Nghệ An: Bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 10/09/2021
Nghệ An là tỉnh có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc. Các huyện miền núi lại có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng và ngày càng được quan tâm phát triển. Việc phát huy thế mạnh này cũng luôn gắn với bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp vốn có ở các huyện vùng cao.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được các huyện miền núi Nghệ An chú trọng phát triển; đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống rất độc đáo và đặc sắc như: kiến trúc nhà sàn cổ; trang phục, trang sức đặc trưng của đồng bào; văn hóa ẩm thực; các làn điệu dân ca, dân vũ như: Khắp, lăm, nhuôn; các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như: khèn bè, sáo, pí, cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp...

Muốn du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng phát triển, ngoài những yếu tố về văn hóa, con người, ẩm thực…thì yếu tố cũng rất quan trọng là cảnh quan và môi trường. Môi trường có xanh – sạch – đẹp thì mới tạo được ấn tượng với du khách, vừa tạo ra môi trường sống trong lành cho cộng đồng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường tại các khu vực công cộng. Bên cạnh đó, địa phương còn thành lập bộ phận hoặc phân công cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định.

Phóng sự ảnh của: Lang Đình Tiệp

Miền Tây Nghệ An có nhiều phong cảnh đẹp, hoang sơ.

Các nét văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ là tiền đề, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.

Người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) đang kéo tơ từ kén tằm - Thổ cẩm là nghề truyền thống vẫn được lưu giữ và phát triển (Ảnh chụp trước dịch Covid-19).

Biểu diễn các tiết mục văn nghệ và lễ hội Xăng khan phục vụ du khách tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Ảnh chụp trước dịch Covid-19).

Người dân Làng du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (huyện Con Cuông) vệ sinh môi trường, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.

Đường vào Làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu luôn thoáng đãng, sạch đẹp tạo dấu ấn với du khách.

Đình Tiệp

Nguồn: Báo Tài Nguyên và môi trường