Những dòng sông luôn đóng một vai trò, vị trí quan trọng và là mạch nguồn bồi đắp cho bề dày lịch sử, đời sống và văn hóa cho một vùng đất. Khi nhắc tới các dòng sông ở Điện Biên, không thể không nhắc tới dòng Nậm Rốm. Dòng sông huyền thoại, dòng sông lịch sử. Trải qua thời gian, trải qua nhiều sự biến động của đời sống xã hội nhưng dòng Nậm Rốm vẫn ngày ngày bồi đắp phù sa, cung cấp nước tưới để xứ Mường Trời thêm trù phú, ấm no.
Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ dãy núi Pú Huổi Luông thuộc địa phận xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là dãy núi có nhiều suối, khe với lượng nước dồi dào trực tiếp đổ vào sông Nậm Rốm. Trong tập bút ký nổi tiếng “Sông núi Điện Biên” của Trần Lê Văn đã có giải thích về tên Nậm Rốm. Theo đó, trong tiếng của đồng bào Thái, “Nậm” có nghĩa là sông, suối, còn từ “Rốm” có nhiều nghĩa trong đó có một nghĩa là cây lát. Và nơi phát nguyên của Nậm Rốm có một rừng gỗ lát. Vậy nên Nậm Rốm tức là dòng sông bắt nguồn từ rừng gỗ lát. Trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất Mường Then, sông Nậm Rốm đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng và sản xuất nông nghiệp của cư dân địa phương.
Sông Nậm Rốm có chiều dài khoảng 35 km, chảy theo hướng Bắc - Nam, qua địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, sau đó nhập với sông Nậm Núa trước khi hòa vào sông Mê Kông. Dọc theo hành trình của mình, nhiều đoạn sông Nậm Rốm vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của một dòng sông ở miền núi. Có đoạn, sông chảy ngay dưới chân những ngọn đồi, ngọn núi sừng sững. Có đoạn sông chảy qua những bản làng thấp thoáng sau lũy tre xanh. Và khi về đến khu vực lòng chảo Mường Thanh thì hai bên bờ sông là chỗ của ngô, lúa xanh tươi.
Sông Nậm Rốm nhìn từ trên cao.
Bên cạnh sự hùng vĩ, vẻ đẹp tự nhiên, sông Nậm Rốm còn là một chứng nhân lịch sử về một giai đoạn đầy hào hùng của dân tộc.
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, để đảm bảo việc chi viện từ trung tâm Mường Thanh cho các cứ điểm ở phía Đông và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã xây dựng một cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm. Đó chính là cây cầu Mường Thanh. Cây cầu là đường huyết mạch để thực dân Pháp vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, đảm bảo hậu cần, lương thực cũng như gửi quân tiếp viện cho các cứ điểm phòng thủ. Vậy nhưng, chiều 7/5/1954, quân ta đã vượt qua chính cây cầu này đánh chiếm khu Sở chỉ huy của tướng Đờ Cát- tơ -ri.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng cây cầu Mường Thanh vẫn nằm trầm mặc vắt mình qua dòng Nậm Rốm như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Dọc theo dòng sông nhiều cây cầu hiện đại, vững chãi đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân như cầu Thanh Bình, cầu A1, cầu C4, cầu C9.v.v. Vậy nhưng cây cầu sắt, sàn lát gỗ vẫn có một ý nghĩa thật đặc biệt và thu hút đông đảo du khách thập phương đến để tận mắt chứng kiến nơi thế hệ cha ông đã làm nên chiến thắng lẫy lừng năm xưa.
Những ngôi làng trù phú bên cánh đồng Mường Thanh rộng lớn được tưới nước quanh năm từ dòng Nậm Rốm.
Đến với Nậm Rốm, du khách chắc chắn không thể bỏ qua một điểm đến đặc biệt nữa. Đó là công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đời sống của người dân Điện Biên vẫn gặp vô vàn gian nan, khó khăn. Dù có cánh đồng “nhất Thanh” rộng lớn nhưng do thiếu nước sản xuất nên chưa đáp ứng được nhu cầu lương thực của người dân. Năm 1963, để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, Đảng và Nhà nước đã quyết định đầu tư công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ hai của cả miền Bắc khi đó chỉ sau công trình thủy nông Bắc Hưng Hải.
Không chỉ nắm giữ những câu chuyện huyền thoại, những dấu mốc lịch sử của vùng đất, sông Nậm Rốm còn nhiều điều thú vị thu hút khách du lịch. Đó là hành trình khám phá, hòa mình với cảnh đẹp thiên nhiên, sông nước hùng vĩ, hoang sơ. Đó là hành trình khám phá, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống tại các bản làng dọc theo dòng sông. Đó là cuộc sống nhộn nhịp với nhiều nét rất riêng của một thành phố đang vươn mình bên dòng sông Nậm Rốm.
Chu Linh - Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN