Du lịch sinh thái Mũi Cà Mau là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của con người và vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc. Tuy nhiên, trong gần 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát đã làm cho ngành du lịch nói chung, những người làm du lịch Mũi Cà Mau nói riêng, bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Để duy trì và phát triển du lịch hậu Covid-19, ngành du lịch Cà Mau đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng thời cùng các doanh nghiệp du lịch Ðất Mũi đưa ra các phương án, sẵn sàng mở tour, tuyến đón khách tham quan khi hết dịch.
Từ ý tưởng mang tính khả thi
Khu du lịch Hoàng Hôn, là một trong những điểm làm du lịch sinh thái cộng đồng Mũi Cà Mau tiên phong mở tour, tuyến tham quan, trải nghiệm thực địa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Loại hình này đã thu hút một lượng khách trong và ngoài nước tham quan, góp phần cùng với ngành du lịch Cà Mau đưa địa danh Ðất Mũi đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Ðể du lịch Ðất Mũi trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh du lịch tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, nhiều hộ làm du lịch cộng đồng ở Ðất Mũi đưa ra các phương án khả thi, đầy triển vọng. Trong đó, phương án “Dịch vụ du lịch khai thác tuyến xuyên rừng, ven Mũi Cà Mau” của Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ du lịch Hoàng Hôn rất hấp dẫn.
Theo ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Công ty Hoàng Hôn, Mũi Cà Mau có cảnh quan thiên nhiên rất độc đáo, nét đẹp còn mang tính hoang sơ, ẩn chứa nhiều điều cần khám phá mà mỗi người dân Việt Nam ai cũng mơ ước một lần được đặt chân đến tham quan. Tuyến điểm du lịch xuyên rừng và trải nghiệm bãi cát, bãi nghêu ven Mũi Cà Mau nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta) có vị trí địa lý 3 mặt giáp biển, hệ sinh thái đất ngập nước, có vùng bãi bồi rộng lớn, hàng năm lấn biển ra hàng chục mét. Trên những tuyến này có nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao như: nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao; nuôi ốc len; nuôi cá mú, cá chẽm, nghêu, sò huyết, hàu; mô hình sản xuất đạt 50-100 triệu đồng/ha/năm... sẽ rất thuận lợi mở tour, tuyến du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, bãi bồi Ðất Mũi là điểm dừng chân lý tưởng để du khách có thể ngắm những đàn chim di trú về đây săn mồi; hình ảnh chuyển động của thế giới sinh vật trên bãi bồi, bởi nơi đây là bãi đẻ của nhiều loài thuỷ sản đặc trưng Ðất Mũi.
Mở rộng tuyến xuyên rừng, ven biển
Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Lê Văn Dũng cho biết: "Có 4 tuyến tham quan nơi đây. Tuyến ngắn nhất 20 km, tuyến dài nhất 55 km (lượt đi và về), gồm: tuyến tham quan rừng ngập mặn - bãi bồi; tuyến tham quan khám phá Giếng Trời - rừng nguyên sinh; tuyến tham quan diễn thể rừng tự nhiên - cồn Ông Trang; tuyến tham quan bãi bồi ven biển Ðông - rừng ngập mặn - bãi bồi ven biển Tây. Tuy nhiên, phương án khai thác chỉ thí điểm 1 trong 4 tuyến bước đầu mang lại hiệu quả, đó là tuyến tham quan rừng ngập mặn - bãi bồi. Ðây là tuyến xuyên rừng đầu tiên được giao cho các nhà khai thác du lịch Mũi Cà Mau tổ chức đưa đón khách".
Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao.
Hiện nay, để khám phá, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch Mũi Cà Mau về các tuyến xuyên rừng, tuyến bãi bồi, tuyến ven biển Ðông từ Mũi đến bãi Khai Long…, UBND huyện Ngọc Hiển đã có Tờ trình số 75/TTr-UBND xin chủ trương mở tuyến xuyên rừng huyện Ngọc Hiển từ Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Viên An) - Cồn Cát - Ðất Mũi có chiều dài 21 km, phương tiện tham quan bằng vỏ máy xe, ca-nô. Vấn đề này được Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 3747-UBND-KGVX, thống nhất cho huyện Ngọc Hiển phối hợp với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thực hiện các thủ tục có liên quan việc mở tuyến xuyên rừng để UBND tỉnh xem xét quyết định. Ðây là một tín hiệu tích cực cho những người làm du lịch Mũi Cà Mau.
Bên cạnh sự quan tâm của các ngành chức năng thì các nhà làm du lịch Ðất Mũi đã đưa ra nhiều phương án, nếu được quy hoạch và đưa vào khai thác sẽ làm phong phú thêm sự lựa chọn của du khách. Trong đó, du lịch Hoàng Hôn có phương án khai thác những tuyến tham quan rất khả thi và hấp dẫn, như: Bến tàu chợ Ðất Mũi - sông Lạch Vàm - khu nuôi hàu - điểm dừng chân (kênh Tám Thương) - kênh Ba Màng - điểm dừng chân Bãi Bồi - Mũi (theo đường ven biển); tuyến Bến tàu chợ Ðất Mũi - cửa Vàm Xoáy - tuyến giáp ranh biển Vườn Quốc gia - Hòn Khoai - cửa Vàm Xoáy; tuyến Bến tàu chợ Ðất Mũi - cửa Vàm Xoáy - khu bãi nghêu ven biển Ðông - Mũi (tuyến biển) - sông Mũi - bến tàu làng nghề - Công ty du lịch Hoàng Hôn. Phương tiện chuyên dụng cho chuyên chở khách du lịch bằng đường thuỷ, mỗi chuyến đi đảm bảo chở an toàn từ 15-20 người.
Ðây là những tuyến tham quan, trải nghiệm hoàn toàn mới, lạ đối với du khách. Tuyến này sẽ đi qua khu rừng ngập mặn Vườn Quốc gia dọc tuyến rạch Ba Màng đến điểm dừng chân ngắm bãi bồi rộng lớn và chiêm ngưỡng những đàn chim trời từ phương xa bay đến tìm mồi; tìm hiểu cuộc sống, nét sinh hoạt đặc trưng của người dân Ðất Mũi “trên bến dưới thuyền” dọc theo các tuyến kênh, rạch ven rừng ngập mặn, gắn với những ngôi nhà không cửa.
Tuyến tham quan khu làng nghề khai thác, chế biến thuỷ sản và hậu cần nghề cá như: nghề lưới hàng cạn, hàng khơi; trải nghiệm nghề nuôi, khai thác nghêu trên bãi cát Khai Long và đặc biệt là trải nghiệm cồn cát tại ấp Mũi dài hơn 1 km, rộng tương đương một sân bóng đá. Cồn cát này mới hình thành do phù sa bồi đắp và lắng tụ trong thời gian gần chục năm, có vị trí rất đẹp nằm giữa Khu du lịch Ðất Mũi hướng ra Hòn Khoai.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng khẳng định: “Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện nay, khu du lịch này đã hoàn thành các công trình trọng điểm như: Cột cờ Hà Nội tại Ðất Mũi, Tượng Mẹ, Ðền thờ Lạc Long Quân, bờ kè, điểm cuối đường Hồ Chí Minh, điểm du lịch cộng đồng… Ngành du lịch Cà Mau cũng đã hoàn thành khu nhà trưng bày hàng lưu niệm, di dời tiểu cảnh con tàu và nhiều dự án khác”.
Trong thời điểm dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, du lịch Ðất Mũi chưa ấn định được thời gian mở cửa đón khách trở lại. Tuy nhiên, việc các nhà làm du lịch sinh thái cộng đồng Ðất Mũi đã chủ động tính đến phương án dịch vụ đầu tư khai thác các tuyến mới tham quan Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sau dịch, là một tín hiệu tích cực, khả quan, tạo cho du khách có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc tham quan, trải nghiệm du lịch Ðất Mũi. Ðồng thời, phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống văn hoá cũng như các di sản thiên nhiên mà UNESCO đã công nhận. Qua đó, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái vùng đất ngập nước cũng như tạo sinh kế cho người dân địa phương ngày một phát triển tương xứng với Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau./.
Huỳnh Lâm