Sông Phó Ðáy trên đất Tuyên Quang dài hơn 80km chảy qua 7 trong số 11 xã của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Hai bên bờ con sông ấy là miền đất từng chở che cho các chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Nơi đây dày đặc các di tích lịch sử quý giá. Không quá lời khi gọi Phó Ðáy là "dòng sông di sản".
Toàn cảnh làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang).
Bắt nguồn từ Bắc Kạn, sông Phó Ðáy chảy vào đất Tuyên Quang lần lượt qua các xã Hùng Lợi, Trung Sơn, Kim Quan (huyện Yên Sơn) và các xã Trung Yên, Minh Thanh, Tân Trào, Bình Yên,... (huyện Sơn Dương) trước khi xuôi về Vĩnh Phúc. Bên hai bờ dòng sông ấy là miền đất Tân Trào (tên gọi chung của cả khu căn cứ cách mạng thời tiền khởi nghĩa nằm ở hai huyện Sơn Dương, Yên Sơn), được Bác Hồ chọn làm căn cứ chỉ đạo cách mạng của cả nước, lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một lần nữa, miền đất này vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ chọn làm nơi ở, nơi đóng trụ sở các cơ quan đầu não để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ đi đến thắng lợi.
Dòng Phó Ðáy khi chảy qua địa bàn xã Kim Quan (huyện Yên Sơn) uốn lượn như một vòng cung bao bọc khu rừng Nà Lơi, Vực Nhù ở thôn Khuôn Ðiển. Nơi đây có cụm di tích quốc gia ATK Kim Quan, giai đoạn từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954 là địa điểm đóng trụ sở của nhiều cơ quan lãnh đạo kháng chiến và nơi ở của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước như: khu nhà ở và làm việc, hầm an toàn của Bác Hồ; nhà ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh; hầm an toàn của Trung ương Ðảng, hầm an toàn của Chính phủ; nơi làm việc của Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng Trung ương... Tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhiều phiên họp của Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ, lãnh đạo toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi trong Chiến dịch Ðông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Giờ đây, cụm di tích quốc gia ATK Kim Quan đã được phục dựng lại nguyên mẫu bằng các vật liệu sẵn có ở địa phương tạo nên một quần thể tái hiện hình ảnh chiến khu thời kháng chiến. Nhân dân các dân tộc xã Kim Quan luôn tự hào về những truyền thống cách mạng quý báu, cùng nhau gìn giữ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Ðồng chí Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Ðảng ủy xã Kim Quan cho biết, toàn xã có 838 hộ dân, 3.643 nhân khẩu, trong đó 89% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ðược Ban Tổ chức Trung ương Ðảng bảo trợ, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tích cực phát huy nội lực và khắc phục khó khăn tập trung xây dựng nông thôn mới; nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững... Năm 2020, Kim Quan trở thành xã 135 đầu tiên của huyện Yên Sơn về đích nông thôn mới.
Từ Kim Quan, xuôi theo dòng Phó Ðáy không xa là khu di tích Ban Thường trực Quốc hội ở thôn Chi Liền, xã Trung Yên (Sơn Dương). Nơi đây, có Nhà lưu niệm trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử về hoạt động của Ban Thường vụ Quốc hội; di tích nhà ở và hầm an toàn của đồng chí Tôn Ðức Thắng, Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt trong thời kỳ gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đây, tiếp tục xuôi về hạ nguồn, vùng đất hai bên dòng sông Phó Ðáy (thuộc các xã Tân Trào, Minh Thanh, Bình Yên của huyện Sơn Dương) còn có rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, như: cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, Vực Hồ - Khấu Lấu, Hang Bòng, Hang Thia, Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, Nha Công an Trung ương, Bộ Ngoại giao,...
Hệ thống các di tích lịch sử cách mạng ở miền đất ATK Tân Trào nơi thượng nguồn sông Phó Ðáy chứa đựng các giá trị về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về nghệ thuật quân sự tài tình của Ðảng, của Bác Hồ đã làm nên Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào - di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ 20, trở thành di sản lịch sử văn hóa vô giá của đất nước. Theo ông Viên Ngọc Tân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, phụ trách Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích nằm trên địa bàn 11 xã ATK thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn, với 138 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng; trong đó có 18 di tích, cụm di tích tiêu biểu đã được xếp hạng di tích quốc gia. Ðến miền đất thượng nguồn dòng sông Phó Ðáy này, mỗi tên đất, tên làng, mỗi di tích lịch sử cách mạng nơi đây đều sẽ khiến mỗi chúng ta cảm nhận rõ hơn các giá trị của không gian lịch sử và văn hóa nơi mạch nguồn tuôn chảy sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Có một dòng sông Phó Ðáy không dài, chẳng rộng nhưng chở nặng vinh quang của lịch sử dân tộc thời có Ðảng. Và vì thế, Tân Trào - Sơn Dương đã trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng, là điểm hẹn về nguồn linh thiêng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Theo UBND huyện Sơn Dương, nhiều năm nay, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành điểm thu hút du khách với sản phẩm du lịch độc đáo, gắn du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng với các tour trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Những phong tục tập quán, làn điệu dân ca độc đáo, nghệ thuật ẩm thực... của 19 dân tộc nơi đây đang được khai thác tạo nên các sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa và du lịch tâm linh - lễ hội thu hút du khách. Từ vài năm nay, mô hình du lịch cộng đồng ở Làng văn hóa Tân Lập (thuộc xã Tân Trào - vùng "lõi" của Khu di tích), đã được phát huy, thu hút đông đảo du khách. Trước dịch Covid-19, mỗi năm có khoảng 600 nghìn lượt người đến tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Doanh thu xã hội từ các hoạt động du lịch trên địa bàn hằng năm đạt trên 300 tỷ đồng. Tân Trào trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang về đích nông thôn mới, vào năm 2014.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh cho biết, cùng với thế mạnh về di sản là hệ thống di tích lịch sử cách mạng, huyện Sơn Dương đã và đang khai thác các tiềm năng về du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Việc thu hút đầu tư để phát triển thêm các cơ sở lưu trú, nhà hàng ẩm thực cũng được thực hiện. Ðồng thời nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn đã được triển khai...
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang và huyện Sơn Dương cùng các cơ quan chức năng đang phối hợp thực hiện một cách có hiệu quả "Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025" và "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào thuộc phạm vi hành chính các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương) và Kim Quan (huyện Yên Sơn). Trong đó, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; có lộ trình kết nối các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo cho cả vùng trung du và miền núi phía bắc. Mục tiêu đến năm 2030, nơi đây sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia theo hướng như một bảo tàng lịch sử, văn hóa nằm trong một không gian mở sống động, kết nối hài hòa các cụm di tích lịch sử cách mạng với cảnh quan tự nhiên và không gian văn hóa truyền thống tại bản làng các dân tộc; có năng lực đón 2 triệu lượt khách mỗi năm.
Trong tương lai không xa, miền đất căn cứ cách mạng bên dòng sông Phó Ðáy sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh. Các sản phẩm du lịch được định hướng là: du lịch lịch sử tham quan, tìm hiểu các giá trị của quần thể di tích lịch sử cách mạng; du lịch văn hóa, trải nghiệm văn hóa tộc người, lễ hội truyền thống, tâm linh; du lịch sinh thái, thưởng ngoạn cảnh quan tự nhiên, du thuyền sông Phó Ðáy... Lúc ấy, dòng sông Phó Ðáy cũng sẽ trở thành "dòng sông di sản" đích thực.
Bài và ảnh: Hải Chung