Do sự công phu, tỉ mỉ của các công đoạn nhuộm màu cho sợi dệt mà ít phụ nữ Bahnar biết và thực hành kỹ thuật này. Tìm hiểu kỹ thuật nhuộm cổ truyền của người Bahnar ở Đông Trường Sơn là hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa và sự sáng tạo độc đáo của cư dân nơi đây.
Gió sớm mang theo hương cây lá núi rừng Trường Sơn đưa tới. Trên đường ra rẫy, nữ nghệ nhân Đinh Thị Lăm (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chỉ vào một bụi cây xanh tốt, cao gần bằng đầu người và giới thiệu: “Đây là cây trum dùng để nhuộm màu đen cho sợi. Hồi trước, cây mọc trong rừng nhưng mình lấy hạt đem về vườn trồng. Mình giữ giống để lấy nguyên liệu nhuộm màu. Thổ cẩm của người Bahnar có màu đen là chủ đạo nên không thể thiếu loại cây này”. Từ bao loài cây hoang dại mọc trên những dải núi trùng điệp, người Bahnar đã kết hợp để nhuộm màu cho trang phục, tô sắc cho chính đời sống văn hóa vô cùng phong phú của họ. Tới thế hệ mình, nghệ nhân Đinh Thị Lăm đưa cây dại về trồng trong rẫy để làm nguyên liệu nhuộm màu thổ cẩm, bảo tồn kỹ thuật nhuộm cổ truyền của dân tộc.
Những tri thức cổ truyền của nghề dệt như trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu, dệt vải được nữ nghệ nhân Đinh Thị Lăm (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) gìn giữ, sáng tạo qua bao thử thách thời gian. Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo nữ nghệ nhân, nhuộm màu đen phức tạp và nhiều công đoạn nhất. Lá trum được ngâm trong chum đất (còn gọi là puội) trong 2 ngày. Sáng sớm dùng tay vắt lấy nước, bỏ vào nồi đất xoay vòng tròn từ trên xuống cho nước nổi bọt, tiếp tục bỏ vỏ ốc đốt thành tro vào nồi xoay vòng tròn cho đến khi nước chuyển sang màu đen đậm. Sau đó lần lượt cho thêm hột cây thầu dầu (hơ rên) bóp nát và tro của cây lơ pũi vào xoay tròn. Chờ nước trum lắng xuống, đổ phần nước trong chỉ lấy phần đen đục dưới đáy để ngâm sợi trong 3 ngày, lấy ra vắt phơi khô rồi lại tiếp tục ngâm cho đến khi sợi chỉ hoàn toàn chuyển thành màu đen.
“Còn nhuộm màu đỏ thì mình dùng rễ cây nhau hoặc vỏ cây tơ nung. Màu vàng mình dùng cây sơ ring, sơ rông hoặc rễ cây kơ tơ rơ. Đây đều là các loại cây rừng, chỉ những người có kinh nghiệm mới nhận biết được, lấy về kết hợp tạo ra các màu sắc khác nhau của thổ cẩm. Một số cây mình đã đưa từ rừng về trồng ở rẫy nhà”-bà Lăm chia sẻ. Nghệ nhân cho biết thêm, sau khi đã nhuộm màu còn cần thêm một công đoạn là nấu gao (một dạng hồ) để làm cứng sợi chỉ giúp sợi bền, không bị đứt. Tuy nhiên, công đoạn nhuộm màu là hành trình công phu, vất vả và nhiều khó khăn nhất của nghề dệt.
Theo bà Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng, phụ nữ Bahnar ở địa phương bảo tồn khá tốt nghề dệt, nhưng họ thường mua sợi len bán sẵn để giảm bớt công đoạn trồng bông, xe sợi, nhuộm màu. Vì vậy, không mấy người còn biết đến kỹ thuật nhuộm cổ truyền. “Cả xã hiện chỉ còn 2 nữ nghệ nhân biết kỹ thuật nhuộm cổ truyền. Họ rất muốn trao truyền nhưng ít người quan tâm, muốn học. Ngay cả con gái của 2 nữ nghệ nhân cũng chỉ biết dệt thổ cẩm chứ không nắm được kỹ thuật nhuộm màu cho sợi vải. Đây là những tri thức rất quý nhưng có nguy cơ mất đi vĩnh viễn”-bà Ngọc cho biết.
Thổ cẩm của người Bahnar có màu đen là chủ đạo. Ảnh: Hoàng Ngọc
Từ hàng chục năm trước, trong các chuyến điền dã phục vụ nghiên cứu văn hóa-lịch sử của các dân tộc bản địa, TS. Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã nhìn thấy thực tế này. Bà cho biết, ở vùng Đông Trường Sơn, số người còn giữ kỹ thuật nhuộm cổ truyền khi đó đã vô cùng thưa vắng. Đến nay, con số này lại càng giảm, đặt ra không ít khó khăn trong công tác bảo tồn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân chia sẻ: “Tác động của ánh sáng, khí hậu làm cho thổ cẩm làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên không giữ được độ bền, màu sắc vốn có. Nhưng càng phát triển, người ta càng coi trọng bản sắc văn hóa. Do đó, cần bảo tồn nghề truyền thống theo xu hướng của “làng nghề sống” để khai thác giá trị văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch. Du khách đến làng sẽ được trải nghiệm các công đoạn từ trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, dệt vải… Tận mắt chứng kiến sự công phu, tỉ mỉ, sáng tạo, độc đáo, du khách sẽ không ngần ngại rút hầu bao để sở hữu sản phẩm mang tính văn hóa như vậy. Kết hợp để làm phong phú thêm cho tour du lịch cộng đồng thì nghề truyền thống mới có thể được bảo tồn, trao truyền vì phục vụ cho lợi ích cộng đồng”.
Hoàng Ngọc