(TITC) – Ngày 24/9/2021, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức hội thảo trực tuyến “Những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch tăng trưởng xanh vùng Bắc Trung Bộ”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ, do Bộ VHTTDL giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện.
Mục tiêu của đề tài nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể là xác định được các nhân tố quyết định đến tăng trưởng xanh và xây dựng mô hình phát triển du lịch tăng trưởng xanh và bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh để áp dụng cho vùng Bắc Trung Bộ.
Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), một số đơn vị của Tổng cục Du lịch, đại diện các Sở Du lịch, Sở VHTTDL khu vực Bắc Trung Bộ cùng một số địa phương khác; giảng viên và các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học, cao đẳng; đại diện một số vườn quốc gia và những chuyên gia trong lĩnh vực du lịch.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe nhóm nghiên cứu báo cáo các chuyên đề và thảo luận về việc: Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh vào lĩnh vực du lịch – một số vấn đề đặt ra; Hướng dẫn tăng trưởng xanh từ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và cộng đồng tại Vườn quốc gia Ba Bể và vùng lân cận; Vai trò của cộng đồng và gợi ý mô hình phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tăng trưởng xanh cho vùng Bắc Trung Bộ.
Mô hình phát triển du lịch tăng trưởng xanh được nghiên cứu sẽ áp dụng cho các khu, điểm du lịch trong vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong đó tập trung vào 3 loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng là: du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch văn hóa - lịch sử.
Theo nhóm nghiên cứu đề tài cho biết, qua nghiên cứu số liệu từ năm 2012-2019 cho thấy khu vực Bắc Trung Bộ chịu tác động của diễn biến thời tiết bất thường, thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu, cùng với sự tác động tiêu cực từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng áp lực về dân số đã ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh du lịch.
Năm 2016, thảm họa do xả thải từ khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề về kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ. Mức độ ảnh hưởng của sự cố này còn kéo dài nhiều năm sau, tác động tới nhiều ngành đặc biệt là du lịch.
Trong khi đó, hầu hết các tỉnh ở Bắc Trung Bộ chưa có đủ năng lực xử lý nước thải tập trung, quy mô lớn. Mặc dù các địa phương đã có đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải nhưng chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Nhiều khách sạn, nhà hàng trong vùng chưa có hệ thống xử lý nước thải tại chỗ, mà chủ yếu là xả thẳng vào nguồn nước mặt gây ô nhiễm nguồn nước của các con sông và vùng biển gần đó. Bên cạnh đó còn có sự quá tải về lượng khách du lịch trong các thời kỳ cao điểm (nghỉ hè và các ngày lễ) tại vùng biển Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa)… đã gây ra những tác động xấu đến môi trường biển ở khu vực này.
Để góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, xây dựng và áp dụng được mô hình du lịch tăng trưởng xanh phù hợp cho khu vực, nhóm chuyên gia đã nghiên cứu nhiều mô hình, trong đó có mô hình khung đo lường tăng trưởng xanh của tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và thực trạng hoạt động du lịch tại vùng Bắc Trung Bộ, nghiên cứu điển hình đối với vườn quốc gia Pù Mát. nhóm nghiên cứu nhận thấy việc áp dụng một mô hình cụ thể cho cả vùng Bắc Trung Bộ là khó khả thi bởi có sự khác biệt lớn về tổ chức bộ máy, cơ quan quản lý, cơ chế vận hành, tài nguyên du lịch, hạ tầng cơ sở trong khu vực. Do đó nhóm nghiên cứu đã đề xuất áp dụng một tập hợp gồm 3 mô hình với hệ thống chỉ tiêu tăng trưởng xanh xác định trong từng mô hình là: (1) Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn; (2) Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng cho các khu di sản, văn hóa, lịch sử và (3) Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng cho các khu du lịch biển - đảo.
Tuy nhiên để mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh có tính khả thi, được áp dụng trong thực tiễn cho các điểm du lịch trong vùng Bắc Trung Bộ, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể với các bên liên quan.
Tăng trưởng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của các nước nói chung và phát triển kinh tế Việt Nam nói riêng theo hướng bền vững. Trong bối cảnh nền kinh tế còn đang phát triển, trình độ khoa học, công nghệ thấp, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao… phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Việc thực hiện tốt vấn đề về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sẽ giúp các địa phương phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, nghiên cứu xây dựng “Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Bắc Trung Bộ”, từ đó thử nghiệm và áp dụng rộng rãi tại các khu, điểm du lịch trong cả vùng là thực sự cần thiết, giúp định hình sự phát triển du lịch các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên du lịch, góp phần khắc phục những hạn chế về nguồn lực, bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ theo đúng nguyên tắc phát triển bền vững.
Trung tâm Thông tin du lịch