Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hóa vừa có công văn số 3099/SVHTTDL-QLDL gửi Ban Quản lý (BQL) các khu, điểm du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.
Khu Di tích Lam Kinh, Thanh Hóa luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường
Theo đó, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường, tăng tính hấp hẫn của các điểm tham quan du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững, Sở VHTTDL đề nghị Ban Quản lý khu, điểm du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND, ngày 21/8/2020 của UBND tỉnh về ban hành quy định quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị và khách du lịch về công tác bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, không sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần; đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường, tại các khu vực công cộng. Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn thành lập bộ phận hoặc phân công cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ quản lý du lịch theo hướng bền vững; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường; kịp thời phản ánh, kiến nghị những vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, cùng với việc tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên và khách du lịch trong công tác bảo vệ môi trường, cần cung cấp các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường tại khu vực lễ tân, nơi đón tiếp và trong phòng ngủ của các khách sạn, hướng dẫn khách du lịch cùng tham gia bảo vệ môi trường. Cử người phụ trách công tác bảo vệ môi trường; xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ môi trường trong cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Không sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng ống hút, cốc… bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần; chọn lọc và ưu tiên đặt mua sản phẩm có dán nhãn thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng bao bì hữu cơ, bao bì dễ phân hủy, bao bì sử dụng nhiều lần của các nhà cung cấp vật tư đầu vào. Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ nghiên cứu áp dụng nhãn tiết kiệm năng lượng trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và nhãn Bông sen xanh trong các cơ sở lưu trú du lịch (theo Bộ tiêu chí Nhãn Bông sen xanh do Bộ VHTTDL ban hành tại Quyết định số 1355/QĐ-BVHTTDL ngày 12/4/2012). Đặc biệt, chú trọng việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải theo quy định.
Thao Lam