loài phong phú, rất bổ cho sức khỏe con người, không loại nào giống với loại nào” – ông nói. Ông có thể ngồi hàng giờ để trò chuyện với khách du lịch về những chuyến đi biển thời trai trẻ. Khách du lịch cũng thích thú điều đó khi đến với Lý Sơn mà không phải vùng đất du lịch nào cũng có được. Bởi lẽ, chỉ có ngư dân Lý Sơn ngang dọc khắp các vùng biển đảo của Việt Nam. Nay ở vùng đảo Bạch Long Vỹ trên vịnh Bắc Bộ, tháng sau có thể ở phía Nam quần đảo Trường Sa rồi. Trong khi, phần lớn ngư dân vùng khác chỉ dám quần thảo trên ngư trường quen thuộc.
Đảo Bé – cù lao Bờ Bãi của huyện đảo Lý Sơn không có nước ngọt. Kỳ lạ là hòn đảo này có người ở rất lâu đời. Trên đảo Bé có phương pháp canh tác không dùng nước tưới. Hành, tỏi, dưa hấu và đậu trồng trên đảo thuần giống chịu hạn, chỉ cần đủ nước mưa là phát triển tươi tốt. Đặc sắc của nông sản trên đảo là có hương vị rất đặc biệt, không hề giống với nông sản cùng loại trồng trên đất liền, mặc dù cùng một loại giống.
Như vậy, không hẳn do giống cây trồng, mà do người dân Lý Sơn đã tìm ra một phương thức canh tác phù hợp để duy trì sự sống cho cây trên các ruộng cát khô khốc. Họ rải các lớp cát lên trên mặt để chống nóng và giữ ẩm cho gốc rễ. Ở dưới lớp cát là lớp mỏng đất núi lửa được tái sử dụng nhiều lần mà rất màu mỡ. Lớp đất này giàu khoáng chất nuôi dưỡng cây trồng, thấm vào gốc rễ tạo cho mùi vị của các loại nông sản đậm đà. Thêm vào nữa, đảo Lý Sơn là do 5 miệng núi lửa tạo thành. Trên đảo gió lộng quanh năm ngày tháng, đất đai được khử khuẩn, phơi nắng và thoáng khí nên đặc biệt không có sâu bệnh, không thối rữa. Phương pháp canh tác này có thể nói là tri thức bản địa cổ xưa hình thành cùng với đời sống, một tài sản cộng đồng ở Lý Sơn.
Người dân Lý Sơn và vụ thu hoạch hành tím. Ảnh chụp trưóc ngày 27/04/2021. Ảnh: TTH
Xung quanh vùng đảo Lý Sơn còn có các vầng, cụm san hô ngọt với hàng trăm loại phần lớp là đều ăn được. Hiện nay, người dân khai thác các loại tảo biển ăn được giòn ngọt để làm đồ ăn đặc sản bán cho khách du lịch. Hải sản quanh bờ cũng ăn các loại tảo này và cho vị ngon đặc biệt.
Cuộc sống ở Lý Sơn không giống ở đâu, có cảm giác nơi này như “cái kho” lưu giữ lại những tập quán, tín ngưỡng xa xưa của người Việt có cuộc sống gắn liền với biển đảo. Lý Sơn bây giờ hút du khách khá nhiều, nhưng các doanh nghiệp du lịch dịch vụ cũng như du khách chú ý nhiều đến thắng cảnh, dễ thấy của đảo. Thậm chí, họ còn xây dựng cả lầu ngắm biển trên các bãi đá đen núi lửa. Còn cuộc sống của cộng đồng dân cư với bao tầng lớp ngữ nghĩa vô cùng lý thú hình như ít được quan tâm.
Điều này thật đáng tiếc, bởi đời sống ở đây là gốc để tạo nên tinh thần hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa huyền thoại. Lý Sơn chỉ là hòn đảo nhỏ chơi vơi giữa biển khơi, nhưng vai trò của đất và người đóng góp vào lịch sử đất nước và kho tàng văn hóa người Việt rất đáng kể. Trong đó, tư duy hướng biển và cuộc sống hòa hợp với biển khơi đã thúc đẩy người Việt chinh phục biển, tiến ra đại dương và làm chủ vùng biển đảo, đã từng như thế và tương lai vẫn thế.
Thúy Hằng