Lai Châu: Giữ gìn nét văn hóa của người Si La

Cập nhật: 14/09/2021
Dân tộc Si La sinh sống tại huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), là một trong những dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những năm qua, thực hiện chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lai Châu đã có nhiều chủ trương, biện pháp bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Si La.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Tè có gần 130 hộ với hơn 550 nhân khẩu người dân tộc Si La sinh sống tập trung ở các bản Seo Hai, Sì Thâu Chải của xã Kan Hồ. Người Si La không có chữ viết riêng nên việc lưu truyền kho tàng văn học dân gian của dân tộc chủ yếu là truyền miệng qua các thế hệ. Để giữ gìn nét văn hóa của người Si La, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Kan Hồ tổ chức phục dựng những nghi lễ truyền thống của người Si La như lễ mừng cơm mới, lễ cúng bản... đồng thời sử dụng chữ phổ thông, các thiết bị nghe nhìn để ghi lại những bài dân ca, điệu múa của người Si La.

Nghệ nhân Hù Cố Xuân (giữa) truyền dạy cho thế hệ trẻ những điệu dân ca của người Si La (ảnh chụp trước tháng 4-2021).

Nhờ đó đến nay, người Si La vẫn còn lưu giữ được nét đẹp trong trang phục và những nghi lễ truyền thống, ca dao, tục ngữ, lời ca, điệu múa của dân tộc mình. Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Chà Lối, Chủ tịch UBND xã Kan Hồ cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã Kan Hồ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn khôi phục lễ hội của người Si La, nhờ đó, người Si La đã nâng cao ý thức gìn giữ các nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung phục hồi và bảo tồn những điệu múa, những bài dân ca của dân tộc Si La bằng việc duy trì tập luyện tại các đội văn nghệ của xã. Đặc biệt, tại các bản Seo Hai, Sì Thâu Chải đều có các đội văn nghệ thường xuyên tập luyện những điệu múa, những bài dân ca truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân dân gian và cán bộ văn hóa xã”. Nghệ nhân Hù Cố Xuân chia sẻ: “Những nghi lễ, các bài dân ca, điệu múa của người Si La chúng tôi được đúc kết và sáng tác trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, trải qua sự phát triển lâu dài đã thành nét văn hóa độc đáo. Với trách nhiệm là nghệ nhân dân gian của người Si La, tôi đã tập trung nghiên cứu về văn hóa dân tộc mình và phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham gia các dự án phục dựng, duy trì, bảo tồn những nghi lễ truyền thống, lời ca, điệu múa của dân tộc Si La”.

Với những chính sách phù hợp, nét văn hóa truyền thống, độc đáo của người Si La đã và đang được bảo tồn, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Trường Đoài

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân