Du lịch văn hóa - tâm linh là một trong những loại hình đã và đang được tỉnh Bắc Giang quan tâm khai thác phát triển. Qua đó quảng bá, thu hút khách tham quan, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Khai thác tiềm năng
Bắc Giang là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử với hàng trăm di tích có giá trị được xếp hạng cùng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp. Đây là lợi thế để tỉnh khai thác, phát triển du lịch văn hóa - tâm linh.
Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử là điểm đến hấp dẫn du khách.
Những năm gần đây, khách đến thăm các chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) và một số điểm du lịch tâm linh như: Suối Mỡ, đền Thần Nông (Lục Nam), chùa Am Vãi (Lục Ngạn) ngày một đông. Ngoài chiêm bái, lễ, ngắm cảnh, không ít đoàn chuyên gia trong nước, quốc tế đến những nơi này nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích.
Đáng chú ý, dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) tuy mới hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục chính như: Khu hoàng thành, hệ thống cáp treo, chùa Hạ, chùa Thượng… song được nhiều du khách đến vãn cảnh, lễ bái, nhất là dịp đầu năm và các tháng hè. "Nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi năm khu du lịch này đón hàng vạn khách đến tham quan", bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử nói.
Khu di tích Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang). Ảnh tư liệu.
Cùng với tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, xếp hạng các di tích, khôi phục lễ hội truyền thống, việc xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch ở nhiều địa phương được đầu tư bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 44, ngày 30/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020.
Có thể kể đến một số dự án đã được xây dựng, hoàn thành như: Đường vành đai IV nối cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn qua các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa tạo tuyến giao thông thuận tiện đến chùa Bổ Đà (Việt Yên); đường tỉnh 293 kéo dài, đoạn Thanh Sơn - Hạ Mi giao với quốc lộ 279 (Sơn Động) kết nối tỉnh Quảng Ninh với Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử...
Mặc dù đạt được nhiều kết quả song việc khai thác, phát huy giá trị loại hình du lịch văn hóa - tâm linh trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch còn thiếu tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn du khách.
Lượng khách tham quan chủ yếu vào lễ hội đầu xuân, các tháng còn lại thưa vắng. Hoạt động lưu trú, chi tiêu, mua sắm của du khách còn hạn chế dẫn đến doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch ở mức thấp. Cơ sở vật chất như: Bãi đỗ xe, hệ thống nhà vệ sinh; khu đón, tiếp khách; nơi dừng chân, nghỉ ngơi, ăn, uống quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng
Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, tháng 6/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 112 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, năm 2025, tỉnh đặt ra chỉ tiêu đón khoảng 3 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của Kế hoạch đó là đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng Đề án hình thành “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”, dự kiến chiều dài khoảng 100 km, trải qua địa bàn các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động và phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật hoàng.
Năm 2030, cơ bản hoàn thành các tiêu chí để công nhận khu du lịch cấp quốc gia, bao gồm: Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử; khu du lịch sinh thái Suối Mỡ; điểm du lịch chùa Vĩnh Nghiêm; các điểm di tích gắn với Phật giáo Trúc Lâm bên sườn Tây dãy núi Yên Tử thuộc địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng.
Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh mời chuyên gia tư vấn lập quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng lớn, trong đó có quy hoạch Khu du tâm linh, sinh thái lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; xây dựng, phát triển “Du lịch Tây Yên Tử” thành thương hiệu của tỉnh Bắc Giang.
Thực hiện Nghị quyết, tại huyện Lục Nam, theo ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, có hơn 260 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc với 85 di tích đã được các cấp xếp hạng. Phát huy lợi thế, thời gian tới, huyện kêu gọi xã hội hóa nâng cấp hệ thống đền Suối Mỡ.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu du lịch tâm linh, sinh thái, trong đó tập trung các công trình như: "Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử"; chùa Bình Long, chùa Hòn Tháp, chùa Mã Yên, chùa Đám Trì...
Tại huyện Yên Dũng, cùng với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, huyện huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư các dự án: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem, chùa Thiên Lai, đền Thanh Nhàn; các dự án đầu tư phát triển du lịch trên dãy núi Nham Biền, từ đó tạo điểm nhấn thu hút khách. Đáng chú ý, Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử cũng đang được nhà đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng tổng hòa yếu tố về tâm linh, sinh thái, văn hóa, lịch sử.
Theo ý tưởng quy hoạch, nơi đây sẽ có các công trình: Bảo tàng 6D Phật hoàng Trần Nhân Tông với công nghệ hiện đại tái hiện không gian Phật giáo thời Trần cũng như cả chiều dài phát triển của Phật giáo Việt Nam; khu giảng đạo pháp; khu tu tập thiền cho du khách…
Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Trên cơ sở các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, Sở sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch; xây dựng tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh; các điểm giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tại khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng… Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang, thu hút khách du lịch, thúc đẩy KT-XH ngày một phát triển".
Bài, ảnh: Công Doanh