Những ngôi làng giờ chỉ còn lại trong ký ức, nhưng dấu ấn về con người, nghề nghiệp, văn hóa một thời ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) vẫn luôn in đậm trong tiềm thức của người dân nơi đây.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các làng Ba La, Vạn Tượng, Đại Nham, Phù Khế được chính quyền Cách mạng hợp nhất thành xã Nghĩa Dõng. Trong thời kỳ kháng chiến, chính quyền ngụy lấy tên là xã Tư Bình, rồi từ năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, chính quyền cách mạng khôi phục tên cũ xã Nghĩa Dõng. Đến năm 1989 do yêu cầu phát triển, xã Nghĩa Dõng được tách thành hai xã Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng, thuộc TP.Quảng Ngãi. Xã Nghĩa Dũng bao gồm châu Vạn Tượng và các làng Đại Nham, Phù Khế, xóm Đông của làng Ba La.
Trước hết nói về Vạn Tượng bao gồm các thôn 2, 3, 4, 5 của xã Nghĩa Dũng hôm nay. Gọi là châu Vạn Tượng, người cao tuổi cho rằng châu theo nghĩa Hán Việt là doi đất, phù hợp địa hình một dải đất nhô ra sát sông Trà Khúc. Vạn Tượng diện tích tự nhiên hẹp, thời phong kiến không có ruộng công điền. Nhờ ưu thế nằm trên trục giao thông nối trung tâm tỉnh thành Quảng Ngãi với Phú Thọ và cửa Đại Cổ Lũy, bên cạnh một lạch sâu của sông Trà Khúc nên từ nửa cuối thế kỷ XIX, Vạn Tượng ngoài nông nghiệp ra thương mại dịch vụ đã sớm hình thành. Nghề đường cũng phát triển từ giai đoạn đó, nổi bật là sản xuất đường phèn, đường phổi và các sản phẩm khác như đường bạch, đường ô... trở thành điểm nổi tiếng một thời địa danh làng nghề. Tuy hiện tại ở Vạn Tượng chỉ còn một số ít hộ làm nghề đường phèn, đường phổi nhưng từ lâu nghề này đã truyền cho nhiều người, nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Di tích lịch sử Bốn Dũng sĩ Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).
Còn hai làng Đại Nham và Phù Khế (nay thuộc thôn 6, xã Nghĩa Dũng), trước đây bị chia cắt với đất liền bởi một lạch sông sâu và rộng, qua lại hằng ngày phải dùng thuyền. Làng Đại Nham ở phía trên, sát dưới là làng Phù Khế. Từ khi lập làng mãi về sau cư dân sống bằng nghề trồng bắp, đậu, bầu bí, trồng dâu nuôi tằm và đánh cá đường sông. Thời tơ tằm hưng thịnh, cả một vùng đất bồi từ cuối làng Phù Khế men theo sông phía bắc hai làng bãi dâu xanh mượt, nhiều hộ nuôi tằm ươm tơ.
Một số hộ đánh cá đường sông chuyên nghiệp hay làm xắp theo mùa, nổi tiếng là đơm cá thài bai vào các tháng giêng, hai âm lịch. Xa xưa, giai đoạn sông Trà xâm thực mạnh bờ bắc, phía Đại Nham bên bờ nam được bồi đắp, dân làng ra lập xóm Mới, có đến khoảng bốn mươi gia đình sinh sống. Họ dựa thế đất màu phù sa, dựa sông nên đời sống tương đối ổn định. Nhưng rồi năm Thìn 1964, một trận lụt lớn lở hơn nửa xóm, tiếp mấy năm sau xóm Mới không còn nữa, dân phải vào làng Đại Nham, Vạn Tượng định cư. Đầu làng Vạn Tượng có xóm Bè Rớ, sau gọi là xóm Vạn Chài, nơi đây từng ghi dấu nét đổi thay ngư dân bè rớ, ghe chài bỏ cuộc sống lênh đênh trên sông nước lên bờ định cư lập làng, chài lưới chỉ là nghề nuôi sống.
Dấu tích lịch sử văn hóa làng phải kể đến các đình làng Vạn Tượng, Đại Nham, Phù Khế. Nay các đình không còn nữa, nhưng mỗi làng đều còn các nghĩa từ lớn thờ thần, thờ tiền hiền, hậu hiền, thờ những cư dân không người thân thờ phụng. Thôn 1 (nguyên là xóm Đông của làng Ba La) có quần thể cây thị, cây sộp, giữa làng Vạn Tượng có cây đa đều hơn trăm năm tuổi. Cây thị được xếp vào danh mục cây di sản của tỉnh, cây đa Vạn Tượng thì bị chết, người dân trong vùng đã trồng lại cây mới.
Các nho sĩ khoa bảng nổi danh của làng Vạn Tượng tiêu biểu là ông Nguyễn Duy Cung (Án Cung). Ông đỗ cử nhân, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiều vị trí chức quan, có lúc làm án sát ở Bình Định. Ông tham gia phong trào Cần vương, bị Pháp bắt dụ ông thỏa hiệp nhưng ông giữ vững khí tiết yêu nước, cuối cùng bị chúng hành quyết ngày 1 tháng 7 năm Ất Dậu 1885. Ông là chí sĩ yêu nước, một gương “Sao sáng sông Trà” được người đời kính trọng. Tượng “Bốn dũng sĩ” ghi dấu bốn chiến sĩ du kích chiến đấu anh dũng với một lực lượng đông đảo hơn tiểu đoàn quân Mỹ ngụy. Tinh thần yêu nước, cần cù lao động luôn hun đúc lòng người dân Nghĩa Dũng, để rồi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ngụy, xã Nghĩa Dũng cùng với xã Nghĩa Dõng (mới) được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1998.
Trải qua bao biến đổi, trên đất xã Nghĩa Dũng ngày nay, Vạn Tượng xưa phần dọc trục đường Quảng Ngãi - Phú Thọ, đường Trường Sa nghề buôn bán, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ phát triển. Xa về phía nam của xã dân cư sống nghề nông trồng lúa, bắp và sản xuất rau màu, hộ gia đình nuôi bò lai thịt. Giờ đây, đường Trường Sa ngăn chặn hẳn nạn sạt lở xói mòn, thôn 6 càng phát triển nghề trồng rau, cung ứng nguồn thực phẩm rau xanh trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Huế... Còn xóm Vạn Chài đầu làng Vạn Tượng được quy hoạch tái định cư nhà cửa khang trang.
Bài, ảnh: Bùi Văn Tạo