Bình Định: Xanh lại cù lao Nhơn Châu

Cập nhật: 06/10/2021
Nơi hòn đảo ấy từng khốn khó khiến nhiều người trẻ bỏ đảo vào đất liền tìm cách mưu sinh, trên đảo đa phần chỉ là người già và trẻ em. Nhưng bây giờ, khi điện đã về, kéo theo du lịch phát triển hơn thì Cù lao Xanh đã “trẻ” lại.

Một góc bến cảng xã đảo Nhơn Châu.

Những chòng chành xứ đảo

Nhiều người chắc vẫn còn nhớ tới Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, Bình Định) này, dù không xa mấy đất liền, cuộc sống nơi này lại là một thế giới hoàn toàn khác với Quy Nhơn phồn hoa nhộn nhịp. Ngày trước, chỉ cách đây dăm năm người dân xứ đảo này chẳng những nghèo nàn, mảnh đất cù lao thêm chìm vào nỗi buồn ngày càng thưa thớt người trẻ tuổi. Mỗi năm hàng trăm người rời bỏ xã đảo vào đất liền mưu sinh lập nghiệp để lại sự vắng vẻ, hiu quạnh và những mảnh đời lay lắt giữa bốn bề sóng nước. Có lẽ vậy mà người dân trên đảo hay đùa rằng Cù Lao Xanh là đảo của người già.

Nhiều năm rồi, cái tên Cù Lao Xanh đã không còn nguyên vẹn ý nghĩa như cái của nó khi ngay cả những người con của mảnh đất này chẳng còn mặn mà với quê hương. Cuộc sống phụ thuộc vào biển vốn lắm nỗi nhọc nhằn mỗi năm lại càng thêm bấp bênh khiến thế hệ trẻ quay lưng với đất mẹ quê cha. Cù lao giữa bốn bề sóng nước bây giờ là mảnh đất của những người già và trẻ em. Những mảnh đời này bám trụ lại quê hương để nuôi con nuôi cháu để con cái sau này có nơi tìm về. Sở dĩ bao lớp thanh niên trai tráng đều bỏ đảo vào đất liền kiếm sống là cuộc sống đói khổ. Cá tôm cạn kiệt, nguồn thu nhập từ biển không còn, có lẽ nếu không ra đi làm thuê làm mướn thì cuộc sống còn đói kém hơn.

Những ngày ấy, trong ráng chiều yếu ớt, làng chài yên bình đến vắng lặng. Ven xóm nhà là vài người phụ nữ họp chợ, những cụ già ngồi lặng lẽ hướng ra biển. Những con người gần đất xa trời này không ít thì nhiều đều có con cái còn lang bạt kiếm sống nơi đất khách. Chưa bao giờ người ta thấy hòn đảo này nhiều người già đến thế. Bởi bao lớp trai gái đã đi bươn chải bên ngoài, chỉ còn những mái đầu bạc ở lại. Xã đảo Nhơn Châu có 520 nóc nhà với 2.300 nhân khẩu sinh sống. Từ dân số khoảng 4.000 người, chỉ còn trên 2.000 người bám trụ, chủ yếu là người già và trẻ em. Trong cảnh nhàn rỗi bất đắc dĩ, mỗi khi chiều về họ lại ra bờ kè nhìn hướng về biển cả mênh mông. Trong những ánh mắt mờ đục kia ẩn chứa bao nỗi chờ mong, thấp thỏm và bao nỗi buồn không nói nên lời…

Cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia về xã đảo cấp điện vào cuối năm 2020.

Nhưng bây giờ thì đã khác, điện đã ra với xã đảo gần 1 năm, du lịch đã kéo xã đảo này phát triển mạnh hơn, không còn những thảng thốt u buồn như cách đây hơn 10 năm về trước nữa. Dù nghèo khó và cách trở, nhưng Nhơn Châu vẫn luôn được đất liền quan tâm hỗ trợ về mọi mặt. Tỉnh Bình Định sau một thời gian trình Trung ương xin đầu tư nguồn điện lưới cho đảo, được chấp thuận và đầu tư kéo điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo. Dự án xây bể chứa nước ngọt đủ để cho tất cả gia đình trên xã đảo cũng đã được phê duyệt và triển khai. Y tế được đầu tư, bác sĩ giỏi được tăng cường ra đảo để chăm sóc sức khỏe, khám bệnh cho người dân. Người dân đã mong mỏi rất nhiều, rằng với những quan tâm đó, mọi người sẽ yên tâm bám biển, các thế hệ cùng nhau xây dựng lại cuộc sống mới, đảo xanh sẽ không chỉ còn là đảo người già nữa.

Cù lao Xanh trẻ lại

Chẳng ai có thể ngờ được ánh sáng điện lưới quốc gia lại có thể về đến đất đảo nhanh đến vậy từ khi bắt đầu kéo cáp ngầm từ đất liền ra đảo. Mấy chục năm qua người dân Cù Lao Xanh vẫn ao ước mà chưa bao giờ có được. Không có điện, chẳng làm được gì. Chính vì thế dù điều kiện tự nhiên vô cùng ưu đãi để vùng đất đảo này có thể phát triển du lịch biển với vô số cơ sở, thế nhưng chỉ vì không có điện mà người dân đành bó tay chịu. Bao nhiêu năm qua, người dân Nhơn Châu này chỉ biết ngậm ngùi nhìn dòng điện ở phía đất liền với sự thèm muốn vô hạn mà không thể làm gì. Trước đây, mỗi ngày người dân xã đảo sử dụng nguồn điện thiếu thốn chỉ 6h mỗi buổi tối đêm sáng, đêm tắt. Điện có được từ trạm phát điện chạy dầu diesel. Tối trên đất đảo Lý Sơn chỉ cách đây vài tháng vẫn tối đen, có chăng chỉ là vài ba cái bóng điện phát sáng từ những chiếc máy phát điện chạy dầu, mà xăng dầu ngày càng đắt đỏ nên người dân chỉ biết sử dụng một cách hạn hữu.

Cuộc sống của người dân xã đảo đã có nhiều thay đổi từ khi có điện lưới quốc gia.

Tháng 8/2020, Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu hoàn thành sau một thời gian dài chờ đợi. Chưa bao giờ người dân xã đảo lại vui mừng như lúc này, khi ánh sáng điện lưới quốc gia đã được đưa về đến đây. Hòn đảo tách biệt của Quy Nhơn từ đó thắp lên hy vọng của sự đổi thay từng ngày. Ai cũng mong sự thay da đổi thịt trong niềm vui đến ngỡ ngàng của người dân đất đảo. Ông Phạm Tùng (63 tuổi, xã đảo Nhơn Châu) phấn khởi: “Hồi trước mơ cái điện về để tối tối đảo này sáng như ở đất liền mà khó lắm. Máy phát điện chạy vài tiếng đồng hồ mỗi tối để thắp sáng và mở cái ti vi xem tình hình thời sự, thời tiết chứ đại đa số người dân ở đây chẳng biết điện lưới quốc gia là cái gì. Mỗi tối nhìn vào phía đất liền thấy hừng lên ánh sáng tươi vui, dân Nhơn Châu tụi tui mơ lắm, nhưng đâu có được. Giờ nhà nước đầu tư kéo điện lưới về đảo, tết này dân đảo đã có điện lưới, thỏa cái ước mơ cả đời được thấy được ánh sáng điện lưới nó huy hoàng như thế nào của người dân rồi!”.

Không chỉ mình lão ngư tuổi đã ngoài lục tuần này mừng vui, mà tất cả hàng chục ngàn người dân huyện đảo đều vui mừng khôn xiết vì chủ trương đưa điện lưới quốc gia đến Nhơn Châu đã được thực hiện. Trong niềm hân hoan mới, trên những chuyến tàu cập bến, những chuyến hàng từ đất liền gửi ra đảo… Mùa xuân đầu tiên có điện, lòng người dân đất đảo háo hức hơn hẳn. Có nguồn điện đảm bảo, đến nay cuộc sống người dân xã biển đã thay đổi tích cực từ sinh hoạt, sản xuất đến phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới. Ông Hồ Nhật Lệ – Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: “Từ khi có điện lưới quốc gia, người dân trên đảo vô cùng phấn khởi. Ngoài việc thuận tiện trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày thì các dịch vụ du lịch và nuôi trồng thủy sản cũng có điều kiện phát triển. Hiện nay xã Nhơn Châu có 44 hộ nuôi trồng thủy sản với trên 230 lồng bè, đang thả nuôi 50.700 con tôm hùm và 3.400 con mực các loại. Khi có điện đảm bảo, người dân bảo quản thức ăn cho tôm, mực được tốt hơn nên giảm bớt việc phải đi mua nhiều lần. Nhiều người dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản”.

Chợ Nhơn Châu tấp nập người mua kẻ bán.

Trước đây khi chưa có điện lưới quốc gia, du lịch ở xã đảo Nhơn Châu bấp bênh. Nay có điện, du khách đã biết đến Nhơn Châu nhiều hơn và an tâm khi sử dụng các dịch vụ du lịch, lưu trú qua đêm trên đảo. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư cơ sở và mở rộng các dịch vụ đưa đón khách với chất lượng cao hơn.

Trên đất đảo bây giờ không còn là đảo người già nữa. Đã hết cảnh chiều chiều những ông bà lão ra mép biển hướng về đất liền với ánh nhìn xa xăm. Nhiều người trẻ tuổi sau thời gian bôn ba đất khách mà sự nghiệp nơi đất khách quê người nhưng vẫn không ổn định, họ trở về. Thời cơ cũng đến khi du lịch cộng đồng lên ngôi, các hòn đảo thành “mỏ vàng” cho ngành du lịch. Nhiều người đã bắt tay làm du lịch. Có khách là mọi người đưa ca nô ra đảo rồi dùng xe máy để làm tour du lịch bụi, ngắm cảnh, dựng lều đốt bếp lửa, đàn hát chay ở dọc bờ biển. Càng ngày càng thay đổi, người dân trên đảo mở rộng quy mô và làm du lịch bài bản hơn trước. Như hai anh em Nguyễn Đức Toàn (26 tuổi, thôn Đông) và Nguyễn Đức Tuấn lập công ty du lịch tên Cù Lao Xanh Travel. Mấy năm nay du lịch biển đảo nở rộ nên có công ăn việc làm ổn định cho hàng chục người dân, bà con trên đảo.

Những người dân ở xã đảo này làm du lịch với các tiêu chí xanh – sạch – đẹp, và là hòn đảo chưa bị “cơn lốc” du lịch, đô thị hóa tác động nên mọi thứ gần như nguyên vẹn. Đảo có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: trạm hải đăng xây dựng từ năm 1890, cột cờ Tổ quốc ở đảo Thanh Niên, hồ chứa nước ngọt, bãi đá Thảo Nguyên, mũi Yến, 3 bãi tắm cùng với nhiều đền, chùa hang, miếu mạo, lăng ông, hang đá, bãi đá cổ người Chămpa…

Trước đây, phụ nữ ở đây chủ yếu sống dựa vào chồng, nhờ vào con cái khi trưởng thành. Ai gia cảnh quá khó khăn thì vào bờ làm giúp việc đến Tết mới trở về đảo sum họp gia đình. Nhưng gần hai năm nay, du lịch trên đảo phát triển, những phụ nữ ở đảo cũng có thêm thu nhập. Nhất là từ khi có điện, họ có thêm việc làm từ các tuyến phục vụ khách du lịch, cũng kiếm được ít tiền phụ chồng con, nhưng chỉ vào mùa nắng thôi, mùa mưa phải trông chờ vào chồng đi biển hàng ngày, hàng đêm trở về.

Ông Hồ Nhật Lệ – Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: “Theo thống kê, hiện ở xã đảo Nhơn Châu có 11 khách sạn, homestay, ngoài ra, khách lưu trú có thể lựa chọn hình thức cắm trại bên bãi biển, sáng dậy sớm ngắm bình minh. Hiện có một số điểm phục vụ khách tắm biển, lặn ngắm san hô, nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Nhơn Châu còn là nơi có nguồn hải sản tươi do ngư dân địa phương đánh bắt, cách thức chế biến hấp dẫn, trong đó có món chả cá được du khách đánh giá rất cao. Từ đầu năm 2021 đến nay đã có khoảng 8.100 lượt khách đến Nhơn Châu!”.

Giờ đây, “đảo người già” đã hồi sinh, đã trẻ lại như cái tên Cù Lao Xanh vốn có. Cù lao về đêm tĩnh mịch, bình yên với những ngọn đèn đường thắp sáng khắp đường làng, ngõ xóm, trong từng ngôi nhà nhỏ của người dân trên đảo. Chiều trên bến cảng nhỏ xíu, những con thuyền nằm gối bãi sau một ngày ra khơi, những ông bà lão lại hướng về biển cả, nơi đã cho họ bao điều và bây giờ là một ước mơ về ngày đổi thay hiện hữu. Thương những mái tóc bạc đã xanh lại sau những đợi mòn ở xứ đảo này.

Tiêu Dao

Nguồn: Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường