Theo Công ước RAMSAR, đất ngập nước (ĐNN) bao gồm: Vùng đầm lầy; đầm lầy than bùn; những vực nước bất kể là tự nhiên hay nhân tạo; những vùng ngập nước tạm thời hay thường xuyên; những vực nước đứng hay chảy, là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, kể cả những vực nước biển có độ sâu không quá 6 m khi triều thấp.
Vùng ĐNN chỉ chiếm 0.75% lượng nước ngọt thế giới nhưng lại trực tiếp cấp nước cho các hoạt động của con người. ĐNN đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết lượng nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành, cung cấp nước uống an toàn một cách tự nhiên; giúp các đô thị, làng mạc được bảo vệ trước sự phá hủy của các cơn bão.
Vùng ĐNN có vai trò rất lớn đối con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ các bon giúp chống lại tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão, giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; bảo vệ đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật; đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân. Hiện nay, vùng ĐNN cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới; hơn 1 tỷ người và tới 40% các loài sinh vật đang sống hoặc dựa vào những vùng ĐNN.
Từ năm 1971,169 quốc gia trên thế giới đã ký kết và cam kết thực hiện hướng tới sử dụng một cách khôn ngoan tất cả các vùng đất ngập nước; Chỉ định những vùng ĐNN có giá trị cao đưa vào danh sách các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar Sites) và đảm bảo quản lý hiệu quả; Thực hiện Hợp tác quốc tế trên các vùng ĐNN xuyên biên giới, chia sẻ và bảo vệ các hệ thống đầm lầy, các loài sinh vật sống trên khu vực.
Tuy nhiên, vai trò của ĐNN hiện vẫn đang bị đánh giá thấp, hiện trạng suy thoái chưa được cải thiện. Theo Báo cáo Công ước Ramsar, 64% vùng ĐNN đã bị xuống cấp kể từ năm 1900 và sự xuống cấp vẫn tiếp tục ở mức báo động. Đây thực sự là mối quan tâm lớn bởi vì đất ngập nước rất cần thiết và quan trọng đối với cuộc sống.
Tại Việt Nam, vùng ĐNN lớn nhất là châu thổ sông Cửu Long, bao gồm hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt; những cánh đồng lúa bát ngát; rừng ngập mặn, rừng tràm; các bãi triều; ao nuôi tôm, cá… Ở miền Trung, các vùng ĐNN là những đầm phá ven biển, hồ chứa nước nhân tạo. Ở miền Bắc, ĐNN là các hồ trong hệ thống lưu vực sông Hồng, những bãi triều rộng lớn, những cánh rừng ngập mặn của châu thổ. Tổng diện tích ĐNN của Việt Nam ước tính khoảng 7 triệu đến 10 triệu ha.
Phần lớn thóc, gạo, cá, tôm và các loại lương thực, thực phẩm khác đều được sản xuất từ những vùng ĐNN, đặc biệt và từ châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam.
Ngoài vai trò sản xuất nông nghiệp và thủy sản, ĐNN còn đóng vai trò quan trọng trong thiên nhiên và môi trường như lọc nước thải; điều hoà dòng chảy (giảm lũ lụt và hạn hán), điều hoà khí hậu địa phương. Đồng thời, chống xói lở bờ biển; ổn định mức nước ngầm cho những vùng sản xuất nông nghiệp; tích luỹ nước ngầm; là nơi trú chân của nhiều loài chim di cư quý hiếm; là địa điểm giải trí, du lịch cho người dân và du khách. Về lâu dài, các vùng ĐNN của Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng của các vùng ĐNN này, ngay từ năm 1989, Việt Nam đã là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN để thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, xây dựng hành lang pháp luật về quản lý ĐNN; quy hoạch thành lập mới 45 khu bảo tồn ĐNN đến năm 2030; đề cử công nhận được 9 khu ĐNN có tầm quan trọng quốc tế.
Thu Hằng