Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia song hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 vẫn diễn ra tích cực với nhiều hình thức phong phú.
Cô bé Faatiha Aayat, một học sinh lớp 5 người Bangladesh, đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để thực hiện chiến dịch “Rác trong túi tôi” (WasteInMyBag). Chiến dịch này được phát động nhằm kêu gọi mọi người mang rác nhựa về nhà thay vì xả rác ra nơi công cộng, đồng thời khuyến khích mọi người chia sẻ hình ảnh và video về hành động này trên mạng xã hội thông qua hastag #WasteInMyBag.
Faatiha Aayat, một học sinh lớp 5 người Bangladesh hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021
Faatiha Aayat là cái tên không xa lạ trong giới môi trường thế giới. Với vai trò là người điều hành tổ chức CHIL&D, cô bé đã phát biểu chống lại sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, yêu cầu bảo vệ người tị nạn khí hậu và kêu gọi giáo dục cho trẻ em kém may mắn tại Hội nghị Ngày Quốc tế Thanh niên 2019.
Tại Hà Lan, Chiến dịch Làm sạch thế giới do Tổ chức Plastic Soup khởi xướng và được các công ty, tổ chức ủng hộ. Tổ chức Plastic Soup đã kết nối các cá nhân và tổ chức trở thành một mạng lưới để thực hiện giảm rác thải nhựa.
Trong năm 2021, hơn 41 ngàn người đã tham gia hưởng ứng với với gần 1.600 đợt dọn dẹp trên toàn quốc. Plastic Soup đã truyền cảm hứng cho hơn 200 trường học thực hiện các hành động bảo vê môi trường.
Malaysia hiện đang phong tỏa, hạn chế người dân ra ngoài một mình hoặc theo nhóm nhỏ hơn. Để hướng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, mọi người đang tạo video TikTok về việc dọn rác nhằm mang đến thông điệp, dù không thể tập trung đông người song vẫn có thể bảo vệ môi trường. Thời gian phong tỏa cũng chính là dịp để mọi người tìm hiểu thêm về cách tận dụng và tái chế, bởi vì khi ở nhà, họ có nhiều thời gian hơn để dành cho những hoạt động này.
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 tại Singapore
Dù Singapore áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 nhưng không vì thế mà tinh thần Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bị giảm sút. Giới trẻ đặc biệt yêu thích các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch này. Rất nhiều nhóm nhỏ, tối đa 5 người, đã dọn dẹp tại bãi biển. Họ đã tìm thấy nhiều mảnh rác nhỏ mà mọi người vứt bỏ, tàn thuốc và đồ nhựa dùng một lần.
Trong hai năm qua, nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa đã được nâng cao, góp phần tạo ra một số thay đổi ngay cả trong chính phủ Singapore. Không chỉ tin tưởng người dân, chính quyền Singapore cũng có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tại quốc gia châu Phi Bê-nanh, các hoạt động bảo vệ môi trường đang phát huy hiệu quả khi mà Hiệp định Cotonou được triển khai. Hiệp định Cotonou được ký kết năm 2000 tại thành phố Cotonou của Bê-nanh giữa EU và các nước châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương (ACP) đã đưa vấn đề môi trường trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu. Hiệp định Cotonou đặt ra một khuôn khổ hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Ngoài ra, một thỏa thuận "hậu Cotonou" mới được thông qua vào đầu năm nay càng thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường. Bê-nanh hy vọng các thỏa thuận pháp lý sẽ thực sự mang lại hiệu quả trong tương lai.
Theo truyền thống, người dân Latvia thường tổ chức các sự kiện làm sạch trên toàn quốc vào mùa xuân và tham gia Ngày làm sạch thế giới thông qua hoạt động trồng cây.
Năm ngoái, Tổng thống Latvia Egils Levits đã khai trương Công viên Cây Hạnh phúc đầu tiên. Việc khai trương Công viên này là sự đóng góp của Latvia cho sáng kiến toàn cầu. Công viên Cây Hạnh phúc tràn ngập màu xanh và là hiện thân cho hành tinh xanh của chúng ta. Latvia muốn thế giới trở nên xanh hơn và tất cả chúng ta đều tham gia vào việc định hình cho một tương lai xanh”, Tổng thống Latvia Egils Levits nhấn mạnh.
Mai Đan (Tổng hợp từ worldcleanupday.org)