Bắc Ninh: Góp sức gìn giữ tinh hoa làng nghề Đại Bái

Cập nhật: 06/10/2021
Hơn nửa thế kỷ gắn bó, theo đuổi nghề đòi hỏi nhiều công phu và đôi bàn tay tài hoa, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tấn Đích (xã Đại Bái, huyện Gia Bình) không chỉ thổi hồn cho hàng trăm sản phẩm nổi tiếng từ đồng mà còn luôn song hành cùng sự phát triển, hưng thịnh cũng như truyền dạy bí kíp và cảm hứng sáng tạo cho nhiều người dân làng nghề đúc đồng Đại Bái.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề đúc đồng, từ năm 14 tuổi nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích đã đam mê và theo học nghề. Nhiều năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in về quá khứ thịnh suy của làng nghề đúc đồng Đại Bái. Ông kể: “Những năm chiến tranh, nguyên liệu đồng khan hiếm, đắt đỏ, làng nghề phải dừng hoạt động, người dân tưởng chừng mất nghề. Từ những năm 1990, kinh tế có phần phát triển hơn, người dân chú trọng các sản phẩm từ đồ đồng nên làng nghề đúc đồng cũng theo đó phát triển. Thời kỳ bao cấp làng nghề chúng tôi thường làm các vật dụng trong gia đình như mâm, chậu, nồi… Xã hội phát triển, nhu cầu của người dân tăng cao, người thợ phát huy tay nghề làm những sản phẩm có giá trị cao như: lư, bát, đỉnh đồng, tượng đồng, tranh đồng… Ngày nay, Đại Bái được biết đến như một làng nghề truyền thống phát triển nhất nhì xứ Bắc, nhiều người theo và sống được với nghề”.

Để đúc được các sản phẩm đồng tinh xảo, ngoài khuôn đúc, còn có những bí truyền riêng. Quan trọng nhất trong nghề đúc đồng là phải có sự tính toán để đạt độ chuẩn xác cao, từ khâu pha trộn hợp kim, nung chảy đồng rót vào khuôn mẫu... Hơn 50 năm trong nghề, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, từ khâu làm khuôn mẫu đến kỹ thuật đúc, phôi hay tỉ mẩn trong từng nét chạm, trổ sản phẩm, những bức tượng mà nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích làm ra được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Các tác phẩm tiêu biểu có giá trị kinh tế, mỹ thuật, kỹ thuật cao như: bộ Đỉnh Hạc hoa văn lối cổ cao 2,35m, nặng 1,2 tấn và chiếu dời đô bằng chữ Hán tặng cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; sản phẩm tượng đồng đúc như tượng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng danh tướng Trần Hưng Đạo và các loại tượng phật ở các đền chùa; các tác phẩm hoành phi câu đối; lư đồng; cuốn thư; đỉnh thờ khảm tam khí; đỉnh thờ ngũ sắc; tranh tứ quý trạm thúc; tranh tứ quý trạm khảm ngũ sắc; tranh phong thủy: Thuận buồm xuôi gió, Sơn thủy hữu tinh, Vinh quy bái tổ…

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích giới thiệu sản phẩm đỉnh đồng ngũ sắc.

Trong đó, rất nhiều sản phẩm đã được giải thưởng như: Sản phẩm “Bộ đỉnh khảm tam khí” tại Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc lần thứ I (tổ chức tại Vĩnh Phúc) đạt Giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2006; “Đỉnh đồng ghép Ngũ sắc” đạt cúp Bàn tay vàng tại Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc lần thứ II (tổ chức tại Hải Phòng); Bộ Đỉnh hạc cao 2.35m, nặng 1.200kg, hoa văn lối cổ và có Chiếu dời đô bằng chữ Hán tặng UBND thành phố Hà Nội nhân dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội; Bộ Quân thư đồng chạm tỉa bằng tay đạt Cúp Doanh nghiệp-Sản phẩm tiêu biểu và cá nhân điển hình tiên tiến (giai đoạn 1997-2017)…

Với những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy tinh hoa nghề đúc đồng truyền thống, năm 2020 ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, ông Đích rất vui vì những tâm huyết, cống hiến của bản thân được ghi nhận. Ông bộc bạch: “Tôi luôn tâm niệm mình phải trân quý nghề hơn, luôn sáng tạo, cống hiến cho sự phát triển của làng nghề để xứng với danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Chính vì vậy, tôi thường dặn con cháu không ngừng tìm tòi, học hỏi. Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm vẫn phải thay đổi mẫu mã sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Một sản phẩm đúc đồng chất lượng không chỉ yêu cầu người làm nghề phải có tay nghề vững, kỹ thuật chính xác mà còn phải tập trung cao độ để làm nên những chi tiết hoa văn sắc nét, sinh động, đạt đến độ tinh xảo. Có như vậy, sản phẩm mới thật đặc sắc, ý nghĩa và có giá trị”.

Với lòng yêu nghề, nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích không ngần ngại chia sẻ, truyền dạy mọi kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân cho nhiều người học nghề tại địa phương. Sự chỉ dạy tận tình, tâm huyết của ông giúp không ít gia đình, thanh niên trẻ thành thạo tay nghề, kỹ thuật quan trọng trong nghề đúc đồng, từ đó gây dựng thương hiệu riêng. Đó cũng chính là cách để ông tri ân với nghề, chung tay gìn giữ và phát triển nghề truyền thống cha ông.

Hoa - Quân

Nguồn: Báo Bắc Ninh