Trải dài qua các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và Thành phố Hà Giang. Tây Côn Lĩnh ngọn núi phía Tây của tỉnh Hà Giang Nằm ở độ cao 2.427m so với mực nước biển. Để lên đến đỉnh dãy Tây Côn Lĩnh, du khách sẽ phải trải qua cung đường khá hiểm trở với nhiều rừng già, vực sâu trên hành trình chinh phục đỉnh núi này.
Khu vực thung lũng hoa đào trên đỉnh Tây Côn Lĩnh
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh có diện tích 15.012 ha, bao gồm 10 xã thuộc 3 huyện, thành phố: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Thủy, Phương Tiến, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thượng Sơn (Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang) và Túng Sán (Hoàng Su Phì). Theo thống kê của ngành chức năng, nơi đây có 796 loài thực vật đã được ghi nhận, trong đó 54 loài thực vật quý hiếm, chiếm 7% tổng số loài. Trong số này, có 49 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Khu bảo tồn còn có 213 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 36 loài quý hiếm. Do địa hình hiểm trở cho nên Khu bảo tồn còn giữ được những vùng rừng nguyên sinh đang được lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương bảo vệ nghiêm ngặt.
Thảm thực vật tại chân đỉnh cao 2.000 m
Lên điểm cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh có nhiều đường, nếu đi từ UBND xã Phương Tiến (Vị Xuyên), du khách sẽ đi lên thôn Mào Phìn với khoảng hơn 10 km đường bê tông. Từ đây tiếp tục sử dụng xe máy đi khoảng 17 km đường mòn qua nhiều rừng vầu, chuối, cây cổ thụ thì tới chân đỉnh cao 2.000 m và đến Trạm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh. Đây là khu vực của những cây Đào, Lê cổ thụ và rừng Pơ mu xanh mướt, bên dưới là Thảo quả và thảm thực vật đẹp hiếm có.
Hiện nay, khu bảo tồn Tây Côn Lĩnh chưa có điểm du lịch nào chính thức hoạt động. Tuy vậy, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch khám phá là rất lớn có thể khai thác. Đỉnh Tây Côn Lĩnh thực sự là địa điểm không thể bỏ qua đối với những du khách ưa thích cảm giác mạo hiểm, khám phá cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng./.
Các loại hoa đua nhau nở dịp vào mùa Xuân
Thảo quả được người dân trồng dưới tán rừng
Ngọc Thơ (Vị Xuyên)