Hòa Bình: Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch

Cập nhật: 06/10/2021
Thời gian qua, hạ tầng vãn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Ngành du lịch thu hút được nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, từng bước phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được đầu tư, góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, thu hút khách du lịch

Về hạ tầng văn hóa, thể thao, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 thiết chế văn hóa - thể thao cấp tỉnh (Cung văn hóa, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Sân vận động tỉnh, Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh và Bể bơi tỉnh); 10/10 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông, nhà văn hóa, sân vận động; 120 nhà văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; 1.630 nhà văn hóa và 1.172 khu thể thao tại các thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.

Về hạ tầng du lịch, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình đã ưu tiên đầu tư các công trình có quy mô lớn, có tính chất trọng điểm như đường tỉnh 435, cảng Ngòi Hoa, khu di tích mộ cố Đồng Thếch... Thu hút đầu tư xây dựng được các khu, điểm du lịch sinh thái mới như: Mai Chau Hideaway, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan Village Resort tại huyện Mai Châu; Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Dụ và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sun Set tại huyện Lương Sơn; An Lạc Farm và Serena Resort huyện Kim Bôi. Xây dựng thêm một số điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, Ngòi Hoa, Mó Hém và xóm Ké, xóm Chiến.... Lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch của tỉnh có mức tăng trưởng bình quân khá tốt, đạt trên 10%/năm. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 434 cơ sở lưu trú; trong đó được xếp hạng công nhận: 6 khách sạn 3 sao, 25 khách sạn 2 sao, 8 khách sạn 1 sao, 238 nhà nghỉ, 157 homestay du lịch cộng đồng với trên 4.000 phòng; có 9 điểm du lịch địa phương và 1 Khu du lịch cấp tỉnh là Khu du lịch Mai Châu; 13 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành. Trên Khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình hiện có khoảng trên 300 tàu thuyền hoạt động vận chuyển khách du lịch.

Thời gian tới, tỉnh tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao góp phần xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Phấn đấu đến năm 2025, 82% xã phường, thị trấn có nhà văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 4,9 triệu lượt khách, trong đó có 01 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng, xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu lịch quốc gia. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Bên cạnh đó, kêu gọi nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh như: Nhà hát, rạp chiếu phim, nhà trưng bày triển lãm, bảo tàng, thư viện và các công trình văn hóa, thể thao các huyện, thành phố. Tu bổ, tôn tạo một số di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh đang xuống cấp. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Phát triển phong trào bóng đá, nghiên cứu xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá tỉnh Hòa Bình, tạo nguồn nhân lực cho phát triển bóng đá địa phương.

Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đến các khu điểm du lịch. Thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tạo ra phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao. Tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến đường: Nâng cấp và mở mới các tuyến đường dọc ven hồ trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; mở các tuyến đường lên các điểm có tiềm năng phát triển du lịch như khu đồi Thung, xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn; đường lên các khu bảo tồn thiên nhiên: Ngọc Sơn - Ngổ Luông huyện Tân Lạc và Lạc Sơn; Phu Canh - Đà Bắc; Thượng Tiến - Kim Bôi... Đầu tư nâng cấp các bến cảng, bến thuyền du lịch như: Cảng du lịch Thung Nai, cảng Bích Hạ, bến thuyền Bãi Sang... để tạo điều kiện thuận lợi đi lại cũng như thu hút các dự án đầu tư.

Tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn, có năng lực và kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, khảo sát lập các dự án đầu tư du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và một số huyện có tiềm năm phát triến du lịch như: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn... Hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác triển khai thực hiện một số dự án có tính khả thi, có quy mô lớn như Sân golf Phúc Tiến, Quần thể du lịch sinh thái văn hóa Thiên Cung Đại Việt, Khu du lịch sinh thái Thung Nai Peninsula Resort... Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí tại huyện Yên Thủy./.

Lê Huệ

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình