Trà Quế là một trong những ngôi làng chuyên sản xuất rau nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam). Tại đây, lối sống nông nghiệp được định hình và phát triển trong một khoảng thời gian dài kể từ khi người Việt bắt đầu định cư tại vùng đất này. Lối sống ở Trà Quế với các hoạt động mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước được trao truyền qua nhiều thế hệ là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch bền vững.
Du khách trải nghiệm làm nông dân tại làng rau Trà Quế
Nét đặc biệt trong lối sống nông nghiệp tại Trà Quế
Trà Quế được nhiều du khách biết đến là một làng chuyên trồng rau cung cấp cho Hội An, góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của các món ăn truyền thống phố Hội, mà tiêu biểu nhất là món cao lầu. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay người dân Trà Quế vẫn duy trì lối canh tác nông nghiệp cổ truyền. Trong đó nổi bật là sử việc dụng rong và tảo sông để làm phân bón, tưới nước bằng tay, sử dụng các nông cụ truyền thống phục vụ canh tác. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy, gần 95% hộ dân ở Trà Quế vẫn tiếp tục áp dụng kỹ thuật truyền thống để trồng rau. Chính việc sử dụng rong và tảo từ sông Cổ Cò như một loại phân hữu cơ đã giúp tăng chất dinh dưỡng và mùi thơm cho rau, giảm sâu bệnh, giữ độ phì nhiêu của đất, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng…
Trà Quế còn là nơi lưu giữ những di tích lịch sử - văn hóa lâu đời. Mộ cổ Nguyễn Văn Điển, giếng nước cổ Chămpa, đình làng, miếu thờ… là những minh chứng cho quá trình phát triển lâu đời của làng. Hiện nay một số di tích đã và đang được khai thác trong các tour, đó là giếng nước cổ Chămpa – một trong những giếng cổ có tuổi đời hàng ngàn năm còn sót lại trên mảnh đất miền Trung; mộ ông Nguyễn Văn Điển - là minh chứng cho sự phát triển của một thế hệ dân cư Trà Quế hoặc miếu Ngũ Hành - Thổ thần, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tín ngưỡng rất riêng của vùng đất Hội An.
Trà Quế bảo tồn, duy trì rất tốt văn hóa truyền thống địa phương và đời sống tinh thần phong phú của cư dân trong làng. Ngoài việc thờ cúng gia tiên, dân làng còn thờ cúng ruộng vườn, thờ các vị thần có ảnh hưởng đến đời sống của cư dân ở nhiều ngôi đền miếu trong làng. Những ngôi đền miếu cổ kính mà hiện tại du khách có thể đến thăm hiện nay là đền thờ công chúa Ngọc, nhà thờ dòng họ Nguyễn Văn, miếu Ngũ Hành, đình làng và đền thờ Thổ thần... Trong đó, miếu Ngũ Hành, đền thờ Thổ thần và đình làng Trà Quế là những di tích quan trọng trong tín ngưỡng thờ các vị thần nông nghiệp và những bậc hiền nhân khai sáng mảnh đất này. Lễ hội Cầu Bông là một trong những lễ hội nông nghiệp quan trọng nhất của làng Trà Quế, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc. Các lễ hội và phong tục thờ cúng liên quan đến các vị thần này minh chứng cho một đời sống tín ngưỡng giàu bản sắc văn hóa của cư dân làm nông nghiệp.
Do sự chi phối của lối sống nông nghiệp nên mọi sinh hoạt hàng ngày của người dân Trà Quế đều gắn với các hoạt động canh tác ruộng vườn. Phần lớn những hoạt động này đều tiến hành thủ công nên ngay từ sáng sớm đến chiều tà, người dân Trà Quế luôn tất bật với những công việc như: tưới nước, phủ râm che mát cho rau, làm cỏ, xới đất, trồng rau, thu hoạch rau. Du khách đến với Trà Quế sẽ không thể nào quên được bầu không khí nhộn nhịp của làng rau vào lúc xế chiều khi các nông hộ cắt rau trên luống và vận chuyển đến địa điểm tiêu thụ tại Hội An hoặc các vùng lân cận.
Do đặc trưng của hoạt động canh tác nông nghiệp, người dân Trà Quế duy trì lối sống với tính cộng đồng rất cao. Vì thế, trong ứng xử, giao tiếp hàng ngày họ thường giữ thái độ hòa nhã, giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp thông qua vai trò của các bậc cao niên trong làng. Nụ cười, sự gần gũi, nét chất phác và thân thiện của người dân làng rau Trà Quế là một trong những yếu tố cốt lõi tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Chợ rau Trà Quế. Ảnh: Quảng Bá Hải
Khai thác lối sống nông nghiệp vào phát triển du lịch
Không chỉ là làng nghề chuyên canh rau sạch, Trà Quế còn nổi tiếng với mô hình phát triển du lịch cộng đồng dựa trên sự bảo lưu gần như nguyên vẹn lối sống nông nghiệp truyền thống. Các hoạt động liên quan đến trồng, chăm sóc và thu hoạch rau đã mang đến cho du khách cơ hội trở về với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của người nông dân. Lý do chính thu hút du khách đến với Trà Quế phần lớn là hoạt động canh tác nông nghiệp đặc thù của địa phương, cảnh quan nông nghiệp đặc sắc và kiến thức sản xuất nông nghiệp bản địa phong phú. Không những vậy, một số hộ gia đình ở Trà Quế hiện nay vẫn duy trì việc làm các công cụ sản xuất truyền thống như đan rổ tre, gàu nan, cào tre... cho cả làng sử dụng. Tuy số lượng sản xuất không nhiều nhưng lại là điểm nổi bật, tạo ra sự khác biệt cho Trà Quế. Du khách thật sự cảm thấy thích thú khi được tận mắt nhìn thấy các công đoạn tạo ra một nông cụ từ nguyên liệu thiên nhiên, được sử dụng rổ tre thu hoạch rau, được gánh nước từ những chiếc “gàu nan”, được dùng cào mâu và cuốc để dọn đất. Một làng quê yên bình bên dòng sông Cổ Cò với những sinh hoạt nông nghiệp truyền thống đã giúp du khách cảm nhận được vẻ đẹp rất riêng có của Trà Quế và thu hút họ trở lại nơi đây.
Sau khi tham gia các giai đoạn canh tác rau cùng người dân làng Trà Quế, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức ẩm thực địa phương nhưng theo một cách rất riêng: tự tay ra vườn chuẩn bị nguyên liệu, được người dân hướng dẫn cách chế biến các món ăn dân dã nhưng đậm nét văn hóa Quảng Nam như bánh xèo, gỏi hoa chuối, tôm hữu, hay mỳ Quảng… Việc chế biến các món ăn địa phương tuy không cầu kỳ, kiểu cách nhưng lại mang một nét văn hóa rất riêng của làng Trà Quế. Ví dụ như nước é - một thức uống không thể thiếu trong những ngày hè nóng bức. Nước é bao gồm vài trái cam quật, một ít gừng băm nhỏ, một vài cọng sả, rau bạc hà và đặc biệt là hạt é (hạt rau húng quế phơi khô), cùng một ít đường. Tôm hữu cũng là món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của Trà Quế, gồm tôm đất (hoặc tôm sông) từ sông Cổ Cò đã lột vỏ, thịt heo luộc thái sợi và đặc biệt không thể thiếu rau bạc hà trồng tại địa phương. Tất cả được buộc chặt bằng một lá hành đã được hơ qua lửa trước đó. Vị tôm ngọt bùi, thịt heo béo mềm, hương bạc hà the the tươi mát và một chút mùi hơi hăng hăng của hành lá hòa trộn cùng nước chấm chua cay mặn ngọt để lại cho du khách một ấn tượng khó quên.
Việc đẩy mạnh khai thác đặc điểm sản xuất nông nghiệp truyền thống và nếp sống của người dân để phát triển du lịch nông nghiệp tại làng rau Trà Quế là điều cần thiết. Trước hết, Trà Quế có truyền thống sản xuất rau sạch hữu cơ, các di tích lịch sử và văn hóa độc đáo, ẩm thực địa phương đặc sắc, đời sống tinh thần phong phú với các phong tục tập quán, tín ngưỡng, thói quen, ứng xử và đặc biệt là lễ hội. Đây được coi là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch nông nghiệp, nếu không có những thành tố này thì các tour du lịch làng Trà Quế sẽ trở nên nhàm chán. Ở hướng tác động ngược lại, nếu du lịch phát triển tốt, cộng đồng và chính quyền địa phương có nguồn lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với nguồn tri thức bản địa quý giá của mình. Đây là cách thức để vừa phát triển vừa bảo tồn theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng trên nền tảng tri thức, kinh nghiệm nông nghiệp bản địa sẽ góp phần quan trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Hội An; tạo điều kiện tăng thêm thu nhập, cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình tại làng rau Trà Quế.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp đang gặp phải những thách thức. Trong đó thách thức lớn nhất đến từ kiến thức và kinh nghiệm làm du lịch của người dân Trà Quế. Vì thế, muốn nâng cao hiệu quả của loại hình du lịch này, người dân Trà Quế cần tận dụng hơn nữa các điều kiện sẵn có theo một phương thức mới, sáng tạo hơn như: tạo ra các loại hình cây trồng nghệ thuật, các khu vườn nghệ thuật; khai thác các giá trị văn hóa bản địa như Lễ hội Cầu Bông, tín ngưỡng thờ đất, thờ cúng tổ tiên... trong các tour du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp; khai thác các di tích lịch sử, văn hóa như giếng nước cổ Chămpa, mộ cổ Nguyễn Văn Điển, nhà nguyện dòng họ, đình làng để làm phong phú thêm các chương trình du lịch trải nghiệm, khám phá đặc trưng văn hóa địa phương.
Đồng thời, Trà Quế cũng có thể sử dụng nông sản, sản phẩm địa phương để chế biến thành sản phẩm du lịch, quà lưu niệm (thảo mộc sấy khô, trái cây sấy khô...), khai thác các nguyên vật liệu sẵn có để chế biến các món ăn bản địa mang đậm tinh hoa ẩm thực địa phương, phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng của du khách.
Hà Văn Trung