Hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới “Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà” đã được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO vào đầu năm 2021. Nếu đề cử này được công nhận trong thời gian tới thì đây sẽ là di sản đầu tiên trên thế giới tiên phong xu hướng nối dài và mở rộng di sản bằng liên kết vùng, thêm giá trị cho di sản đã được công nhận, đồng thời nhân lên các giá trị mới theo khuyến nghị mới nhất của UNESCO.
Mùa Thu đến trên vịnh Cát Bà. Ảnh: TTH
Đề cử mới cho di sản thiên nhiên nối dài vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà có tổng diện tích 86.310ha, tổng số 1.163 đảo. Trong vùng này, vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới 2 lần vào năm 1994 (công nhận tiêu chí cảnh quan) và năm 2000 (công nhận tiêu chí địa chất, địa mạo). Di sản vịnh Hạ Long rộng 43.400ha gồm vùng vịnh có chứa 775 hòn đảo là tiểu vùng biển đảo đẹp nhất của vịnh Bắc bộ.
Từ khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận di sản thế giới, cảnh quan này không ngừng được tôn vinh, giữ gìn nguyên trạng và đưa vào khai thác du lịch đi đôi với quản lý, bảo vệ.
Quần đảo Cát Bà cũng không kém cạnh gì về các giá trị tiêu biểu và đặc sắc. Đây là khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng thế giới, khu vực rừng mưa nhiệt đới có khí hậu và môi trường trong lành, động thực vật phong phú và đặc trưng của rừng biển nhiệt đới, đồng thời đã được xây dựng thành Vườn Quốc gia Cát Bà. Chính vì vậy, thành phố Hải Phòng đã từng xây dựng hồ sơ để đề cử quần đảo Cát Bà vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học.
Trên cơ sở hồ sơ đề cử của Hải Phòng cho quần đảo Cát Bà, UNESCO gợi ý và khuyến nghị 2 địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng nên xem xét khả năng đề xuất nối dài vịnh Hạ Long. Và nếu gộp vào hồ sơ vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà thì đây sẽ là khu vực đặc sắc cả 3 tiêu chí: Cảnh quan, địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học. Đây là một khuyến nghị phù hợp với sự phát triển của các vùng du lịch hiện nay trên thế giới.
Việc mở rộng biên độ vùng tham quan thưởng lãm và khai thác du lịch là khao khát của bất cứ nơi nào. Hơn nữa, toàn bộ vùng biển gần bờ phía Đông Bắc thuộc vịnh Bắc bộ gồm vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà gồm các vịnh như Lan Hạ, Cát Bà, Cát Hải... đều có chung một hệ sinh thái, vùng địa lý và cảnh quan tương tự với nhau.
Trong những năm qua, quá trình khai thác du lịch vùng biển Đông Bắc cho thấy, danh tiếng của vịnh Hạ Long đã được nâng tầm ngoại hạng từ khi di sản này nổi tiếng với 2 lần vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới với 2 tiêu chí có giá trị. Du khách nước ngoài thường đến tham quan vịnh Hạ Long bằng 2 con đường: Đi thẳng từ Hà Nội đến thành phố Hạ Long, hoặc đi qua thành phố Hải Phòng để tham quan vịnh Cát Bà sau đó đi sang vịnh Hạ Long ở bến phà Gia Luận hoặc đường bao biển Cát Hải.
Như vậy, trên thực tế, cả Hải Phòng và Quảng Ninh đều đã khai thác vịnh Hạ Long làm du lịch rất hiệu quả. Trên các trang thông tin điện tử về du lịch. Nhiều du khách nước ngoài bày tỏ hài lòng về hành trình du lịch Đông Bắc dù điểm trung chuyển cho chuyến tham quan trên biển của họ là Hạ Long hay Cát Bà. Thậm chí, khi được hỏi về cảm xúc trong chuyến tham quan di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng người Anh đã trưng ra ảnh anh chụp khi đi ngang vịnh Lan Hạ. Không có gì khác nhau giữa hai vùng biển này - họ cho biết.
Hiện, cơ quan quản lý du lịch của hai địa phương khá đồng nhất với nhau trong mục tiêu xây dựng một vùng di sản mới mở rộng hơn và đề cao công tác phối hợp. Mặc dù, việc hai địa phương quản lý một vùng di sản đã có thể nhìn thấy trước những khó khăn, bất cập khách quan. Ban Quản lý vịnh Hạ Long đưa ra ý kiến sẵn sàng kết hợp với Hải Phòng hoàn thiện hồ sơ có tính chất liên vùng này. Bài toán quản lý di sản với trách nhiệm của cả hai địa phương, đồng thời việc khai thác cũng phải có sự thống nhất của hai địa phương sẽ có những chỗ, những điều khoản không trùng lên nhau. Và từng vấn đề sẽ được dần giải quyết dựa trên thực tiễn.
Cơ sở lưu trú trên đảo Cát Bà nhìn ra mặt vịnh. Ảnh: TTH
Trải qua hơn 2 thập kỷ xây dựng và phát triển thương hiệu Di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long giờ đây đã có được cơ chế quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả, có bài bản và đẳng cắp thế giới về quản lý - khai thác môi trường cảnh quan, đặc biệt là việc giữ gìn nguyên dạng di sản và tôn trọng tự nhiên. Việc còn lại là Cát Bà phải thực sự bước vào thời kỳ chuyển biến rõ nét để quy hoạch lại, giảm thiểu các tác động xấu từ việc can thiệp, khai thác của con người vào môi trường.
Hiện nay, huyện Cát Hải đang hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản thực hiện trong 2 giai đoạn vào năm 2021 và 2022, tổng kinh phí trên 68 tỉ đồng. Cát Hải đang là cực tăng trưởng năng động của thành phố Hải Phòng với trọng điểm kinh tế, điểm nhấn là trung tâm du lịch sinh thái Cát Bà.
Để đảm bảo đột phá trong khâu quy hoạch lại khu vực này, UBND huyện hướng dẫn và hỗ trợ các gia đình chuyển đổi, tháo dỡ tách không gian du lịch và khỏi nơi nuôi trồng đảm bảo cung cấp nguồn thủy hải sản đặc sản của địa phương. Cụ thể, khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung về Bến Bèo và Gia Luận, cải tạo lại không gian xanh tươi của mặt nước khu vực Lan Hạ, Trà Báu và Cát Bà.
Hiện nay, toàn huyện Cát Hải có 440 bè nuôi thủy sản, 516 nhà chòi và nhiều ô lồng, giàn nuôi nhuyễn thể đang sử dụng thức ăn chăn nuôi và sinh hoạt làm ô nhiễm mặt vịnh. Dự kiến, tình trạng này sẽ được sắp xếp, giải tỏa hướng đến xây dựng thương hiệu Cát Bà xanh khi hòa vào danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của cả vùng. Đây là động thái dứt khoát, quyết tâm cao của địa phương để lập lại trật tự trên vùng vịnh cũng là tập dượt để quản lý khai thác di sản thiên nhiên xứng đáng với tiềm năng giá trị.
Thúy Hằng