Hà Giang: Gắn bảo tồn bản sắc văn hóa để phát triển

Cập nhật: 28/09/2021
Nếu có dịp du lịch cao nguyên đá Đồng Văn, bạn hãy một lần thử tìm đến Làng văn hóa cộng đồng du lịch (VHCĐDL) thôn Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) để thấy được vẻ đẹp trong cảnh sắc thiên nhiên cũng như nhịp sống hiền hòa của thôn, bản vùng cao nguyên đá nơi biên cương cực Bắc. Nhờ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, người dân nơi đây đã từng bước tiếp cận với xu hướng phát triển du lịch, mở ra hướng đi mới của thôn, bản vùng cao nguyên đá.


Đường vào làng VHCDDL thôn Lao Xa hiện nay đã được bê tông hóa, thuận tiện cho khách du lịch ghé thăm. Ảnh: Thanh Thuận

Từ thành phố Hà Giang, theo quốc lộ 4C lên thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) sẽ tới thung lũng Sủng Là. Sủng Là cách thị trấn Đồng Văn khoảng 20km. Thung lũng Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, với những ngôi nhà trình tường vững chãi lợp ngói âm dương nổi bật trên nền xám của đá tai mèo.

Sủng Là có Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm nổi tiếng, với ngôi nhà cổ trên 100 năm là bối cảnh trong bộ phim “Chuyện của Pao”, được nhiều người biết đến và ghé thăm khi có dịp đến cao nguyên đá Đồng Văn. Ngoài ra, Sủng Là còn có Làng VHCĐDL thôn Lao Xa, cách trung tâm xã khoảng 6km khá đẹp, nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống của người dân tộc Mông.

Trước đây, Làng VHCĐDL thôn Lao Xa ít được khách du lịch biết đến so với các nơi khác của huyện Đồng Văn bởi nằm tách biệt quốc lộ 4C. Mấy năm trở lại đây, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đường liên thôn, giúp giao thông đi lại thuận tiện hơn, Làng VHCĐDL thôn Lao Xa cũng từ đó được nhiều người biết đến.

Để đến Làng VHCĐDL thôn Lao Xa, từ trung tâm xã Sủng Là, chúng tôi chạy xe máy bon bon trên con đường men theo sườn núi đá quanh co. Đường đi, nhiều đoạn bị sương mù che khuất, xong khung cảnh núi non hùng vĩ, xanh xanh những vạt ngô bên đường đẹp như tranh vẽ.

Đến Làng VHCĐDL thôn Lao Xa, cảm nhận đầu tiên của du khách là vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất với những ngôi nhà trình tường, lợp ngói âm dương, phía trước là bờ rào đá mang đậm bản sắc của dân tộc Mông nằm lọt thỏm giữa những mỏm đá trong cao nguyên đá Đồng Văn. Đường liên thôn được bê tông hóa dẫn vào từng hộ dân. Người dân trong thôn 100% là người Mông, với 110 hộ, gần 600 khẩu, chủ yếu làm nông nghiệp, trồng ngô, lúa, rau, chăn nuôi gia súc và làm nghề truyền thống chạm bạc.

Đến Làng VHCĐDL thôn Lao Xa, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cách tạo ra những sản phẩm bạc vô cùng đẹp mắt. Những nghệ nhân chạm bạc gương mặt đã hằn lên dấu vết của thời gian, những đôi tay vô cùng khéo léo, ngày ngày cần mẫn làm ra những sản phẩm bạc thủ công tinh xảo.

Trò chuyện với nghệ nhân chạm bạc Mua Sè Sính, chúng tôi được biết, nghề chạm bạc của dòng họ Mua đã có từ 5 đời, tính đến nay cũng hơn 100 năm. Hiện nay, trong thôn còn 6 hộ vẫn giữ nghề, chủ yếu là anh em và con cháu nhà ông Mua Sè Sính. Sản phẩm tạo ra từ bạc chủ yếu là đồ trang sức như: Dây chuyền, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, hoa tai.

Trước kia, trang sức bạc được người dân ưa chuộng và dùng nhiều, ngày nay, nhu cầu về trang sức bạc ít hơn, nên các nhà làm nghề đúc bạc chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, hoặc theo yêu cầu của người mua. Một số sản phẩm bạc được bày bán tại các chợ phiên của huyện Đồng Văn và các vùng lân cận. Nghề đúc bạc đã đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân làm nghề. Bởi vậy nên kinh tế người dân Làng VHCĐDL thôn Lao Xa phát triển hơn vùng khác trong xã.

Bên cạnh đó, Làng VHCĐDL thôn Lao Xa còn giữ được vẻ hoang sơ trong cảnh sắc và sự nguyên vẹn trong bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Điều đó được thể hiện trên trang phục, trong nếp sống sinh hoạt và nhà cửa của người dân nơi đây. Trong Làng có 5 ngôi nhà trình tường 3 gian, lợp ngói âm dương với tuổi đời khoảng 80 năm.

Các ngôi nhà khác được dựng theo đúng kiến trúc và nét văn hóa của dân tộc Mông, với nhà trình tường, ngói âm dương, phía trước nhà là hàng rào đá. Xung quanh nhà, người dân trồng các loại cây như đào, mận, rau cải. Khi mùa xuân đến, các loại hoa đua nở, tạo nên vẻ rực rỡ, điểm tô cho không gian thêm đẹp, tràn đầy sức sống. Những dãy núi đá xám phía sau những ngôi nhà, ruộng nương càng tôn lên vẻ đẹp của Làng.

Nghệ nhân Mua Sè Sính đang chế tác bạc truyền thống trong thôn Lao Xa (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Thanh Thuận

Người dân trong Làng VHCĐDL thôn Lao Xa đã có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống như di dời chuồng trại cách xa nhà, luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Đường làng thường xuyên được dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ. Ông Mua Sè Sính còn cho biết thêm: “ Người dân Làng VHCĐDL thôn Lao Xa đều có ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc mình. Nhiều người già còn lưu giữ rất nhiều những bài dân ca, dân vũ, nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Mông”.

Ông Là Mí Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Là nhấn mạnh: “Mấy năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho bà con Làng VHCĐDL thôn Lao Xa, giúp họ hiểu biết hơn về giá trị văn hóa du lịch cộng đồng và từng bước phát triển du lịch. Trong đó, vận động người dân giữ gìn nghề đúc bạc truyền thống, những ngôi nhà trình tường cổ, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ... Hiện nay, đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng được xây dựng tại thôn Lao Xa, thu hút khách du lịch”.

Vẻ đẹp hoang sơ trong cảnh sắc thiên nhiên, cùng với kiến trúc nhà ở độc đáo, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông đã tạo nên hình ảnh một thôn, bản vùng cao đầy cuốn hút đối với du khách gần xa. Cùng với nhiều thôn bản khác của thung lũng Sủng Là, Làng VHCĐDL thôn Lao Xa đã và đang làm tốt việc bảo tồn gắn với phát triển du lịch, góp phần làm cho diện mạo vùng quê trên cao nguyên đá ngày càng khởi sắc.

Thanh Thuận

Nguồn: Báo Biên Phòng