Cách đây chưa lâu, chúng tôi có dịp về xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) tham quan mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, một gia đình cách mạng mẫu mực và tiên phong làm kinh tế giỏi nơi biên giới cực Tây Tổ quốc.
Không chỉ làm giàu, ông Xinh còn giúp đỡ bà con dân bản từ cây giống, vật nuôi đến phương pháp sản xuất. Ông Xinh tâm sự, trong thập niên 1990, đường sá chưa có, điện lưới cũng chưa về đến thôn bản, đời sống người dân vô cùng vất vả. Thế nhưng từ khi có các chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết các cấp đã soi đường mở lối, giúp cuộc sống dân bản Sín Thầu dần đổi thay. Xã Sín Thầu giờ đây cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 18 tiêu chí). Dân bản tin theo Đảng, bám đất, vươn lên thoát nghèo trên chính quê hương mình.
Mô hình chăn nuôi, trồng trọt của ông Pờ Dần Xinh, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (ảnh chụp tháng 3-2021).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé khá phấn khởi khi nói về những kết quả đạt được, bởi từ một huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhờ tổ chức triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương và tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nên kinh tế có bước khởi sắc. Tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 bình quân tăng 4,5%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 380,4 tỷ đồng, tăng 119,18 tỷ đồng so với năm 2015. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện bình quân đạt 9,2 tiêu chí/xã, tăng 4,9 tiêu chí/xã so với năm 2015.
Bên cạnh kết quả đạt được, Mường Nhé cũng đang đứng trước những thử thách, đó là xuất phát điểm nền kinh tế của huyện còn thấp, điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, nguồn lực và sức cạnh tranh kinh tế còn hạn chế. Đồng chí Bí thư Huyện ủy khẳng định: Vì hiểu rõ được vấn đề này nên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vừa qua xác định Mường Nhé phải nỗ lực vươn lên bằng chính nguồn lực nội tại, lấy sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển. Với tinh thần đó, huyện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là tổ chức lại sản xuất; tích cực thử nghiệm, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị cao; tăng cường xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp. Điều dễ nhận thấy là hiện nay cấp ủy, chính quyền các xã đang đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu được lợi ích của việc chăn nuôi đại gia súc. Tại các xã: Nậm Kè, Leng Su Sìn, Mường Toong, một số hộ gia đình, doanh nghiệp đã xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi theo chủ trương của Đảng bộ huyện.
Huyện Mường Nhé cũng đang khai thác triệt để thế mạnh về tiềm năng du lịch với các điểm đến hấp dẫn như: Khu nước nóng xã Quảng Lâm, mốc giao điểm đường biên giới 3 nước; phục dựng một số lễ hội của đồng bào như: Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì, Lễ cầu mùa dân tộc Si La... để tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch. Với sự chủ động, quyết liệt, đổi mới, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, huyện Mường Nhé đang phấn đấu đến năm 2025 là một trong một những điểm đến hấp dẫn trong chuỗi sản phẩm du lịch của tỉnh. Nhân dân các dân tộc Mường Nhé có thêm sinh kế, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững và trở thành những cột mốc nơi phên giậu Tổ quốc.
Bài và ảnh: Phạm Kiên