Dưới chân núi Khau Rịa cao sừng sững, nơi bản Rịa xã Nghĩa Đô huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, từ lâu đồng bào Tày nơi đây biết đến nghệ nhân dân gian ưu tú Ma Thanh Sợi, người đang ngày đêm sưu tầm, ghi chép và truyền lại kho tàng văn hóa dân gian của vùng đất Nghĩa Đô, Bảo Yên nói riêng và Lào Cai nói chung.
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi sinh năm 1944, dân tộc Tày, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Đô, được nuôi dưỡng từ trong lòng bản Tày giàu giá trị văn hóa cổ truyền. Là người bản địa, nghệ nhân Ma Thanh Sợi am hiểu sâu sắc nguồn cội, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán của đồng bào Tày Nghĩa Đô. Ông luôn khẳng định Nghĩa Đô là vùng đất cổ, là nơi có kho trầm tích văn hóa dân gian vô cùng giàu có và phong phú, hiếm vùng đất nào có được, những nét văn hóa Tày Nghĩa Đô rất độc đáo, không lẫn, không lai căng với văn hóa, phong tục của những vùng đất khác. Vì vậy, ngay cả khi ông còn là cán bộ địa phương cho đến khi nghỉ hưu, khi bước vào tuổi thất thập, với niềm đam mê và ý thức trách nhiệm của một “cây cao bóng cả” trong bản Tày, ngày ngày nghệ nhân Ma Thanh Sợi vẫn dành những khoảng thời gian thích hợp để sưu tầm, ghi chép và truyền lại những thể loại của văn hóa Tày.
Công việc sưu tầm, biên soạn văn hóa Tày của nghệ nhân Ma Thanh Sợi được bắt đầu từ những năm 50, như mưa dầm thấm lâu, công tác sưu tầm được ông Sợi bền bỉ và tiến hành thường xuyên vào những năm ông về nghỉ hưu tại quê hương. Một điều đặc biệt là tuổi càng cao, nghệ nhân Ma Thanh Sợi càng đam mê, càng trăn trở và càng ý thức được trách nhiệm của mình với vốn văn hóa Tày của quê hương mình.
Quá trình sưu tâm văn hóa dân gian Tày Nghĩa Đô được thực hiện trong điều kiện tư liệu vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, tuy kho tàng văn hóa dân gian Tày Nghĩa Đô đa dạng về thể loại, đặc sắc về diễn xướng và giàu giá trị nhân văn nhưng đại đa số các thể loại chưa được biên soạn, ghi chép và in thành sách. Các tư liệu chỉ tồn tại trong trí nhớ người nhà, thầy cúng, nghệ nhân, trên họa tiết, hoa văn thổ cẩm, trong lễ hội, trò chơi, cưới hỏi, tang ma... Việc trước mắt là phải sưu tầm, ghi lại thành lời văn để nhớ và truyền lại. Vì thế, bất kể ngày mưa hay nắng, cả vào lúc đêm tối, ông Sợi một mình lặn lội đến các bản Tày Nghĩa Đô, các xã lân cận như Vĩnh Yên, Xuân Hòa để tìm gặp những người cao tuổi, nghệ nhân, thầy cúng để hỏi và ghi chép thành tư liệu.
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi (người đứng) trò chuyện với bà con về văn hóa dân gian (Ảnh: Ngọc Thanh)
Những ngày đầu, không ai biết công việc của nghệ nhân Ma Thanh Sợi nhằm mục đích gì, không ai biết ông từng đến bao nhiêu bản Tày, gặp bao nhiêu nghệ nhân và ghi chép bao nhiêu trang giấy. Chỉ biết rằng, sau nhiều năm miệt mài, cần mẫn, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã dày công sưu tầm, ghi chép có hệ thống, phân loại và tập hợp các thể loại của văn hóa dân gian Tày vùng Nghĩa Đô.
Với trên 2.000 trang viết tay và các đầu sách đã xuất bản, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã sưu tầm, tập hợp được những tư liệu vô cùng quý giá về văn hóa dân gian Tày Nghĩa Đô. Không ở đâu xa, đó là những nét văn hóa hiện hữu ngay trong chính cuộc sống của đồng bào Tày nơi đây. Có nét văn hóa đã thuộc về quá khứ, chỉ tồn tại trong ký ức người già, có những nét văn hóa thể hiện sinh động trong đời sống văn hóa tinh thần. Kho tư liệu bao gồm các phong tục, tập quán gắn với những triết lý nhân sinh của con người; văn học dân gian (tục ngữ, câu đố, truyện cổ, hát yếu, hát khắp, hát then...), văn hóa ẩm thực (các món ăn truyền thống), các tập quán cổ truyền của người Tày như làm nhà sàn, sinh đẻ, tang ma, chữa bệnh, các lễ hội dân gian, di sản hát then, ngôn ngữ Tày, văn hóa trang phục, tập quán canh tác, nguồn gốc vùng đất với tên gọi Mường Luông gắn với nguồn gốc tên gọi các bản Tày ở Nghĩa Đô, những giai thoại trong đời sống tâm linh, di tích lịch sử đền Nghĩa Đô, phế tích thành cổ Nghị Lang, di tích đồn Nghĩa Đô.... được ghi chép tỉ mỉ, chân thực và có giá trị văn hóa, khoa học mang tính khảo cứu sâu sắc.
Nghệ nhân dân gian ưu tú Ma Thanh Sợi chia sẻ: “Chúng tôi rất lo lắng vì nếu một ngày kia thế hệ già mất đi thì sẽ mang theo cả “kho báu” của người Tày xuống lòng đất. Và thế là cháu con chẳng biết gì hết về văn hóa của mình”. Đó chính là động lực để ông hy sinh cả lợi ích riêng tư, thời gian và công việc gia đình để ngày đêm ghi chép về những gì mà Nghĩa Đô có được.
Kết quả sưu tầm, nghiên cứu của nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần đắc lực cho việc cung cấp tư liệu về văn hoá dân gian Tày cho các cơ quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai; Phòng Văn hoá huyện Bảo Yên. Đồng thời, ông sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp với các nhà trường, các nhóm nghiên cứu, trải nghiệm về văn hoá dân gian trên địa bàn huyện. Không chỉ miệt mài viết bản thảo cho lý lịch di tích lịch sử đền Nghĩa Đô, lý lịch nghi lễ cúng Then phục vụ cho công tác bảo tồn di sản, công nhận và xếp dạng di tích, ông còn dành thời gian đọc, góp ý, chỉnh sửa bản thảo các công trình sách xuất bản của huyện và tỉnh. Tính đến nay, nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi đã xuất bản 05 đầu sách nghiên cứu về văn hóa, phong tục, nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Nghĩa Đô; sưu tầm, biên soạn 50 chuyên đề chuyên sâu về văn hóa.
Anh Hoàng Đức Sy, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Đô cho biết: Trong cuộc sống đời thường, nghệ nhân Ma Thanh Sợi là người được dân bản tin cậy, là người có uy tín trong bản. Với vốn văn hóa dân gian mà ông am hiểu, sưu tầm được, ông tích cực nhận lời mời của các nhà trường mỗi khi có chương trình ngoại khóa về văn hóa dân gian địa phương để nói chuyện, truyền đạt cho thế hệ trẻ . Ông cũng có mặt tại nhà văn hóa các thôn bản để cùng trao đổi, trò chuyện với bà con dân bản về phong tục, tập quán, về nếp sống văn minh.
Ông Ma Tấn Côn (dân tộc Tày), Tổ phó Tổ Tuyên vận xã Nghĩa Đô cho biết: “Nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã dành phần lớn thời gian nghỉ hưu của mình tại quê hương để đóng góp cho công tác sưu tầm, bảo tồn, trao truyền văn hoá Tày. Tấm gương lao động miệt mài của nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã truyền cảm hứng để mỗi người dân ở các bản Tày luôn ý thức, trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình”.
Ghi nhận quá trình nghiên cứu, sưu tầm văn hoá dân gian và những đóng góp của nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp tặng nhiều danh hiệu cao quý như Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa dân gian các năm 2005, 2009, 2016; Bằng công nhận phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” năm 2009; Huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Lào Cai”. Ngày 08/3/2018, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nhờ những cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Hành trình sưu tầm kho trầm tích văn hóa dân gian Tày Nghĩa Đô của nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã in đậm dấu ấn trong đời sống của đồng bào Tày Nghĩa Đô. Ông trở thành người hát lời của núi, người giữ hồn của bản làng dưới chân núi Khau Rịa ./.
Nguyễn Thế Lượng