Lào Cai có 25 nhóm, ngành dân tộc, tạo nên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Những năm qua, hiệu quả của các chủ trương, chính sách đúng đã từng bước đưa Lào Cai trở thành một trong số ít tỉnh, thành trong cả nước bảo tồn tốt các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch của địa phương.
Điệu múa truyền thống của dân tộc Xa Phó. Ảnh: Ngọc Bằng
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn văn hóa, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được thuận lợi hơn. Ngành văn hóa luôn chú trọng thực hiện hiệu quả tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, các đề án, dự án bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai, trong đó thực hiện nhiệm vụ kép là vừa bảo tồn vừa khai thác, từng bước gắn bảo tồn với phát triển du lịch dựa trên nền tảng là di sản văn hóa. Rất nhiều di sản văn hóa được phục dựng, bảo tồn và phát triển, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương.
Xác định bảo tồn và phát triển văn hóa phải song hành với phát triển kinh tế - xã hội, ngành văn hóa đã hướng đến khôi phục các lễ hội truyền thống. Đã có hàng chục nghi lễ, lễ hội của đồng bào được khôi phục, như lễ hội xuống đồng của đồng bào Tày, Giáy; lễ hội Gầu tào của đồng bào Mông; lễ Lập tịch, tết Nhảy của người Dao; lễ đặt tên con, vào nhà mới của người Thái… đồng thời đẩy mạnh đưa thông tin về cơ sở để đẩy lùi tệ nạn xã hội, tập quán lạc hậu. Hàng nghìn hiện vật đã được Bảo tàng tổng hợp tỉnh sưu tầm, bảo quản; hàng chục di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh được nghiên cứu, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, như khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, đền Bảo Hà, đền Thượng, dinh Hoàng A Tưởng, khu căn cứ cách mạng Cam Đường…
Bảo tồn nghề thủ công truyền thống của các dân tộc như nghề đan lát của người Mông, người Hà Nhì; nghề rèn đúc của người Mông, chạm khắc bạc người Dao, thêu dệt thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Xa Phó, Giáy…; khôi phục, bảo tồn 12 lễ hội truyền thống, xây dựng 9 thôn, bản văn hóa du lịch; sưu tầm, khôi phục, bảo tồn được 2.000 bài dân ca, các điệu múa cổ truyền các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Hà Nhì…; tiến hành dự án tổng kiểm kê thực trạng kho sách cổ ở 466 làng người Dao trên địa bàn tỉnh, đánh mã số kiểm kê hơn 11.000 cuốn sách cổ, chụp hơn 20.000 bức ảnh kỹ thuật số về các cuốn sách cổ, sưu tầm, biên dịch hơn 700 cuốn sách cổ, tổ chức in ấn, xuất bản 3 tập sách cổ người Dao; trùng tu tôn tạo các di tích được xếp hạng như đền Thượng, đền Mẫu, đền Bảo Hà, đền Tân An...
Nghi lễ rước dâu của dân tộc Dao đỏ - Ảnh: Ngọc Bằng
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm kê tổng thể 25 nhóm, ngành dân tộc ở 500 làng, bản theo 7 loại hình và Lào Cai trở thành một trong số ít tỉnh, thành hoàn thành sớm công tác kiểm kê di sản văn hóa. Tổ chức bảo tồn và phát huy được 10 nghi lễ, lễ hội dân gian các dân tộc gắn với phát triển du lịch và tổ chức sưu tầm văn hóa dân gian của 4 nhóm dân tộc có dân số dưới 10.000 người là Bố Y, La Chí, Hà Nhì, Phù Lá.
Công tác bảo tồn văn hóa liên tục được thực hiện hiệu quả. Kết quả là đã có 33 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Nghi lễ và trò chơi kéo co Tày - Giáy” trong bộ hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” của 4 nước Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Campuchia và “Thực hành nghi lễ then người Tày” trong bộ hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày - Nùng - Thái”; bảo tồn 5 lễ hội truyền thống, sưu tầm văn hóa dân gian của 5 dân tộc có nguy cơ mai một cao, bảo tồn nghệ thuật âm nhạc, múa, hát dân ca của 5 dân tộc; bảo tồn 1 làng văn hóa truyền thống người Hà Nhì đen ở xã Y Tý (Bát Xát) phục vụ phát triển du lịch…
Công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc ở Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ tính sáng tạo, khoa học trong triển khai nhiệm vụ. Với số lượng di sản văn hóa có được đã đưa Lào Cai trở thành một trong số ít tỉnh có số lượng di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước, khai thác phát triển mạnh sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, với gần 40 đầu sách chuyên khảo về văn hóa dân gian các dân tộc được xuất bản càng góp phần quảng bá rộng hơn văn hóa đặc trưng của tỉnh Lào Cai ra khắp cả nước và thế giới.
Dương Tuấn Nghĩa