Nhà cụ Ma Thị Phú, xóm Sơn Vinh, xã Sơn Phú (Định Hóa), hôm nay râm ran tiếng nói cười. Giữa nhà, ô bếp vuông rực than hồng, vùi mấy tấm cơm lam tỏa mùi nếp nương thơm lựng, khói bốc lên bọc chục chiếc vành nón tròn xoe treo lủng lẳng trên gác bếp. Đã 92 tuổi nhưng cụ Phú xâu kim chưa phải đeo kính. Bên ô cửa nhà sàn nhìn ra đường làng, cụ ngồi làm công việc quen thuộc từ thời con gái: Đan nón Tày.
Cụ Ma Thị Phú miêu tả công đoạn làm nón
-15 tuổi bà đi lấy chồng rồi lố. Mẹ bà dạy cho làm nón lố. Ui da, con gái về nhà chồng không biết làm nón là mẹ chồng ghét lắm á - Cụ Phú luôn tay tước những sợi “móc” bé xíu trên tấm bẹ cây, vui vẻ kể.
- Nón to hay nhỏ phụ thuộc vào dóng cây giang chị ạ. Tìm được cây giang to, dóng dài khó lắm - Ma Tử Thế, con trai út của cụ Phú đỡ lời mẹ - Nan nón phải “chuốt” từng sợi, người “chuốt” phải dùng “thịt” của ngón tay để cảm nhận. Nếu nan dày mỏng không đều thì cái nón khi đội sẽ “kênh” lên, mắc vào tóc.
Nhìn đám “phoi” giang xù trắng dưới ngón tay cụ Phú, tôi chợt nhớ 2 câu thơ trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu: “Mùa xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”. Bài thơ viết năm 1954 ở ATK Định Hóa này, biết đâu “người chuốt từng sợi giang” lại là cô gái Tày xinh đẹp Ma Thị Phú, năm ấy 24 tuổi?
Tự cười mình vì suy nghĩ ngộ nghĩnh chợt đến, tôi “xán” vào chỗ cụ Phú xem cụ tạo hình “xương” nón. Khó nhất là đan chỗ chóp nón. Độ nhọn, độ khum phải vừa vặn ôm khít lấy đỉnh đầu. Từ đấy, những sợi nan giang dẻo mềm, xoắn xuýt tỏa tròn xuống, chỗ “mắt đơn” chỗ “mắt kép” ràng níu nhau tạo nên bộ “xương” cứng cáp. Xương đan xong thì đặt vành vào phía trong lòng nón, dùng dây móc khâu lại. Vành vót bằng tre già, to cỡ đũa ăn cơm, treo gác bếp lâu ngày cho thấm đẫm hơi khói; củ nâu giã nhuyễn nhào với nhọ nồi nhuộm cho chiếc vành đen nhánh. Khác với nón của người Kinh lợp bằng 2 lớp lá trắng kẹp mo nang ở giữa; khác với nón của người Nùng (Cao Bằng) lợp bằng lá mai “kẹp” lá chuối khô, người Tày chọn 3-4 chiếc lá cọ úp chồng lên nhau để lợp nón.
-Giờ bà không vào rừng tìm lá được nữa rồi, phải nhờ con cháu thôi. - cụ Phú đưa tay xoa xoa đốt xương gồ nhọn lưng áo bạc màu, thủ thỉ với tôi.
Lá chọn lợp nón phải trổ trong bóng râm, tròn xoe, khoảng 15 ngày tuổi. Gượng nhẹ chặt lá về, hơ lên than hồng cho lá mềm oặt, rồi phơi nắng, lại ngâm nước cho nở xòe ra, lúc ấy mới mang lợp. Cái lá non kịp trải qua nóng lạnh, vừa cứng vừa dẻo, mới xứng trở thành đời nón, ngự trên đầu người đi qua mưa nắng. Dù 3-4 cái lá chồng lên nhau nhưng mặt dưới lá “ăn” vào “xương nón”, mặt trên phẳng phiu, chóp nón xoáy một vòng đồng tâm kín chặt, không “sợi nắng sợi mưa” nào có thể lọt vào. Công đoạn cuối cùng là xén lá quanh miệng nón, bịt đầu lá bằng vỏ cây guột già, khâu dằng bằng sợi móc đen nhánh, nhỏ ngang sợi chỉ, dai tựa dây cước, tước từ bẹ cây móc mọc trên rừng. Khác nón người Nùng chóp nhọn kiêu kỳ, khác nón người Kinh trắng nõn điệu đà bắt mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên, nón người Tày duyên ngầm với những chiếc hoa văn dân tộc bằng len nhiều màu thêu ẩn ở phần chóp nón, phải ngắm kỹ mới thấy được.
Cầm trên tay chiếc nón cụ Phú vừa làm xong, tôi nhìn thấy một Thái Nguyên “nửa đồng nửa núi”. Nơi ấy “cọ xòe ô che nắng”, nứa tre làm bạn với người; nơi ấy cây cối hiền lành bao bọc nếp nhà sàn 9 bậc cầu thang sẫm màu kỷ niệm. Đời người đàn bà Tày gắn với nón lá. Mươi, mười lăm tuổi cô bé được mẹ, được bà dạy làm nón như trao truyền đức tính kiên nhẫn, chịu khó để đi qua cuộc đời khó nhọc này; khi tình yêu này nở, cô gái trao nón làm tin; ngày về nhà chồng, cô dâu nón đội trên đầu; khi có con, bà mẹ trẻ che nón cho con đi chợ ngày đầy tháng (lễ Khay Bươn); nón theo cô lên nương lên rẫy, nón nghiêng giấu giọt nước mắt tủi hờn và nếp nhăn đếm thời gian; khi qua đời, nón treo chỗ mộ phần cho người đàn bà về nơi ấy đỡ mưa đỡ nắng. Cái nón đựng cả quê hương, đựng cả vui buồn đời người là như thế.
Cụ Phú cần mẫn đan một tuần được 2 cái nón loại bình dân, bán 60-65 nghìn/cái. Lấy công làm lãi, mỗi ngày cụ thu về 20-30 nghìn đồng. “Thêm tiền mua thuốc đỡ con cái thôi lố” - cụ Phú lẩm rẩm bảo thế. Cả xóm Sơn Vinh chỉ còn 1-2 người đan nón ở tuổi 80-90, coi như họ đang “mót” chút sức khỏe cuối cùng trời cho.
Rời nhà cụ Phú, chúng tôi đến bản Quyên (xã Điềm Mặc). Trên nếp nhà sàn cũ, chúng tôi gặp bà Ma Thị Thi (73 tuổi) và bà Đặng Thị Hảo (78 tuổi), hai bà vừa làm nón vừa rủ rỉ chuyện trò. Bà Hảo trước ở Tân Trào (Tuyên Quang), nón của bà từng đoạt giải nhất cuộc thi làm nón đẹp. 60 năm trước sang Định Hóa lấy chồng, cô dâu Hảo đội chiếc nón do chính tay mình làm, hông đeo “phẻn” dao gỗ theo phong tục. Mẹ chồng nhìn cái nón tròn trịa, lá dày muốt, đường thêu mịn nổi căng trong lòng nón, gật gù hài lòng. Cũng như cụ Phú, bà bảo mỗi tháng làm ra được khoảng 1 triệu đồng, mà toét mắt, còng lưng, nhưng không làm cũng buồn chân buồn tay mà lại không có đồng ra đồng vào.
Bà Đặng Thị Hảo đang đan xương nón.
Tương tự xóm Sơn Vinh, bản Quyên chỉ còn 2 người làm nón, độ tuổi trên dưới 70. Đây cũng là con số trung bình ở các xóm, xã khác của huyện Định Hóa tôi nắm được. Số nón ít ỏi các cụ các bà làm ra thường mang bán lẻ ở chợ hoặc bán “xô” cho một số điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Ở vùng Tày của hai xã Sơn Phú và Điềm Mặc một ngày, chúng tôi không gặp ai đội nón Tày. “Cuộc chiến” giữa chiếc nón lá cọ làm đơn chiếc bằng tre nứa thô mộc không cân sức với chiếc mũ bảo hiểm (bắt buộc khi đi xe máy) và mũ thời trang công nghiệp bán ngàn ngạt ngoài đường. Rõ ràng nghề làm nón lá ở Định Hóa đang “về già” và dần biến mất cùng những người làm ra nó.
Đã lâu rồi, cô dâu Tày về nhà chồng không phải mang theo chiếc nón tự làm. Trong những tấm ảnh cưới treo trên vách nhà người Tày tôi đến, cô dâu đội vương miện và mặc váy trắng lòa xòa. Người đội nón ít, người làm nón ít, thu nhập quá “bọt bèo”, thành thử không có người trẻ nào lấy làm nghề sinh nhai. Bộ trang phục của phụ nữ Tày gồm: Áo chàm, khăn đội đầu, bộ xà tích bằng bạc kêu “lóc xóc” ngang hông và chiếc nón lá cọ đang dần thiếu đi một thứ.
Thấy rõ nguy cơ này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra mục tiêu: “Làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa; các di tích lịch sử cách mạng; văn hóa, văn nghệ mang bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn”. Dù Nghị quyết bao quát rộng như vậy nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp thì chiếc nón lá cọ của người Tày Thái Nguyên có thể tồn tại lâu hơn. Nếu ATK Định Hóa có một vài làng nghề làm nón cọ, các nghệ nhân như cụ Phú, bà Thi, bà Hảo… sẽ được mời vào đây dạy cho người trẻ, tạo ra một thế hệ tiếp nối làm nghề truyền thống. Hy vọng đến một ngày, khách du lịch đến với Thủ đô gió ngàn không chỉ tham quan hàng trăm di tích lịch sử mà còn được nghe đàn tính, hát then, ăn cơm nếp mới trong ống tre vùi than củi và mua những chiếc nón lá mang tâm hồn Việt Bắc về làm kỷ niệm.
Hy vọng, cùng với áo chàm, vòng bạc đeo cổ, dây xà tích thắt ngang hông, chiếc nón lá cọ bản sắc tiếp tục được “sống” trong cộng đồng dân tộc Tày của Thái Nguyên.
Minh Hằng