Là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng (QTDT) Tràng An đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam. Du lịch phát triển đã mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, tạo cơ hội giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh của địa phương và đất nước... Tuy nhiên, du lịch phát triển cũng kéo theo những hệ luỵ nhất định về nhiều mặt. Thực tế này đòi hỏi phải có các biện pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững tại QTDT Tràng An, trong đó cần phát huy vai trò chủ thể di sản của cộng đồng dân cư địa phương.
Hoạt động du lịch không làm môi trường ở Tràng An bị ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Xuân Trường
Tác động của du lịch đến sự phát triển bền vững tại QTDT Tràng An
Với các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo, hoạt động du lịch tại QTDT Tràng An đã phát triển nhanh chóng qua từng năm. Giai đoạn 2010 - 2019, tỷ lệ tăng trưởng bình quân về số lượt khách đến đạt trên 2 con số. Trên cơ sở khảo sát 164 người dân địa phương sinh sống trên địa bàn 3 xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải, có thể thấy mức độ phát triển của du lịch thông qua những tác động của hoạt động này đến các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường tại Tràng An.
Giai đoạn 2010 - 2019, cùng với sự tăng trưởng của dòng khách du lịch đến Ninh Bình, doanh thu bình quân từ du lịch tăng 23,6%/năm. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế địa phương. Nhiều hộ gia đình thời kỳ trước chỉ sống bằng việc trồng trọt và chăn nuôi đã chuyển sang cung cấp các dịch vụ gắn với du lịch với nhiều nghề như: chèo thuyền, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, thuyết minh viên, nhân viên làm việc nhà hàng, khách sạn, kinh doanh lưu trú tại gia, bảo vệ... Hầu hết người dân đều khẳng định du lịch phát triển đã mang lại cơ hội việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương. Theo Ban Quản lý QTDT Tràng An, thu nhập của dân cư địa phương tại các khu, điểm du lịch tăng lên dần, bình quân đầu người khoảng 5 triệu đồng/tháng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ khoảng 15% năm 2010 xuống còn dưới 3% năm 2019. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ dân cư địa phương hài lòng với sự phát triển du lịch về khía cạnh kinh tế chiếm tới 96%.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của du lịch đã có những dấu hiệu khá rõ về phân hóa giàu nghèo khi khoảng cách thu nhập giữa các thành viên trong cộng đồng bị nới rộng. Ngoài ra, chỉ có phân nửa số người dân tham gia khảo sát cho rằng lợi ích kinh tế từ du lịch được chia sẻ hợp lý cho các thành phần tham gia.
Du lịch cũng có rất nhiều tác động tích cực về mặt văn hóa - xã hội đối với cộng đồng tại QTDT Tràng An. Tỷ lệ dân cư địa phương tham gia khảo sát hài lòng với sự phát triển du lịch gắn với khía cạnh văn hóa - xã hội là 76%. Hơn 80% người dân cho rằng, thông qua các hoạt động xã hội gắn với du lịch, cộng đồng dân cư ở khu vực QTDT Tràng An kết nối với nhau hơn. Hoạt động du lịch cũng tạo ra các cơ hội giao lưu văn hóa với khách du lịch trong nước và quốc tế, quảng bá hình ảnh Du lịch Tràng An. Nhận thức về bảo vệ di sản, kỹ năng giao tiếp ứng xử, nếp sống văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch của một bộ phận cộng đồng địa phương trên địa bàn vùng lõi của di sản được nâng cao thông qua việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Sở Du lịch, UBND huyện, Ban quản lý QTDT Tràng An tổ chức. Giai đoạn 2010 - 2019, đã có trên 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức, trong đó 2/3 số người tham gia khảo sát đã được tham gia các lớp bồi dưỡng gắn với du lịch.
Kết quả khảo cứu các xã thuộc vùng lõi di sản cho thấy, 62% người dân khẳng định trong những năm vừa qua, du lịch không làm gia tăng tỷ lệ tội phạm. Về tệ nạn xã hội ở địa phương, tệ nạn nghiện hút trước đây vốn tồn tại ở một số khu vực thuộc xã Trường Yên đã giảm đáng kể, do du lịch tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt, tình trạng ăn mày, ăn xin tại các điểm du lịch đã cơ bản được giải quyết. Tuy vậy, 61% số người tham gia khảo sát cho rằng các tệ nạn xã hội khác và an ninh trật tự, đặc biệt trong mùa lễ hội vẫn là những vấn đề còn tồn tại ở địa phương. Lối sống hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ và hành vi gian lận của một số đối tượng tham gia phục vụ du khách cũng được xem là hậu quả của quá trình phát triển. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình bán đất canh tác nhưng chưa tìm được sinh kế mới dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở một bộ phân cư dân. Ngoài ra, việc người dân sinh sống xen kẽ trong khu di sản cũng là một thách thức rất lớn đối với phát triển bền vững về khía cạnh trật tự an toàn xã hội; tình trạng vi phạm trật tự trong xây dựng và trong kinh doanh du lịch vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Theo kết quả khảo sát, có trên 61% cho rằng hoạt động du lịch không làm môi trường của Tràng An bị ô nhiễm, 50% cho rằng du lịch đã giúp người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ môi trường xung quanh. Đây là kết quả của việc lồng ghép và quán triệt các văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vào trong hương ước của các xã; các lớp tập huấn về bảo vệ di sản và môi trường cảnh quan cho cư dân, đặc biệt ở các xã vùng lõi. Kết quả đánh giá chung cho thấy, có 79% dân cư địa phương tham gia khảo sát hài lòng với sự phát triển du lịch gắn với khía cạnh môi trường.
Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh ăn uống vẫn thiếu tính chủ động, chưa chú trọng đến việc xử lý rác thải. Vào mùa lễ hội, lượng rác thải tăng lên đột biến do lượng khách đông và được gom, xử lý, đốt ngay trong vùng lõi di sản. Điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí và gây mất mỹ quan du lịch, đặc biệt ở 2 xã Trường Yên và Ninh Xuân - đều là các xã trong vùng lõi. Theo Ban Quản lý, tình trạng khai thác trái phép gỗ củi, khai thác cây cảnh, đá cảnh, săn bắt một số loài động vật hoang dã vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để... Nguồn kinh phí trích từ nguồn thu du lịch dành cho bảo vệ và tái tạo môi trường, cho việc bảo tồn các giá trị của di sản được người dân đánh giá là chưa phù hợp và cần được tính toán, cải thiện…
Nguyên nhân chính của những tồn tại nêu trên được xác định là do nhận thức về vai trò và tầm quan trọng trong bảo vệ di sản gắn với phát triển du lịch bền vững; sinh kế của một bộ phận người dân chưa đảm bảo; vai trò của chính quyền cơ sở ở một vài xã còn hạn chế; thiếu sự chủ động và quyết liệt trong việc phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong giải quyết, xử lý vi phạm, nhất là trong việc xây dựng nhà ở và cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch của người dân; công tác nghiên cứu, xác định thị trường cũng như khả năng giãn cách và phân luồng dòng khách chưa thực sự hiệu quả.
Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Trần Văn Lũy
Phát huy vai trò của người dân trong phát triển du lịch bền vững
Tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản
Các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, mô hình quản lý tại các điểm du lịch trong khu vực di sản, đặc biệt là bảo vệ cảnh quan môi trường, các điều kiện về an ninh trật tự để khu di sản thực sự mang tầm vóc của một di sản thế giới. Đảm bảo hài hòa lợi ích công - tư, doanh nghiệp và người dân địa phương, đặc biệt là người dân bởi ngay cả khi không trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, họ cũng luôn là một thành phần không thể thiếu ở điểm đến du lịch. Đồng thời, cần phân tách rõ nhiệm vụ quản lý, nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức phân công kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định trong hoạt động du lịch, trong trật tự xây dựng và kinh doanh du lịch… tại QTDT Tràng An. Các cơ quan quản lý du lịch và di sản, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm trong việc xây dựng nhà ở và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của người dân; chấm dứt tình trạng khai thác trái phép tài nguyên tự nhiên, săn bắt một số loài động vật hoang dã và các hành vi xâm phạm môi trường trong khu vực di sản.
Đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thành phần liên quan
Ban Quản lý QTDT Tràng An tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đặc biệt là cộng đồng dân cư vùng di sản trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh, cảnh quan môi trường trên các tuyến đường nội thủy, đường bộ, bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ đa dạng sinh học; đảm bảo việc thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch; hướng dẫn các hộ dân chấp hành đúng các quy định về xây dựng nhà ở, kinh doanh lưu trú. Chính quyền địa phương cần huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc hình thành chuỗi cung ứng du lịch cạnh tranh và có trách nhiệm; thúc đẩy sự tham gia của cư dân địa phương, coi đây là chìa khóa để đảm bảo tính bền vững và hấp dẫn của du lịch Tràng An đối với du khách.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực
Cần chú trọng đầu tư hơn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp; tiến hành đánh giá nhu cầu đào tạo đối với đội ngũ lao động hiện tại để có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ... gắn với các vị trí công việc cụ thể. Đồng thời, xác định nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực du lịch trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp.
Đầu tư cho nhiệm vụ nghiên cứu, quy hoạch, dự báo
Công tác nghiên cứu, quy hoạch, dự báo cho du lịch cần được đầu tư, cải thiện. Trong đó, quy hoạch phát triển nhân lực du lịch cần được thực hiện trong mối quan hệ với quy hoạch nhân lực thuộc các lĩnh vực, phù hợp với chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để tránh tình trạng quá tải dẫn đến những hệ luỵ về môi trường, việc đầu tư nghiên cứu, xác định sức chứa của từng điểm du lịch cụ thể trong khu vực di sản là hết sức cần thiết nhằm tạo ra các phương án khai thác trong khả năng phục hồi của môi trường. Cần nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái ở các khu điểm du lịch khác nhau trong khu vực di sản để vừa phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường, vừa phân luồng và giãn cách dòng khách, vừa tạo thêm sinh kế cho dân cư địa phương, góp phần bảo vệ môi trường khu di sản.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, tập huấn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn di sản với phát triển du lịch bền vững
Công tác giáo dục, tuyên truyền không chỉ dành cho lao động trực tiếp mà cần được thực hiện trên diện rộng, cho cả chính quyền, dân cư địa phương và các doanh nghiệp có liên quan nằm trong khu vực di sản để nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi tương tác với môi trường di sản, thực hành các hành động có trách nhiệm với di sản để du lịch có đủ điều kiện phát triển một cách bền vững và góp phần đưa QTDT Tràng An mãi là tài sản vô giá của nhân loại.
Cộng đồng dân cư ở quẩn thể danh thắng Tràng An kết nối với nhau hơn thông qua hoạt động du lịch. Ảnh: Văn Cả Quyết
Nguyễn Thị Thu Mai - Chung Chí Thành