Chợ trung tâm huyện Văn Bàn nằm ngay thị trấn Khánh Yên. Tuy nhiên, khác với vẻ hiện đại của chợ thường gặp ở các trung tâm phố huyện khác, khu chợ này mang đậm vẻ dân dã, thôn quê. Cũng bởi lẽ đó mà mỗi lần có việc về với “Quê hương nghĩa tình”, tôi lại ghé qua chợ như để tìm chút duyên lâu ngày không gặp.
Chợ nằm ngay khu vực ngã 3, đầu thị trấn nên khách phương xa không quá khó để tìm đến. Hai cổng chợ được bố trí quay về 2 hướng khác nhau, phù hợp với nhu cầu đi lại của khách hàng.
Với những nét duyên riêng có, khu chợ quê của Chợ trung tâm huyện Văn Bàn luôn được mọi người tìm đến.
Vào chợ, dù đi từ hướng nào, du khách cũng sẽ gặp những gian hàng bán đồ khô, đồ tươi sống, đồ gia dụng, hàng may mặc như ở các chợ trung tâm khác. Nhưng đi quá một chút, vòng ra lối sau chợ là không gian chợ quê ngập tràn. Trên khu đất rộng vài trăm m2 được láng xi măng sạch sẽ, mỗi gian hàng rộng lắm cũng chỉ tầm 2 m2. Không quá cầu kỳ, có gian hàng dùng áo mưa trải rộng để bày hàng hóa, có gian dùng chiếc chõng tre, có gian chỉ sử dụng những chiếc thúng, chiếc mẹt nho nhỏ.
Người bán hàng cũng rất đặc biệt, không phải là những tiểu thương chuyên buôn bán, mà là phụ nữ Tày ở các xã lân cận mang sản vật của địa phương ra bán. Vậy nên, đến khu chợ này, người phương xa còn được đắm mình trong không gian văn hóa Tày. Các bà, các chị mặc trang phục Tày đi chợ, nói chuyện, trao đổi với nhau bằng tiếng Tày. Rồi cả những vật dụng chứa đồ đem bán cũng là sản phẩm do đồng bào Tày làm ra như thúng, đôi quang gánh, chiếc rọ bắt cá…
Chủ yếu làm nghề nông, bán hàng chỉ là nghề tay trái nên đa số chị em chỉ đi chợ vào lúc nông nhàn để có thêm chút thu nhập. Vừa tháo quang gánh ra khỏi đôi thúng, chị Vi Thị Thêu ở thôn Làng An, xã Làng Giàng vừa cười tươi mời khách mua hàng. Chị cho biết: Vì còn bận làm nông nên chỉ khi nào rảnh rang mình mới đi chợ. Hàng đem bán đều là đồ của nhà làm ra, dùng không hết thì đem bán để có thêm đồng ra đồng vào.
Sạp hàng nhỏ xinh bày bán nông sản địa phương.
Dạo quanh một vòng khu chợ quê, chúng tôi thấy các mặt hàng bày bán ở đây đều là “cây nhà lá vườn”. Đó là mớ rau xanh trồng ở góc vườn, con gà nuôi trên đồi, nắm rau rừng hái trên nương, con cua đá, con cá, con ếch bắt ở mương ruộng… Các sản phẩm được nuôi, trồng theo hướng dân dã, tự nhiên, không mỡ màng như sản phẩm được sản xuất theo hướng thâm canh, nhưng về chất lượng thì đảm bảo. Thế nên, khi bán hàng cho khách phương xa, phụ nữ người Tày thường đon đả mời chào: Đây là đồ sạch, không dùng thuốc, người già, mẹ bầu, trẻ nhỏ ăn thoải mái...
Lời mời chào thân tình cùng những sản phẩm tươi ngon khiến sạp hàng của phụ nữ Tày ở góc “chợ quê” nơi phố huyện luôn đắt khách. Ai ghé thăm nơi này cũng chọn cho mình những thức quà quê để về chế biến bữa ăn cho gia đình. Bán hàng cho khách, các bà, các chị còn tỉ mỉ dặn dò khách cách chế biến các món ăn sao cho chuẩn vị và ngon nhất. Bà Hoàng Thị Chương ở thôn Sân Bay, xã Khánh Yên Thượng cẩn thận lấy lạt xâu từng chiếc măng nhỏ cho khách, không quên dặn dò: Măng nứa mới hái và luộc luôn nên rất tươi. Để ngon nhất, bác về nấu với canh xương hoặc nước canh vịt. Còn nếu làm món xào, bác nhớ cho chút lá mùi tàu cho dậy mùi nhé!
Là những thực khách khó tính và thông minh, ai cũng biết sản phẩm chất lượng đâu chỉ nằm ở lời mời chào, còn phải kiểm chứng qua nhiều lần sử dụng. Vậy nên không chỉ tôi, mà nhiều người khi đến Văn Bàn thường vòng qua lối rẽ sau chợ để về với không gian quê, không chỉ chọn mua những thức đồ dân dã, mà còn để đắm mình trong một phần văn hóa dân tộc Tày.
Tô Dung