Nhằm duy trì và bảo lưu được phương thức làm gốm hết sức độc đáo hiện chỉ còn 10 dân tộc trên thế giới bảo lưu, tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình).
(Kỹ thuật độc đáo của ngề gốm; Ảnh: Nguyên Vũ)
Độc đáo gốm Chăm
Làng gốm Bình Đức là một làng nghề nổi tiếng có từ lâu đời, gắn chặt với đời sống, phong tục tập quán của người Chăm địa phương. Đây là nghề mang tính chất “Mẹ truyền con nối” từ đời này qua đời khác với hầu hết các khâu trong quy trình làm gốm như: đập, ủ, nhào trộn đất, nặn sản phẩm ướt, phơi gốm, chỉnh hình, làm bóng đều do phụ nữ Chăm đảm trách, các khâu nặng nhọc khác như vận chuyển, nung gốm do đàn ông Chăm thực hiện. Một trong những nét độc đáo của gốm Chăm là các khâu đến nay vẫn còn bảo lưu khá nguyên vẹn kỹ thuật và phương thức thủ công truyền thống có từ xa xưa.
Kỹ thuật nhào nặn gốm không dùng bàn xoay mà thực hiện bằng những công cụ giản đơn bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và những bước chân theo nhịp điệu nhẹ nhàng di chuyển xoay quanh chiếc bàn kê cố định đã biến những hòn đất sét vô tri, vô giác thành những sản phẩm hết sức tinh tế. Đây là cách làm gốm ở trình độ sơ khai của loài người, có cách đây hàng ngàn năm nhưng thế giới đã bỏ kỹ thuật này 2.500 - 3.000 năm trước để chuyển qua kỹ thuật làm gốm hiện đại bằng bàn xoay. Dù kỹ thuật cổ xưa nhưng sản phẩm gốm Chăm Bình Đức rất đa dạng từ đồ đun nấu như trã, nồi, ấm, khương, dụ, hỏa lò, khuôn bánh xèo, khuôn bánh căn cho đến đồ đựng như: lu, chum lớn, chum nhỏ, chậu, ống nhổ.
Ngày nay, dù đã sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng và tiện lợi trong việc phục vụ đời sống hàng ngày của con người, nhưng sản phẩm gốm Chăm truyền thống vẫn có những tính năng đặc biệt trong văn hóa ẩm thực không chỉ riêng cộng đồng người Chăm mà cả người Việt, không chỉ trong các gia đình mà ở các nhà hàng, quán ăn, khách sạn. Như nồi dùng nấu cơm, nấu nước; trã dùng kho cá, nấu canh; ấm dùng sắc thuốc, nấu nước uống; dụ nấu bánh chưng, bánh tét; và độc đáo nhất là sản phẩm gốm Chăm dùng chế biến thức ăn sẽ ngon hơn nhiều so với các dụng cụ hiện đại khác.
Từ đất sét ban đầu cho đến sản phẩm gốm hoàn chỉnh là một quy trình kỹ thuật với nhiều khâu, nhiều công đoạn theo một trình tự liên tục, khép kín, đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, tính cần mẫn và tỉ mỉ. Các sản phẩm gốm đều làm bằng tay với dụng cụ thô sơ, không có kỹ thuật hiện đại nào, nhưng không lạc hậu mà đó là một nét đẹp truyền thống đáng được trân trọng, bảo tồn và phát triển. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận và Bình Thuận đang xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” để trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vê ̣khẩn cấp trong thời gian đến.
(Gốm Chăm truyền thống; Ảnh: Nguyên Vũ)
Sản phẩm phục vụ du lịch
Nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm gốm theo hướng gìn giữ, bảo tồn sản phẩm truyền thống, đa dạng các loại hình gốm mỹ nghệ, trang trí, sản phẩm phục vụ du lịch gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người làm gốm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... cần thiết thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là trách nhiệm chung của các sở, ngành liên quan và huyện Bắc Bình để bảo tồn và phát triển Nghề gốm. Như phải quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu (đất sét làm gốm truyền thống, đất sét làm gốm mỹ nghệ, củi nung, than đá) và bãi nung gốm truyền thống gắn với xây dựng lò nung gốm mỹ nghệ đảm bảo tính hợp lý để phát triển nghề gốm.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách về tài chính, tín dụng, thuế, đất đai, lao động, đào tạo để khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề. Đồng thời, thường rà soát các chính sách đề xuất, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế địa phương và tính chất, đặc thù của nghề để có chính sách ưu đãi, trợ cấp thỏa đáng cho các gia đình, nghệ nhân gốm. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng, bí quyết thực hành cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Chăm địa phương, nhất là cho nghệ nhân đến làng gốm Chăm Bầu Trúc (Ninh Thuận) học hỏi phương thức và kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ phục vụ trang trí, quà lưu niệm du lịch để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm gốm thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị tăng cao. Song song đó, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá, trải nghiệm làng gốm Bình Đức. Cùng với việc huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội tham gia bảo tồn và phát triển Nghề gốm, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, khai thác để bảo tồn, phát triển cũng như sản xuất, bao tiêu sản phẩm, trưng bày, giới thiệu, quảng bá vừa bảo tồn, phát triển, vừa phục vụ phát triển du lịch, đưa làng gốm Chăm Bình Đức trở thành điểm đến hấp dẫn, có sức thu hút du khách trong và ngoài nước.
Nguyên Vũ