Đó là chiến dịch do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 đến nay, được tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ phát động cấp quốc gia hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2021 theo hình thức trực tuyến.
Những năm qua, con người đã chứng kiến nhiều thảm họa môi trường mà nguyên nhân chính là từ sự “ngược đãi” của con người đối với thiên nhiên. Nạn phá rừng, xả rác bừa bãi, sử dụng rác thải nhựa, xả nước thải vô tội vạ… đã khiến môi trường bị ô nhiễm, hủy hoại nghiêm trọng. Bụi mịn trong không khí đe dọa sức khỏe con người. Tình trạng sinh vật chết vì nuốt phải rác thải nhựa cũng không còn là chuyện hiếm. Không nói đâu xa, tháng 5-2021, có 56 con bò của người dân 2 xã Kon Chiêng và Đak Trôi (huyện Mang Yang) đột ngột lăn ra chết. Qua kiểm tra thì phát hiện có rất nhiều túi ni lông trong dạ dày của những con bò này.
Chính vì vậy, bất kỳ hành động nào chung tay làm sạch môi trường đều đáng trân trọng, dù lớn hay nhỏ. Thời gian gần đây, tại khu vực đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), người ta thấy một cặp vợ chồng thường xuyên đi nhặt rác. Càng ngạc nhiên khi biết anh là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng (nhân vật đề nghị giấu tên). Anh chị cho hay: Chiều chiều, họ tranh thủ đến đây đi bộ tập thể dục, thấy rác nhiều không thể làm ngơ. Tại khu vực này, nhiều bạn trẻ, gia đình tụ tập picnic, thư giãn cuối tuần, nhưng thiếu ý thức dọn dẹp khi ra về, rác thải cứ thế nhiều lên. Do đó, anh chị quyết định mang theo bao bì, găng tay đến đồi thông vừa đi bộ vừa nhặt rác, làm sạch môi trường. Vài nhóm bạn trẻ thấy vậy cũng hưởng ứng làm theo. Chỉ bằng một hành động nhỏ, họ đã lan tỏa một thông điệp lớn về bảo vệ môi trường. Thêm một thông điệp khác: Cho dù có là ai chăng nữa, một giám đốc doanh nghiệp hay người dân bình thường thì trách nhiệm bảo vệ môi trường là như nhau, vì đều bình đẳng hít thở khí trời, thụ hưởng thiên nhiên trong lành.
Huyện Đoàn Krông Pa tổ chức ngày hội “Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập” tại xã Chư Ngọc. Ảnh: Phan Lài
Các ban, ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh cũng phát động phong trào chung tay bảo vệ môi trường sống. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh có cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”… Đoàn Thanh niên có “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày hành động vì môi trường quanh ta”, mô hình “Đổi sách lấy cây xanh”, ngày hội “Đổi rác thải nhựa lấy dụng cụ học tập”… Đặc biệt, khi du lịch được xác định là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế thì việc bảo vệ môi trường tại các điểm đến đang được hết sức lưu tâm. Đơn cử điểm đến “gây sốt” trên các trang mạng xã hội gần đây-suối Đá Đĩa (làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) được nhiều du khách tìm đến đã kéo theo lượng rác thải ngày càng nhiều do sự thiếu ý thức của một số người. Để bảo vệ cảnh quan môi trường, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở du khách về việc giữ gìn vệ sinh chung. Ủy ban nhân dân thị trấn Ia Ly bố trí 4 thùng rác, gắn biển đề nghị người dân chấp hành quy định bảo vệ môi trường, cảnh báo các địa điểm nước sâu, hợp đồng với 1 hộ dân địa phương thu gom rác định kỳ 3 lần/tuần. Nhờ đó, tình trạng vứt rác bừa bãi đã được hạn chế phần nào. Đây là việc làm thường xuyên của ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch với việc triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại các điểm du lịch, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, giải đấu thể thao với nhiều hình thức tuyên truyền; lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các hội thi văn hóa-văn nghệ; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nhằm hạn chế rác thải ra môi trường.
Nhiều hoạt động khôi phục, cứu vãn sự trong lành của môi trường đã được triển khai và chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2021 là một “cú hích” quan trọng. Chiến dịch nhằm tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội; lan tỏa, cổ vũ các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong trạng thái “bình thường mới”. Không quá to tát, các hoạt động bảo vệ môi trường chiến dịch phát động rất đơn giản, dễ thực hiện: giữ gìn cây xanh; sử dụng năng lượng sạch; rút các phích khỏi ổ cắm; sử dụng sản phẩm tái chế; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi ni lông khó phân hủy; mua những đồ tiết kiệm điện năng; sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên…
Nhân dịp này, cuộc thi “Dọn sạch-Sống xanh” cũng chính thức được khởi động trên các nền tảng mạng xã hội. Để tham gia chương trình, thí sinh đăng tải hình ảnh hoặc clip ngắn về trạng thái trước và sau khi tham gia dọn dẹp vệ sinh, trồng, chăm sóc cây xanh ở chế độ công khai trên Facebook cá nhân kèm theo các hashtag #Donsach, #Songxanh và #lamchothegioisachhon. Hy vọng rằng, với những nỗ lực nói trên của các ngành, các cấp và cả cộng đồng, môi trường sẽ ngày càng xanh-sạch-đẹp, cải thiện và nâng cao chất lượng sống, dần đẩy lùi những hiểm họa đến từ sự “trả thù” của thiên nhiên.
Phương Duyên