Trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, Nguyễn Phương Vy - sinh viên năm thứ tư chuyên ngành thiết kế đồ họa Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành dự án ý nghĩa mang tên “Bội Tự”. Những thông tin về hát bội được thể hiện qua những ký tự chữ cái theo phong cách đồ họa.
Chữ H trong bảng ký tự của dự án “Bội Tự” giới thiệu về đôi hia của nghệ sĩ hát bội.
Theo nhiều tư liệu, hát bội hay còn gọi là hát bộ, hát tuồng là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc, ban đầu chỉ được biểu diễn để vua, quan thưởng thức trong cung đình nhưng về sau đã lan tỏa khắp chốn thôn quê, được dân chúng yêu thích. Hát bội mang đến ấn tượng mạnh mẽ cho người xem về cả diễn xuất, vũ đạo, âm nhạc, y trang. Tiếc rằng, trong nhịp sống hiện đại hôm nay, loại hình nghệ thuật từng vàng son một thuở này đang phải đối diện nguy cơ mai một khi dần trở nên xa lạ với công chúng, nhất là công chúng trẻ. Phương Vy quyết định thực hiện dự án “Bội Tự” với mong muốn đem nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với người trẻ.
“Bội Tự” có thể hiểu là nghệ thuật hát bội thể hiện qua ký tự chữ cái. Dự án bao gồm hai phần: phần một là Typeface (kiểu chữ) được thiết kế theo hai định dạng Regular (bình thường) và Italic (in nghiêng) với sự tương phản mạnh giữa các nét thanh - đậm và các nét móc nhọn kéo dài lấy cảm hứng từ hình ảnh lông chim trĩ trên chiếc mão trong trang phục hát bội; phần hai là các chữ cơ bản trong bảng chữ cái được cách điệu, lồng ghép hình ảnh minh họa thể hiện cho nội dung liên quan hát bội gắn liền cụm chữ có ký tự đó đứng đầu. Chẳng hạn, với chữ cái C, Phương Vy lựa chọn diễn giải khái niệm “cờ lệnh”: một trong những đạo cụ sân khấu thường thấy ở hát bội, hay được giắt phía sau lưng, ló lên ở hai vai; cờ lệnh và áo giáp đi đôi với nhau là trang phục thường thấy của các nhân vật võ tướng. Hình ảnh minh họa đi kèm là cây cờ lệnh được thiết kế mềm mại, uốn cong theo hình chữ C. Với chữ cái H, Vy diễn giải về “hia”: một loại giày dùng cho các nhân vật nam của nghệ thuật tuồng, có cổ đứng, đế cong hình bán nguyệt, nhân vật khi rơi vào tình huống bi kịch thường dùng chân hia để bê, xiết thể hiện nội tâm. Minh họa đi kèm là đôi hia với hai chiếc giày chẽ ra, kết nối khéo léo thành hình chữ H. Hay với chữ cái K, cụm từ được Phương Vy lựa chọn giải nghĩa là “kép”. Đây là từ dùng để chỉ người đàn ông ca hát trên sân khấu hát bội, cải lương…
Chia sẻ về lý do lựa chọn hát bội để kết hợp với các thiết kế chữ cái, Vy cho biết, từ những lần được trực tiếp xem đoàn hát bội về trường biểu diễn, bản thân đã bị thu hút bởi tính độc đáo của loại hình nghệ thuật này, nhất là những hình thù đầy màu sắc được vẽ trên mặt các nghệ sĩ. Về sau, càng tìm hiểu, Vy càng yêu thích và ấn tượng hơn. Thế nên, lúc đầu “Bội Tự” đơn thuần chỉ là bài đồ án cho một môn học trên lớp với 11 chữ cái, nhưng sau đó, trong thời gian nghỉ dịch đã được Vy phát triển thành dự án cá nhân với 22 chữ cái. Mỗi cụm từ được lựa chọn đều là sự cân nhắc, tính toán sao cho thể hiện được những thông tin, khái niệm cơ bản, gần gũi nhất trong hát bội.
Phương Vy chia sẻ, thách thức lớn nhất trong quá trình làm “Bội Tự” nằm ở khâu tìm kiếm tư liệu bởi những kiến thức gắn liền loại hình nghệ thuật lâu đời này không nhiều, lại nằm rải rác ở nhiều nơi. Để thực hiện dự án, Vy tiếp cận hai nguồn tư liệu là cuốn “Sổ tay Hát Bội” của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và “Nghệ thuật Sân khấu Hát Bội” của tác giả Lê Văn Chiêu, cùng một số thông tin tìm kiếm trên mạng và những thông tin, hình ảnh được Vy ghi chép, chụp lại từ những buổi xem biểu diễn hát bội trực tiếp. Thêm một khó khăn không nhỏ nữa là lựa chọn hình ảnh minh họa sao cho vừa thể hiện được thông điệp, vừa giàu tính thẩm mỹ khi uốn theo phom chữ. Bởi với những cụm từ chỉ đạo cụ, phục trang hay tiết mục cụ thể trong hát bội, việc tìm kiếm minh họa tương đối dễ hình dung, nhưng với các khái niệm trừu tượng thì không đơn giản. Đơn cử, khi thể hiện chữ U gắn với khái niệm “ước lệ” - một thủ pháp dùng trong hát bội thể hiện những quy ước thống nhất giữa người xem và người diễn (như roi ngựa thay thế cho con ngựa, bàn trải vải đen tượng trưng cho ngọn núi…), Vy đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ về hình ảnh minh họa. Sau cùng, Vy quyết định chọn hình tượng nhân vật ông Nhật, bà Nguyệt trong tiết mục “Nhật Nguyệt bát thiên vương” để thể hiện. Ông Nhật cầm hình tròn đỏ tượng trưng cho dương, bà Nguyệt cầm hình tròn trắng tượng trưng cho âm, âm - dương tương giao biến sinh vạn vật…
“Bội Tự” có thể xem là tín hiệu đáng mừng cho sự trở về với nghệ thuật truyền thống của những người trẻ.
Trang Anh