Năm 1960, một tuyến đê dài hơn 30km được hình thành bên phía tả ngạn để trị thủy sông Đáy, biến Vân Long thành vùng đất ngập nước lớn nhất của đồng bằng châu thổ sông Hồng với diện tích đến 3.500ha.
Khu này nằm ở đông bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, thuộc địa phận 7 xã, gồm: Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân và Gia Thanh. Sự xuất hiện của vùng đất ngập nước này đã trở thành nơi trú đông để sinh sống của nhiều loài chim di cư từ phương Bắc xuống.
Một số quả núi trở thành những đảo giữa biển nước mông mênh đã góp phần giúp cho nhiều loài động, thực vật thoát khỏi tác động tiêu cực của con người. Trong số những loài động, thực vật may mắn được bảo vệ, đáng kể nhất là trường hợp của loài voọc mông trắng. Một nhóm chuyên gia nước ngoài khi đi khảo sát đã phát hiện được quần thể voọc mông trắng ở Long Vân với số lượng khoảng 40 cá thể (hiện nay đã thống kê được 52 cá thể). Voọc mông trắng có tên gọi khoa học là Trachypithecus delacouri, được đặt tên theo nhà điểu học người Mỹ gốc Pháp Jean Théodore Delacour, là một loài linh trưởng cỡ lớn, thuộc họ khỉ (Cercopithecidae), bộ Linh trưởng (Primates) được xác định là loài đặc hữu của Việt Nam, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và thế giới, xếp hạng CR-rất nguy cấp (Critically Endangered).
Voọc mông trắng là loài có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ. Ảnh: Huyền Thanh
Theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurt (Đức), tại Việt Nam, voọc mông trắng chỉ còn khoảng 200 cá thể được phân bố ở 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa. Hiện nay voọc mông trắng được tập trung bảo tồn ở 3 nơi: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng (Hà Nam).
Vân Long có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, được mệnh danh là “vịnh không sóng”. Ngồi trên thuyền sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Những khối núi đá vôi mang hình dáng giống như tên gọi, ví dụ: Núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiêng, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên... Mặt nước ở đây không có màu xanh của biển mà trong vắt, hiện rõ những lớp rêu ở đáy. Trên bản đồ du lịch, Vân Long không chỉ có nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn mà còn có nhiều loài động, thực vật quý hiếm xếp trong Sách đỏ Việt Nam (2007). Tuy nhiên, điều kiện để voọc mông trắng được ghi nhận là dấu son trên bản đồ du lịch Vân Long, chính là voọc mông trắng được nhóm chuyên gia linh trưởng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) liệt vào loài bị đe dọa nguy kịch và nằm trong danh sách nhóm 25 loài hàng đầu thuộc bộ Linh trưởng bị đe dọa nghiêm trọng nhất.
Kết quả điều tra đã xác định được ở Vân Long hiện có 52 cá thể voọc mông trắng sống thành đàn, nhưng số lượng cá thể trong từng đàn khác nhau. Đàn lớn nhất có tới 16 cá thể, đàn nhỏ nhất chỉ có 2 cá thể, trung bình khoảng 7-8 cá thể. Voọc mông trắng không ăn động vật, chỉ ăn thực vật, bao gồm lá (là chủ yếu), quả, hoa, đôi khi là vỏ cây thân gỗ. Voọc mông trắng chọn nơi ngủ là các vách đá dựng đứng nhưng không ở lâu một chỗ nhằm tránh sự đe dọa của các loài thú ăn thịt. Voọc mông trắng có thời gian mang thai là 196 ngày, mùa sinh sản tập trung từ cuối mùa thu đến mùa xuân năm sau, chỉ đẻ 1 con. Tập tính xã hội của voọc mông trắng được thể hiện rõ rệt trong việc bảo vệ lãnh thổ trước sự xâm lấn của các đàn khác. Xung đột giữa các đàn chủ yếu được giải quyết bằng sự biểu hiện đe dọa của các con đầu đàn. Con đực đầu đàn thể hiện sự đe dọa bằng cách hú sau đó chạy rất nhanh và mạnh mẽ xung quanh diện tích khoảng 60m2. Con đầu đàn của đàn xâm nhập không hú và không biểu hiện đe dọa mà chỉ ngồi quan sát đối phương. Khi kẻ xâm nhập thấy chủ nhà mạnh mẽ thì sẽ im lặng rút lui sau khoảng 30 phút. Trường hợp đàn xâm nhập “phớt lờ” sự đe dọa của chủ lãnh thổ, các cá thể trưởng thành của đàn chủ lãnh thổ, cả đực và cái sẽ cùng tấn công đối phương. Có những khoảnh khắc thật cảm động nếu du khách may mắn bắt gặp hình ảnh những con voọc cái trưởng thành chăm sóc con non bằng cách chải lông cho con non.
Ngoài nguy cơ tuyệt chủng, phải chăng, ý thức bảo vệ lãnh thổ, sự chăm sóc con non của voọc mông trắng đã cảm hóa được con người? Chính phủ Hà Lan, Quỹ Môi trường toàn cầu, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng quý hiếm Cúc Phương đã hỗ trợ nhiều mặt nhằm bảo tồn loài thú quý hiếm này, đồng thời, góp phần phát triển du lịch ở Vân Long nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
TS Lê Trần Chấn