Theo TS. Phan Thanh Hải, xây dựng “Huế - Kinh đô Áo dài” thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại; từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài Huế, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc và để Cố đô Huế thực sự trở thành kinh đô của áo dài Việt Nam.
Đưa áo dài trở thành nét đẹp của vùng đất Cố đô
Phục hưng di sản truyền thống
Theo đề cương đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, nhiều mục tiêu cụ thể được đặt ra để xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài của Việt Nam, như: tuyên truyền, quảng bá về giá trị, thương hiệu áo dài Huế; xây dựng và phát triển thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ may đo thiết kế áo dài; xây dựng các thương hiệu nổi tiếng về áo dài Huế; xây dựng áo dài Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng; đầu tư cơ sở vật chất, hình thành các điểm trưng bày, trình diễn áo dài, trung tâm, cơ sở đo may áo dài phục vụ nhu cầu của khách du lịch…
Cùng với việc tổ chức “Ngày hội Áo dài” trở thành chuỗi sự kiện văn hóa cộng đồng được tổ chức định kỳ mỗi năm 2 lần, huy động sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân, trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế…, tỉnh cũng khuyến khích, từng bước đưa áo dài Huế trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống, tạo nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra những nhiệm vụ chính, như: Nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông về áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài”. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác quảng bá, truyền thông; tạo điều kiện thuận lợi để ngành đo may áo dài Huế phát triển; hình thành trung tâm trưng bày, đo may, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài; xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế...
Phong trào mặc áo dài lan tỏa ở Huế trong thời gian gần đây
Đề án cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ về lịch sử ra đời, giá trị văn hóa, đời sống, Sở Văn hóa và Thể thao đã chọn làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho áo dài ngũ thân ở hai tiêu chí: Công nghệ truyền thống và tập quán sử dụng. Dự kiến sẽ đề cử vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia trong thời gian tới.
Xây dựng thương hiệu áo dài Huế
Khái niệm “Kinh đô Áo dài” được đặt ra tại hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” diễn ra tháng 7/2020 và được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình, dựa trên cứ liệu lịch sử, truyền thống cũng như nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản áo dài của Huế.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, cần khẳng định áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong di sản văn hóa Huế để quyết tâm xây dựng thương hiệu áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất Cố đô. Vì vậy, ngoài nỗ lực tiếp tục mở rộng các phương thức hướng dẫn nữ sinh, vận động phụ nữ thường xuyên sử dụng trang phục áo dài trong các sinh hoạt xã hội, Thừa Thiên Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế. Đồng thời, đa dạng hóa quảng bá về áo dài để xây dựng hình ảnh Huế là chiếc nôi của áo dài Việt Nam, là Kinh đô Áo dài của Việt Nam, đối với trong tỉnh, trong nước và du khách nước ngoài.
Để Huế thật sự trở thành Kinh đô Áo dài, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, cần làm rất nhiều việc, trước mắt phải làm cho mọi người thấy những giá trị của chiếc áo dài không phải chỉ là trang phục của phụ nữ, mà còn có áo dài nam. Ngoài ra, tập trung xây dựng thương hiệu áo dài Huế gắn với các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của xứ Huế.
Huế là nơi có điều kiện để hình thành phố kinh doanh áo dài, vì vậy cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh áo dài Huế. Có thể mở rộng sản xuất áo dài may sẵn, không chỉ áo dài nữ mà còn có cả áo dài nam, áo dài xưa, áo Nhật Bình… Như vậy, áo dài Huế sẽ rất phong phú và du khách khi đến Huế đều cảm nhận được đây là xứ sở của áo dài.
Áo dài miền nào cũng có nhưng áo dài Huế mang nét riêng được làm nên bởi những người thợ tỉ mẩn. Để giữ gìn đặc trưng áo dài Huế bền vững, bên cạnh may áo dài thông thường, cần khuyến khích người thợ may áo theo phương pháp thủ công, trau chuốt từng đường luông, mũi chỉ. Nhà thiết kế Viết Bảo cho rằng: “Áo dài Huế chưa thực sự nâng tầm vì chỉ mới dừng lại ở đường may đẹp, đường cắt khéo, chưa đưa được những nét đặc trưng của vùng đất Cố đô vào trong tà áo. Để thương hiệu áo dài Huế phát triển trong bối cảnh đương đại, ngoài việc phát huy thế mạnh về kỹ thuật may đẹp, cần liên kết các nhà sản xuất vải để đưa các mẫu mã, hoa văn dựa trên nghệ thuật cung đình, mỹ thuật Huế, lấy cảm hứng từ văn hóa Cố đô lên tà áo dài”.
Bài: Minh Hiền - Ảnh: Sở VHTT