Tôi gặp được nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi khá muộn. Sau Tết 1991, tôi cùng một sinh viên ngành Hán Nôm về Kinh Bắc và đến Ngang Nội (Tiên Du, Bắc Ninh) tìm cụ để tầm sư học đạo.
Từ phải qua - nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, NSND Thúy Cải và vợ chồng NSƯT Lệ Ngải - con gái nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi. Ảnh: Quang Hưng
1/ Trong quá trình tìm hiểu dân ca quan họ, tôi từng được thụ giáo các bậc tiền bối trong giới sưu tầm và nghiên cứu như nhạc sĩ Nguyễn Viêm, nhạc sĩ Hồng Thao, bác Trần Linh Quý, bác Đặng Văn Lung… và cũng lọ mọ tìm đến một số làng gặp một số nghệ nhân còn lưu giữ rải rác các bài bản vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước.
Nhưng với cụ Sôi, cơ duyên là khá muộn. E vì tính dè dặt cố hữu của mình. Cũng vì lúc đó, cái dư luận câu nệ về “quan họ đài”, “quan họ đoàn”, “quan họ sân khấu” làm cho tôi ngần ngại khi tiếp xúc với các anh chị trong Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh). Bác lại là người phụ trách chuyên môn ở đó.
Sau này, tôi mới ngộ ra rằng, những dư luận đó là không đúng với một tổ chức nghệ thuật như đoàn quan họ. Thực chất, họ là một chặng vận động tự nhiên của truyền thống dân ca, vốn tuôn chảy bất tận, vào thời kỳ hiện đại mà thôi.
2/ Hôm đó đúng ngày khai hạ, mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Khi chúng tôi đến thì cụ đang lấp ló tắm bên giếng đồi. Trong khi đợi cụ, tôi nghĩ rất nhanh bốn câu thơ chữ Hán ghi lại cảnh đó mà cũng để làm cớ, là cái “mẹo” mở đầu câu chuyện khi đi điền dã dân gian:
“Khai hạ tầm nhân sĩ
Kim thời tẩm tỉnh biên
Tằng văn thanh thủy xứ
Xướng ca âm nhiên nhiên”.
(Ngày khai hạ tìm gặp nhân sĩ/Đúng lúc cụ đang tắm bên giếng/Từng nghe nói xứ này nước rất trong/Nên giọng hát người ta cũng thong dong trong trẻo).
Cụ đọc và thoáng mỉm cười. Sau đó, cụ ra sau đồi chặt một nhánh tre tươi đem vào, đập vội thành chiếc bút. Mực thì chấm vào lọ mực Cửu long trên bàn, cụ lật mặt sau tờ lịch trên tường trải ra. Tôi nhờ sinh viên viết nhanh kiểu thư pháp mấy câu trên, treo lên để mấy ông cháu ngắm nghía, bình luận vui vẻ.
Câu chuyện không dứt ra được. Đột ngột cụ nói:
- Anh viết đi. Người như anh viết được đấy. Anh viết bài cho dân hát.
- Dạ cụ. Quan họ như rừng. Cháu như chim chích lạc vô, mần răng mà viết được - Tôi tiếp lời.
- Ô, “mần răng”, “mần răng”. Trong quan họ có “mần răng” đấy. “Ai cấy, bớ mần răng đi cho người gặt”. Lặp lại mấy lần. Dân lâu ngày không hiểu từ cổ nên hát thành “màn giăng”. Chả ra nghĩa gì cả. Chắc bài “Như ruộng tư sào” này lấy từ trong Thanh ra.
- Dạ. “Bớ mần răng” trong Nghệ nhà cháu là “bớ làm sao” đó ạ. Tiếng đệm mà.
Cụ lục hòm lấy ra những tờ ghi chép những bài cụ đã viết cho đến lúc đó làm thí dụ cho thầy trò tôi. Vừa chỉ từng bài vừa hát lên. Tôi ngỡ ngàng vì một giọng cổ văn thuần thục, tự nhiên trong các lời ca. Giọng cụ ấm, tuy đã già nhưng thêu thùa tinh tế, nắn nót. Cứ tay này vỗ tay kia làm nhịp như đang dạy. Sau này, tôi chú ý thấy nhiều học trò của cụ cũng có thói quen y như vậy. Khác chúng tôi thì hay dùng búng tay để tạo nhịp.
Cụ tiếp lời:
- Cần lắm anh ạ. Bao nhiêu cũng không đủ đâu. Dân cần lắm. Ai cũng thích bài mới, bài độc, bài lạ, miễn là hay. Cứ theo làn cũ mà viết lời. Có những bài chưa có bài đối, mất bài đối. Anh cứ nhằm vào đó mà viết. Như bài “Ăn ở trong rừng” của tôi, đã ai đối đâu. Bài đó tôi lấy tích trong chèo về Lục Vân Tiên, cái cảnh Lục Vân Tiên bị nó chọc mù mắt, ăn ở trong rừng đó. “Sa chân tôi bước xuống đò/Sông sâu sào ngắn khôn dò nông sâu”. Thế thôi. Viết lời ca thì nên theo kiểu “có tích mới dịch nên trò”. Bài “Con sông Vị Thủy” của tôi cũng là như vậy. Anh viết đi, đưa tôi góp ý cho. Người như anh làm được đó. Học thêm bài bản đi rồi viết.
3/ Lời dạy của cụ làm tôi nhớ đến thời sinh viên, một nhóm chen chúc tàu chợ về Vinh dịp hè, gặp được nhạc sĩ Dân Huyền ngồi cùng, ông nói: “Văn khoa Tổng hợp à! Làm thơ đi. Cứ lục bát mà làm, đưa tôi bẻ làn điệu cho. Tôi làm ở đài phát thanh”. Ấy thế mà chúng tôi có viết được bài nào đâu dù cho tâm hồn vẫn luôn luôn treo ngược cành cây. Mỗi nghề nó có cái khó riêng của nó.
Từ đó, có dịp là tôi về thăm cụ để học hỏi thêm. Con xe máy 80 cà tàng của tôi, chạy về đến làng Ngang Nội là phải đổ đến ba lít xăng. Cứ thế mà đi bất kể đêm ngày.
Những bài học đầu tiên của tôi mà cụ Nguyễn Đức Sôi dạy cho chưa hẳn là bài bản, mà đó là niềm đam mê, là trách nhiệm trước quan họ, là kỳ vọng và niềm tin tưởng vào học trò. Đúng là bây giờ nghĩ lại, tôi mới ngấm được câu nói: Người thầy là người tạo cảm hứng, nhen nhóm những đam mê cho học trò.
Thế hệ các cụ, sáng tác không chỉ là niềm đam mê cá nhân mà là trách nhiệm và nghĩa vụ trước cách mạng, trước vận nước mà cụ thể là trước sự vận dụng dân ca vào các đề tài mà cuộc sống hiện đại đặt ra. Những bài đầu tiên cụ viết là mang tinh thần phục vụ đó. Công việc của cụ lại gắn với việc xây dựng đoàn dân ca quan họ đang ngày càng phát triển. Cụ phụ trách về chuyên môn, dạy hát cho anh chị em như là con cháu của mình, khai mở cho những tâm hồn tươi xanh hướng về truyền thống dân ca của chính quê hương mình. Chính nhu cầu bài bản cổ để xây dựng các hoạt cảnh trình diễn sân khấu - cái mà quan họ cổ truyền không có - đã thúc giục cụ viết.
Dần dần, cụ đã chuyển sang sáng tác lời cổ. Và chính ở đó, cụ có những đóng góp không ai sánh được… Với cái vốn cổ văn nho học, với kinh nghiệm của một nghệ nhân dân gian thông thạo cả tuồng, chèo và dân ca, cụ đã sáng tạo nên những tác phẩm “cổ trang” nhuần nhị, tinh tế từ cảm hứng, ngôn từ và khúc thức. Điều mà không phải ai cũng đủ tích lũy vốn cổ cho mình trong hoàn cảnh đó. Đặc biệt, cụ bỏ công vào chặng Giã bạn, chặng hát thiết tha nhất trong dân ca quan họ. Từ những bài còn sót lại, cụ đã nhân thêm nhiều bài khác mà hiện nay, nghiễm nhiên đã trở thành dân gian dân dã ở bất cứ làng nào (“Réo rắt chim oanh” đối lại bài cổ “Thân lươn bao quản lấm đầu”, “Bóng xế non đoài” đối lại bài cổ “Con nhện giăng mùng”, “Sao nỡ dứt tình” đối lại bài cổ “Kẻ bắc người nam”, “Ngăn cầu ô thước” đối lại bài cổ “Chia rẽ đôi nơi”…). Chưa đủ, cụ còn viết bài mới cả làn điệu và lời ca như “Nhớ mãi khôn nguôi” mà nay đã trở thành di sản chung của quan họ…
4/ Năm 1991, tôi và NSƯT Vũ Tự Lẫm lại lọ mọ đi thăm nhạc sĩ Hồng Thao nhà đang ở Suối Hoa. Trong câu chuyện, nhạc sĩ nói đại ý:
- Chúng tôi không dùng khái niệm “quan họ gốc” anh ạ. Biết đâu là “gốc”. Chúng tôi sử dụng khái niệm “quan họ cổ” để chỉ tất cả những bài bản được các cụ hát từ trước 1945. Thêm vào đó, là những bài như của cụ Nguyễn Đức Sôi sáng tác hoàn toàn theo phong cách cổ, được nhân dân lưu truyền. Cụ Sôi là người của truyền thống sáng tạo cổ xưa sót lại cho đến ngày nay. Cụ là dân gian và cụ là cổ truyền. Quan họ nào cũng chắp nối, bện vào nhau qua thời gian. Nó không đứt đoạn như một nhát cắt dứt khoát.
Ngẫm về những sáng tác của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, chúng ta có thể so sánh với những sáng tạo của nhiều nghệ nhân hiện đại khác trong dân ca. Tác phẩm của họ là những giá trị đáng trân trọng, là sự giữ gìn bản sắc một cách trực tiếp nhất cho văn hóa dân tộc. Cần được khẳng định công lao của họ và cần phát huy nó trong cuộc sống. Nghệ nhân tất cả các di sản dân ca nhiều vùng, họ đang cần thiết biết bao nhiêu những sáng tác như vậy.
Những gì tôi học được ở cụ Nguyễn Đức Sôi còn lắm những mẹo mực khác, nhưng cuối cùng cái đọng lại nhất chính là chữ tâm, là niềm đam mê và sự cống hiến vô tư cho bản sắc giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.
Chi hội âm nhạc - Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp gia đình cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi (1912 - 1997), chuẩn bị xuất bản tập sách về các bài quan họ do cụ Sôi sáng tác, viết lời, đã đi vào đời sống dân gian. Cùng với đó là những nhận định sơ bộ về đóng góp đặc sắc của cụ cho sự phát triển dân ca quan họ.
Nguyễn Hùng Vĩ